Phó Thủ tướng "rùng mình" khi nghe Bí thư tỉnh ủy nói về chuỗi 24 thủ tục
(Dân trí) - Kể lại việc Bí thư một tỉnh phía Bắc nói phải trình 24 thủ tục để chuyển mục đích sử dụng rừng sang làm công trình giao thông, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết ông "rùng mình" với thông tin này.
Tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 7/11, sau phần trả lời và giải trình của các tư lệnh ngành về lĩnh vực tư pháp, nội vụ, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án... Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giải trình, làm rõ thêm một số nội dung được các đại biểu quan tâm.
Đề cập đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng cho biết ông đồng tình với ý kiến của các đại biểu khi nhắc đến hai từ "chậm" và "chưa". Theo ông, trách nhiệm thuộc về Chính phủ và các bộ trưởng là cơ quan chủ trì soạn thảo, chứ không chỉ riêng Bộ Tư pháp.
Dẫn lại số liệu "giật mình" được các đại biểu đề cập khi có đến 60% văn bản hướng dẫn dưới luật được ban hành sau ngày luật có hiệu lực, Phó Thủ tướng nhận khuyết điểm và hứa cố gắng từng bước khắc phục.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng đại biểu mới đề cập đến tình trạng chậm về số lượng, định lượng, thời gian, còn một điều quan trọng hơn là Chính phủ gặp áp lực khi phải xây dựng những nghị định, thông tư có tính chuẩn mực, kiểm soát được tình hình nhưng cũng tạo điều kiện thông thoáng.
Cùng với đó, việc đánh giá tác động sau khi chính sách ra đời cũng mất thời gian.
Theo Phó Thủ tướng, thực tế cho thấy thời gian qua, Chính phủ phải dồn nhiều công sức để sửa những nghị định và thông tư đang có hiệu lực mà còn bất cập. Vấn đề này được ưu tiên nên "lúc này lúc khác còn lơ là trong việc đáp ứng các nhu cầu mà luật quy định".
"Công tâm mà nói, chúng tôi nhận thấy thời gian qua, Chính phủ ứng xử việc này có tiến bộ hơn trước", Phó Thủ tướng nói và cho biết thời gian tới, các cơ quan sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường nguồn lực cho đơn vị pháp chế…
Về vấn đề phân cấp ủy quyền, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh nếu giải quyết được việc phân cấp thì có thể giải quyết được cả vấn đề cải cách thủ tục hành chính.
"Bí thư một tỉnh phía Bắc đã nắm tay tôi và cảm ơn, vì chúng tôi đã giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng rừng để làm công trình đường giao thông. Đồng chí này nói là đã phải trình 24 thủ tục hành chính thì mới được giải quyết. Thực sự tôi cũng "rùng mình" với thông tin này", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Dù vậy, ông cho rằng còn những vướng mắc nhất định như các quy định chuyên ngành; nhiều địa phương, nhiều cơ quan vẫn không muốn phân cấp vì lợi ích, sợ mất đi quyền lực; có nơi lo lắng không biết cấp dưới có kham nổi hay không.
Đề cập đến việc khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, Phó Thủ tướng cho rằng việc này góp phần giải quyết những cán bộ đang né tránh, đùn đẩy công việc.
Ông hoan nghênh Bộ Nội vụ thời gian qua đã "đánh vật" với nhiệm vụ này và ngày 29/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73. Trong đó khuyến khích ai tham gia sẽ được tôn vinh, khen thưởng và có cơ hội thăng tiến tốt hơn.
"Nhưng đến lĩnh vực "bảo vệ người dám nghĩ dám làm" thì chúng tôi bí, vì nó xung đột với tất cả quy định hiện hành. Muốn vậy thì phải sửa luật, nhưng tôi nghĩ cũng cực kỳ khó", theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Vì vậy, ông cho rằng chỉ có thể làm ở mức người đứng đầu cơ quan đơn vị cần xem xét thấu đáo, xét những động cơ, phạm vi, tâm thế muốn đóng góp cho cái chung để có ứng xử với cán bộ theo thẩm quyền phù hợp.
Lãnh đạo Chính phủ cũng mong các đại biểu Quốc hội cùng quan tâm, đóng góp các giải pháp để tháo gỡ nội dung này.