1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phó Thủ tướng và 7 Bộ trưởng trả lời chất vấn

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sẽ trả lời các câu hỏi chất vấn Chính phủ cùng các câu hỏi chất vấn Thủ tướng. Hiện Chính phủ cũng đã đề nghị Thường vụ Quốc hội về việc bố trí 7 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn.

Tại buổi họp báo sau phiên họp Thường kì Chính phủ chiều 6/3, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã nhận được 171 phiếu chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trong đó, Chính phủ có 10 phiếu chất vấn, Thủ tướng có 7 phiếu chất vấn.
 
Về phía các bộ, Bộ Công Thương có 21 phiếu chất vấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 18 phiếu, Bộ Y tế 16 phiếu, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội 15 phiếu, Kế hoạch Đầu tư 10 phiếu…
 
Theo ông Phúc, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sẽ thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời các câu hỏi chất vấn Chính phủ, chất vấn Thủ tướng. Hiện Thủ tướng đang đề nghị UB Thường vụ Quốc hội về việc các Bộ trưởng Công Thương, Lao động - Thương binh - Xã hội, Y tế, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Văn hoá - Thế thao và Du lịch sẽ trả lời chất vấn.
 
Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về vấn đề lao động phổ thông nước ngoài tại Việt Nam, Ông Phúc cho rằng, việc giao lưu về khoa học công nghệ, lao động… là bình thường trong WTO và hiện tại lao động nước ta ở nước ngoài cũng rất lớn.
 
Phó Thủ tướng và 7 Bộ trưởng trả lời chất vấn  - 1
Ông Nguyễn Xuân Phúc: Sẽ có biện pháp đồng bộ, thấu tình đạt lí cho vấn đề lao động nước ngoài.
 
Tuy nhiên, đứng về mặt nhà nước cần quản lí chặt chẽ theo khuôn khổ pháp luật. Trong phiên họp vừa rồi, Thủ tướng đã giao Bộ LĐ-TB-XH kiểm tra cụ thể, cùng các cơ quan chức năng tìm cách giải quyết, đảm bảo quyền lợi của người lao động, đối xử công bằng với người lao động.
 
“Chúng ta sẽ có giải pháp đồng bộ, thấu tình đạt lí, phù hợp với thông lệ quốc tế về vấn đề này”, ông Phúc cho biết.
 
Liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐ-TB-XH vừa đưa ra con số 75.000 lao động nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có 62% không phép.
 
Chưa phát hiện liên kết nâng giá sữa
 
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, ngay sau khi có dư luận về việc một số mặt hàng quần áo, đồ chơi sản xuất ở Quảng Châu có chứa formandehyde, chất gây ung thư ở mức quá giới hạn cho phép được nhập nhiều vào Việt Nam, BCĐ 127 về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Chính phủ đã có công điện khẩn gửi cho Ban chỉ đạo 127 các tỉnh có biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lao Cai, Lai Châu, Điện Biên…
 
Trong đó yêu cầu BCĐ các tỉnh này quản lí giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng quần áo, đồ dùng, đồ chơi qua các cửa khẩu; khuyến cáo dân cư biên giới hạn chế nhập khẩu các mặt hàng quần áo, đồ dùng trẻ em dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hoá; tăng cường kiểm tra các hoạt động mua bán, trao đổi ở các chợ biên giới, cửa khẩu đối với các  mặt hàng trên.
 
Ông Biên cũng cho biết, hiện nay, các bộ ngành cùng với Bộ Khoa học Công nghệ đang xây dựng bộ tiêu chuẩn đối với các sản phẩm. Theo đó, sắp tới chúng ta sẽ có một thể chế có thể gọi là “hàng rào”, áp dụng chung cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
 
“Việc đưa tiêu chuẩn thế nào sẽ cân nhắc hài hoà cả lợi ích của cả người tiêu dùng, người sản xuất cũng như việc phù hợp với trình độ sản xuất của Việt Nam”, ông Biên cho biết.
 
Liên quan đến vấn đề giá sữa bán trong nước cao nhất thế giới, ông Biên khẳng định, dù sản phẩm sữa của doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 70 - 80% thị trường Việt Nam, nhưng không có doanh nghiệp nào có thị phần mà theo luật cạnh tranh thuộc diện điều tra dấu hiệu chi phối thị trường qua việc tự ý nâng giá.
 
Ông Biên cũng cho biết, đến lúc này, Cục quản lí cạnh tranh (Bộ Công Thương) cùng Hội đồng cạnh tranh của Chính phủ chưa phát hiện hành vi liên kết giữa các hãng sữa để nâng giá sữa, xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng.
 
Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho biết, Bộ này sẽ đề xuất cơ chế quản lí sữa theo hướng coi đây một trong những mặt hàng thiết yếu, rất quan trọng đối với đời sống xã hội, đưa vào một trong những mặt hàng có sự quản lí, bình ổn giá, áp dụng theo đúng qui định của Pháp lệnh về giá.
 
Cấn Cường