Phố đèn lồng truyền thống: Vẫn cần mẫn “tô sắc” đêm Trung Thu
(Dân trí) - Phố lồng đèn không còn không khí nhà nhà, người người làm đèn như xưa vì các loại đèn nhập ngoại tràn ngập. Tuy nhiên, vẫn còn những đôi tay cặm cụi giữ lấy nghề “tô sắc” để đến dịp Trung Thu, con đường Lương Nhữ Học vẫn lung linh, huyền ảo.
Qua thời gian, khu vực Chợ Lớn nới rộng, phố Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM) ngày càng thu hẹp nhưng vẫn giữ được nét nguyên sơ ban đầu. Nhờ thế mà cứ đến dịp Trung Thu, con đường này đã tạo nên những màu sắc lung linh, huyền ảo.
Mặc dù chuyên bán các sản phẩm như: đầu lân, ông địa, mão cúng, trống nhỏ to đủ loại… nhưng khi đến Trung Thu, các cửa hàng nơi đây lại nổi tiếng với việc trang trí họa tiết đủ màu sắc, hình dáng lên thân đèn. Người trong nghề thường gọi là “tô sắc”.
Gia đình chị Phương từng có thâm nên 20 năm trong nghề “tô sắc”.
Với hơn 20 năm trong nghề, chị Trấn Thị Thanh Phượng (chủ quán đèn lồng Thanh Phượng) cho biết: “Phố lồng đèn năm nay không còn không khí nhà nhà, người người làm đèn như 3, 4 năm trước; nhiều người bỏ nghề vì sự tràn ngập các loại đèn giấy Trung Quốc. Tuy nhiên không vì thế mà thiếu đi cảnh đủ loại đèn được treo khắp nơi. Bây giờ, làm lồng đèn không chỉ để kiếm sống mà còn để đón khách thăm quan vào đêm cuối tuần, mọi người đến đây vừa mua sắm vừa vãn cảnh cho thỏa thích”.
Từ khi về nhà chồng, 9 thành viên trong nhà chị đều biết đến nghề “làm đẹp” cho đèn lồng. “Hằng năm, cứ đến độ đầu tháng 7 âm lịch, tôi lại nhập hàng từ làng đèn Phú Bình, quận 11 về gia công lại. Dựa trên khung tre có sẵn, mình dán thêm giấy kính màu, tô sơn và sau đó là gắn lông, hoa lá… sao cho thật bắt mắt nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống”, chị Phượng kể.
Gia công lại các đầu lân, lồng đèn đòi hỏi sự tỉ mỉ và sáng tạo
Mỗi ngày, một người thợ lành nghề có thể làm ra gần 100 cái đèn lồng đủ hình dạng kích thước: từ đèn kéo quân, đèn ông sao đến các nhân vật: Tôn Ngộ Không, chú Cuội… hay các con vật ngộ nghĩnh, dễ thương.
Anh Mã Dựng Hên (40 tuổi) tâm sự: “Từ lúc lên 10, tôi đã được tiếp xúc với tre, giấy gió, cọ sơn, màu nước… đến khi 20 tuổi thành thạo với từng nét vẽ, nếp xếp hình đèn. Qua thời gian, người trong phố dần quên đi cái nghề mà cha ông để lại. Có lúc còn tưởng mất nó chỉ vì hàng ngoại mẫu mã đẹp lại rẻ hơn rất nhiều so với đèn truyền thống”.
Vui khi người tiêu dùng dần quay lại với hàng truyền thống
Mỗi năm có 12 đêm rằm nhưng đêm rằm tháng 8 vẫn thu hút người lớn, trẻ nhỏ bởi cái thú chơi đèn, phá cỗ, ngắm trăng. Năm nay, đèn làm bằng tay bầy bán nhiều hơn và được nhiều người hỏi mua.
Năm nay nhiều đơn vị sản xuất trong nước cũng đã tung ra các sản phẩm lồng đèn nhựa in hình ảnh 2D - 3D thật bắt mắt với giá khá mềm, dao động từ 40.000 - 150.000 đồng/cái. Bạn Uyên (Q.3) chia sẻ: “Rằm nào mình cũng ra đây, chủ yếu là để tìm lại kỷ niệm thời bé. Lồng đèn năm nay khá đẹp và giá không quá mắc nên mình định mua mấy cái về chưng cho có không khí Trung Thu”.
Những chiếc đèn hình các con vật được nhiều người chọn lựa
Các chủ vựa đầu mối lồng đèn cho biết, hàng Việt Nam năm nay sẽ được ưa chuộng hơn các loại lồng đèn nhựa chạy bằng pin của Trung Quốc. “Giá đèn ngoại khi nhập về đã tăng gần gấp đôi so với giá nhập của năm ngoái thì giá bán làm sao rẻ được. Hơn nữa khó tránh khỏi việc lồng đèn Trung Quốc sản xuất từ nhựa kém chất lượng, chứa nhiều thành phần kim loại nặng, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, nhất là đối với trẻ em”.
Đèn giấy dần quay lại trong thói quen chơi đèn đêm rằm của người dân
Theo khảo sát của PV Dân trí, dọc nhiều con đường tại quận 8 hoặc các điểm bán lồng đèn lâu năm của TP như khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), đường Ngô Nhân Tịnh (quận 6)… các loại lồng đèn trong nước nay đã được cải biến với mẫu mã đa dạng, phong phú và nhiều tính năng khác nhau được trưng bày.
Chị Lý Kim Yến cho biết: “Vui khi dân mình dần quay lại với hàng truyền thống. Đợt này chúng tôi cũng có đơn đặt hàng lớn với hơn 300 chiếc từ một công ty mua về trao quà từ thiện cho trẻ em nghèo ở miền Tây”.
Hải Thanh - Hồng Nhung