Phó mặc sinh mệnh cho tài xế nghiện
Sau nhiều ngày gây ra vụ tai nạn làm 2 người chết, 11 người bị thương ở Đắk Lắk, tài xế xe khách vẫn trong tình trạng lơ mơ nghi do sử dụng ma túy quá liều. Trong khi đó, việc kiểm tra ma túy đối với tài xế nhiều nơi chỉ làm cho có.<br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-tai-nan-13-nguoi-thuong-vong-tai-xe-duong-tinh-voi-ma-tuy-950903.htm'><b> >> Vụ tai nạn 13 người thương vong: Tài xế dương tính với ma túy</b></a>
Thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do tài xế sử dụng ma túy khi lái xe. Điển hình, tài xế Trần Thế Nam (SN 1981, ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã sử dụng ma túy khi điều khiển xe khách gây ra vụ tai nạn ngày 1-10 làm 2 người chết, 11 người bị thương.
Đua tốc độ để bắt khách
Theo khảo sát của phóng viên, trung bình mỗi ngày có hơn 20 xe khách loại 16 chỗ chạy tuyến Đắk Lắk đi Gia Lai và Kon Tum, trong đó hơn một nửa là xe dù. Tại khu vực bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột, lúc nào cũng có vài xe lượn trên đường, đậu trong cây xăng để bắt khách mà không vào bến. Những người đã từng ngồi trên các chiếc xe này đều khiếp đảm do tài xế đua tốc độ, tranh giành khách suốt tuyến.
Cấp cứu người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông do tài xế nghiện ma túy gây ra ngày 1-10 tại Đắk Lắk
Theo bác sĩ Trần Đức Thuấn, Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, những ngày qua, tài xế Nam luôn trong tình trạng mơ màng, mất tri giác. Bệnh viện đã chụp CT lại vì sợ tri giác xấu đi do chấn thương sọ não. Tuy nhiên, sau 2 lần kiểm tra, kết quả vẫn như nhau, chưa phát hiện tổn thương, chưa đánh giá được bệnh nhân mất tri giác do chấn thương sọ não. “Kết quả xét nghiệm máu của tài xế Nam dương tính với chất ma túy nên chúng tôi nghi ngờ bệnh nhân hôn mê do sử dụng ma túy quá liều” - bác sĩ Thuấn nhận định.
Trong khi đó, theo bà Dương Thị Ngọc Trong, Giám đốc Xí nghiệp Vận tải - Công ty CP Dịch vụ vận tải hành khách công cộng và Quản lý bến xe liên tỉnh Đắk Lắk, trong hồ sơ xin việc, theo kết quả khám sức khỏe ngày 8-9, tài xế Nam đủ sức khỏe lái xe, âm tính với ma túy. Cũng theo bà Trong, chiếc xe gây tai nạn xin tạm nghỉ để sửa chữa từ ngày 20-9. Tuy nhiên, sau đó, không đưa xe quay lại lấy lệnh xuất bến, tài xế Nam vẫn đón khách và không bật thiết bị giám sát hành trình.
Theo thượng tá Võ Lai, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk, ngày 1-10, có một tổ tuần tra giao thông tại khu vực giáp ranh giữa Đắk Lắk và Gia Lai. Đến 16 giờ cùng ngày, tổ tuần tra về để giao ca, tài xế Nam cho xe chạy vào lúc này nhằm tránh sự kiểm tra của CSGT và sau đó 30 phút thì xảy ra tai nạn.
Cơ quan chức năng dễ bị qua mặt
Đắk Lắk là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước kiểm tra ma túy đối với tài xế. Trong đợt thí điểm đầu năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 8 tài xế nghiện ma túy.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Công văn 7191/BGTVT-VT ngày 18-6-2014 về việc tăng cường kiểm tra ma túy và các chất kích thích của đội ngũ lái xe, địa phương lại thực hiện nửa vời. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đắk Lắk hiện có 652/1.288 tài xế nộp kết quả kiểm tra và đều âm tính với chất ma túy.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk thông báo sẽ phối hợp với Sở Y tế tổ chức 2 đợt trong tháng 7 và 8-2014 để lấy mẫu nước tiểu tập trung tại các bệnh viện nhằm đề phòng các trường hợp xin nước tiểu người khác. Tuy nhiên, sau đó, các đơn vị liên quan lại không tổ chức kiểm tra ma túy tập trung mà lại giao cho các đơn vị vận tải tự làm. Từ đó, việc kiểm tra ma túy đối với tài xế chỉ là hình thức.
Theo bà Trong, sau khi nhận được thông báo, xí nghiệp đã phổ biến thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra nước tiểu cho toàn bộ 58 lái xe thuộc xí nghiệp nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng lại không tổ chức kiểm tra như đã thông báo. Vì vậy, xí nghiệp phải yêu cầu tài xế tự đến bệnh viện, phòng khám để kiểm tra nước tiểu. Kết quả, 58 tài xế của xí nghiệp âm tính với chất ma túy. “Nếu tài xế sử dụng ma túy thì họ có thể lấy nước tiểu của người khác để kiểm tra. Vì vậy, mới xảy ra trường hợp như tài xế Nam” - bà Trong nói.
Vẫn còn kẽ hở cho xe dù
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tình trạng xe dù xảy ra nhiều nhất ở 2 tuyến đi Nha Trang và Gia Lai. Việc xử lý xe dù không có gì khó khăn vì những phương tiện này không có lệnh xuất bến nhưng không hiểu sao nạn xe dù vẫn lộng hành.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, thượng tá Võ Lai cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, Trạm CSGT Krông Búk (quản lý khu vực thuộc Quốc lộ 14 - đoạn qua phía Bắc tỉnh Đắk Lắk - PV) phát hiện 19 lượt xe không có lệnh xuất bến. "Chúng tôi cũng cảm thấy số lượng xe vi phạm bị phát hiện ít hơn thực tế, nguyên nhân do lực lượng mỏng, không thể kiểm soát hết, vả lại tài xế thường chọn lúc giao ca để qua các trạm” - thượng tá Lai thừa nhận. |
Theo Cao Nguyên
Người lao động