Phó Thủ tướng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá trong bão số 3
(Dân trí) - “Các tỉnh miền Bắc vừa chịu ảnh hưởng của hai cơn bão số 1 và 2, lại xuất hiện mưa lớn kéo dài, do đó đất đá đã “ngậm” đủ nước, khi bão số 3 đổ bộ vào gây mưa lớn thì nguy cơ sạt lở sẽ rất cao. Vì vậy, chúng ta phải tập trung, chủ động ứng phó với bão ở mức cao nhất”.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đưa ra cảnh báo như vậy tại cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó với bão số 3 diễn ra vào sáng nay (18/8) tại Hà Nội.
Sau khi nghe cơ quan khí tượng thủy văn báo cáo về diễn biến hiện tại của cơn bão số 3, báo cáo của các đơn vị chức năng liên quan và nghe đại diện các địa phương nằm trong tầm ảnh hưởng của bão số 3 báo cáo về công tác ứng phó, Phó Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện các công việc sau:
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cần theo sát diễn biến của cơn bão, dự báo cảnh báo kịp thời, chính xác cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan, thông tin đại chúng để người dân nắm được kịp thời ứng phó; Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí truyền thông cần tăng thời lượng, tần suất phát sóng, đưa tin các bản tin về diễn biến cơn bão số 3.
Bộ NN&PTNT cần chỉ đạo ngành thủy sản phối hợp với Bộ đội Biên phòng khu vực biển và chính quyền địa phương kiểm đếm tàu, thuyền trên biển. Đặc biệt đối với những tàu, thuyền đang hoạt động ở vùng biển nguy hiểm, cần khẩn trương kêu gọi di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.
Bộ NN&PTNT cần rà soát, đảm bảo an toàn đê biển, đê sông, hồ đập. Có những biện pháp cấp bách khi có sự cố và vận hành an toàn hồ đập. Bộ Công thương vận hành an toàn hồ đập thủy điện, chủ động phòng chống lũ cho hạ du, đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, chủ động hàng hóa thiết yếu để cung cấp khi có yêu cầu.
Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương kiểm tra các công trình trọng yếu của đất nước, hướng dẫn các địa phương có các biện pháp kỹ thuật bảo vệ công trình có chất lượng kém, đang xây dựng, các công trình tháp cao,...
Bộ GTVT đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải trên biển, trên sông, neo đậu đúng kỹ thuật, đúng khu vực. Đảm bảo đường giao thông thông suốt, khi có sạt lở cần tập trung khắc phục một cách nhanh nhất.
Bộ Công an phối hợp với Bộ GTVT, các địa phương kiểm soát giao thông trên các khu vực chính trong thời gian bão đổ bộ; hướng dẫn giao thông trên các khu vực bị ngập, tràn dễ xảy ra tai nạn, đảm bảo việc đi lại được an toàn.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) phối hợp cùng với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tập trung chỉ đạo, bố trí lực lượng tại các điểm xung yếu, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương, các cơ quan, đơn vị để công việc ứng cứu có hiệu quả. Tại mỗi địa phương, lực lượng vũ trang, trong đó quân đội phải đóng vai trò nòng cốt trong việc phòng chống thiên tai và TKCN.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến, thường xuyên cập nhật tình hình về cơn bão. Chủ động ứng phó, không để rơi vào tình thế bất ngờ khi có sự cố xảy ra.
“Như các đồng chí bên khí tượng thủy văn báo cáo, các tỉnh miền Bắc nước ta vừa chịu ảnh hưởng của hai cơn bão số 1 và 2, lại xuất hiện mưa lớn kéo dài trong những ngày qua, do đó đất đá đã “ngậm” đủ nước. Khi bão số 3 vào đất liền gây mưa lớn, thì nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét,…Vì vậy, các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung ở mức cao nhất để ứng phó với cơn bão số 3 một cách hiệu quả nhất” – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.
Ngoài ra, tại cuộc họp nói trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết thêm: Bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng rất lớn khoảng 200km (từ các tỉnh Bắc Trung Bộ trở ra phía Bắc). Khi cơn bão này đổ bộ vào đất liền nước ta đúng thời điểm triều cường trên các sông lớn như Thái Bình, sông Hồng lên cao, do đó công tác tiêu úng sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Nguyễn Dương