1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sóc Trăng:

Phó Giám đốc Công an tỉnh bị kỷ luật vì liên quan 3 vụ oan sai

(Dân trí) - Ngày 6/10, ông Võ Văn Thiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng, xác nhận, ngày 5/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng đã triển khai quyết định kỷ luật với hình thức “Cảnh cáo về mặt Đảng” đối với Đại tá Thái Văn Đợi, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng.


Đại tá Đợi trong một lần trao giấy khen cho các đơn vị phá án.

Đại tá Đợi trong một lần trao giấy khen cho các đơn vị phá án.

Về mặt chính quyền, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ có văn bản gửi đến Bộ Công an để nơi đây xem xét xử lý.

Lý do Đại tá Thái Văn Đợi bị kỷ luật được cho là có liên quan đến 3 vụ oan sai khiến 11 người vướng lao lý và một số việc gây điều tiếng.

Theo lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Đợi được cho là có nhiều sai phạm trong thời gian công tác, đến mức phải bị kỷ luật. Đầu tiên là liên quan đến 3 vụ oan sai ở huyện Trần Đề (7 người), Vĩnh Châu (3 người) và Châu Thành (1 người).

Cụ thể, ngày 6/7/2013, người dân phát hiện thi thể ông Lý Văn Dũng (43 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, hành nghề chạy xe ôm) nằm chết trên đường. Quá trình truy tìm thủ phạm, Công an Sóc Trăng bắt tạm giam Trần Hol, Thạch Mươl, Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Khâu Sóc và Thạch Sô Phách (cùng ngụ huyện Trần Đề) để điều tra hành vi "Giết người" và Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, nhân viên quán nhậu) về hành vi "Không tố giác tội phạm".

Tuy nhiên, đến giữa tháng 12/2013, Lê Thị Mỹ Duyên (ngụ Kiên Giang) bất ngờ đến Công an TPHCM đầu thú, thừa nhận chính Duyên và Phan Thị Kim Xuyến (ngụ thị trấn Trần Đề) đã thông đồng giết ông Dũng nhằm cướp tài sản.

Tháng 2/2014, VKSND tỉnh Sóc Trăng hủy bỏ biện pháp tạm giam, đình chỉ điều tra đối với 7 bị can.

Liên quan vụ án oan này, ngoài Trưởng và Phó phòng PC45 bị giáng chức, 23 cán bộ khác của Công an tỉnh Sóc Trăng nhận quyết định kỷ luật, kiểm điểm vì “nóng vội phá án”.

Trong một vụ án khác, ngày 3/8/2012, tại khóm Biển Dưới, phường Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu xảy ra một vụ án mạng khiến nạn nhân Lâm Tài Mấu tử vong.

Qua điều tra, cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng đã bắt giam và truy tố Phạm Văn Lé (SN 1963) về tội “Giết người”, bà Thạch Thị Xem (SN 1965, vợ ông Lé) và Phạm Văn Lến (SN 1975, em ruột ông Lé) bị truy tố về tội “Không tố giác tội phạm”.

Qua 2 phiên tòa xét xử ngày 17/2/2014 và ngày 1/7/2014, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và theo đề nghị của các luật sư bào chữa cho các bị cáo, TAND tỉnh Sóc Trăng đã tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho CQĐT vì chưa đủ cơ sở kết tội các bị cáo.

Sau đó, họ được cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh Sóc Trăng phê chuẩn các quyết định “Tạm đình chỉ điều tra vụ án”, “Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn”, “Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự”, “Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam” sau khi họ bị bắt giam tròn 2 năm.

Ngày 18/12/2014, 3 người này nhận được quyết định đình chỉ điều tra bị can do cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng ký ngày 16/12/2014. Nội dung quyết định nêu rõ ông Phạm Văn Lé “Không có hành vi giết anh Lâm Tài Mấu”.

Sau đó, các bị cáo được cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng và Viện KSND tỉnh này phê chuẩn các quyết định “Tạm đình chỉ điều tra vụ án”, “Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn”, “Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự”, “Quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giam”.

Các vụ oan sai này được cho là xảy ra trong thời gian Đại tá Đợi giữ chức vụ Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng.

Sai phạm thứ hai được đoàn kiểm tra Đảng viên có dấu hiệu vi phạm là việc phát hiện Đại tá Đợi mượn đất của Công ty Thủy sản KM Phương Nam, để sản xuất tại thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (quê ông Đợi).

Đây là công ty của đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân, sau khi công ty vướng vào nợ nần, ông Khuân đã rời Việt Nam và đang bị truy nã.

P.T