TPHCM:
Phó Thủ tướng đồng ý thực hiện chủ trương thành lập Thành phố Thủ Đức
(Dân trí) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đồng ý thực hiện chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, tại cuộc họp về đề án không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM và đề án thành lập thành phố trực thuộc TPHCM.
Theo đó, thông báo nêu rõ: việc thành lập Thành phố Thủ Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao UBND TPHCM xây dựng đề án, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Căn cứ các quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng đồng ý thực hiện chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM trên cơ sở sắp xếp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021.
"Việc thành lập thành phố Thủ Đức theo định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao là phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo", thông báo nêu rõ.
Trong quá trình xây dựng đề án, TPHCM cần lưu ý về quy hoạch chung, nên tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng Thành phố Thủ Đức. Việc này nhằm tìm hiểu các nhu cầu đầu tư, yêu cầu về cơ sở hạ tầng... để có thể tích hợp vào quy hoạch, định hướng chung của Thành phố.
Để thu hút đầu tư vào Thành phố Thủ Đức, TPHCM cần làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới, không chỉ so sánh với các thành phố trong nước, mà còn đối với các trung tâm tài chính, công nghệ trong khu vực Châu Á.
Để làm được điều này, TPHCM cần làm việc với bộ, ngành để có thể tích hợp các đề án, chương trình liên quan vào định hướng phát triển của thành phố mới.
Thành phố Thủ Đức tương lai có thể là nơi tập trung đông dân cư, với thành phần đến từ nhiều tỉnh thành, quốc gia khác nhau.
Do đó, bên cạnh các yếu tố kinh tế, tài chính, cần thiết kế không gian rộng rãi, xanh sạch đẹp, đáng sống, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cũng tại thông báo này, Phó Thủ tướng đồng ý xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường ở TPHCM với tên gọi là đề án chính quyền đô thị.
Việc này nhằm thể chế hóa chủ trương tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị và hải đảo. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị loại đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật của cả nước.
Phó Thủ tướng giao UBND TP phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện đề án, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp; làm rõ cơ chế, phương thức kiện toàn tổ chức chính quyền đô thị TP.
Trường hợp thực hiện theo cơ chế thí điểm cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, lưu ý: "không mở rộng thí điểm mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh".
Thiết kế đồng bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị: tổ chức chính trị, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, các cơ quan dân cử, cơ quan tư pháp...
Đồng thời, rà soát, nhận định chính xác, khách quan về hoạt động của chính quyền quận, phường khi không tổ chức HĐND, làm căn cứ đề xuất phương án sắp xếp, bố trí cán bộ và cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.