Phó Chủ tịch xã “đuổi đoàn cứu trợ lũ lụt”: Chỉ là chuyện hiểu lầm?
(Dân trí) - Sau thông tin về việc ông Trần Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Văn (Quảng Trạch - Quảng Bình) “đuổi đoàn cứu trợ”, UBND xã này có báo cáo, khẳng định sự việc là do sự “thiếu hiểu nhau về cách giao, nhận và tổ chức cấp phát hàng cứu trợ”.
Để có thông tin đa chiều về sự việc gây bất bình trong dư luận nói trên, Dân trí đã liên hệ với những người trong cuộc và một số người trực tiếp chứng kiến.
“Đuổi” đoàn cứu trợ?
Theo bà Vũ Hương Giang - người đi cùng đoàn cứu trợ của báo Tuổi trẻ Thủ đô và Công ty TNHH lương thực Hà Việt: ngày 2/11, đoàn cứu trợ mang theo 800 suất quà cùng nhiều quần áo, sách vở, đồ dùng… đến các xã Quảng Văn, Quảng Sơn và Quảng Tiên (huyện Quảng Trạch) để hỗ trợ người dân sau lũ.
Tại xã Quảng Văn, đoàn đã liên hệ trước với lãnh đạo xã, đề nghị chuyển hàng vào trụ sở UBND xã để chuyển về cho dân. Trong khi đoàn đang bốc dỡ hàng cứu trợ xuống sân, bất ngờ ông Phương nổi cáu, có những lời lẽ nóng nảy và đòi đuổi đoàn cứu trợ ra khỏi UBND xã trước sự ngỡ ngàng của các thành viên trong đoàn cứu trợ - bà Giang cho biết.
Sau đó, đoàn đã liên lạc với ông Trần Văn Bông - Chủ tịch UBND xã Quảng Văn phản ánh sự việc. Đảng ủy, UBND xã này đã tiến hành gặp gỡ đoàn cứu trợ với sự có mặt của ông Trần Văn Phương. Tại cuộc gặp, ông Phương không thừa nhận mình sai, nhưng UBND xã đã thừa nhận thiếu sót và xin lỗi đoàn cứu trợ. Sau đó, đoàn cứu trợ tiếp tục bàn giao số hàng đã thông báo cho UBND xã Quảng Văn.
“Hiểu nhầm nhau”
Ngay sau khi có thông tin trên báo chí về việc ông Phương “đuổi đoàn cứu trợ”, Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Quảng Trạch đã có công văn yêu cầu xã Quảng Văn báo cáo sự việc.
Báo cáo đề ngày 9/11 của UBND xã này khẳng định sự việc xảy ra là do sự thiếu hiểu nhau về cách giao, nhận và tổ chức cấp hàng cứu trợ gồm 230 thùng mỳ tôm và một số quần áo, sách bút…
Cụ thể, báo cáo cho biết: nhận được thông tin có đoàn cứu trợ của báo Tuổi trẻ Thủ đô và Công ty TNHH Hà Việt, lãnh đạo xã đã thống nhất chủ trương cấp phát toàn bộ số hàng này cho thôn Văn Phú (là một trong hai thôn bị ảnh hưởng nặng nhất xã - PV), nhưng do xe chở hàng bị vướng dây điện nên phải chuyển hàng xuống trụ sở UBND xã để tăng-bo về Văn Phú.
“Trong lúc bốc xếp hàng, một người trong đoàn cứu trợ gọi một số học sinh đến cho hàng hóa, nhiều người thấy vậy chạy đến xin, giành giật gây lộn xộn nên đồng chí Phương đã ra ngăn dân, lập lại trật tự”, ông Trần Văn Bông - Chủ tịch UBND xã cho biết.
Trong giải trình của mình, ông Trần Văn Phương cũng thừa nhận đã nóng nảy vì thấy người dân ùa vào giành giật hàng đã được thống nhất dành cho thôn Văn Phú và sau khi đại diện đoàn nói “cho ai là quyền của tôi” thì ông đáp lại rằng: “Nếu nói như chị thì đừng bàn giao cho xã nữa mà đưa ra ngoài khuôn viên của xã mà trao”.
Bà Trần Thị Hương - giáo viên trường Mần non Quảng Văn, người trực tiếp chứng kiến sự việc, nói: “Hôm đó đoàn có hỗ trợ một số hàng hóa cho trường mầm non nên tôi và một giáo viên trong trường ra nhận riêng nên chứng kiến sự việc. Khi đang bốc hàng, một người trong đoàn có mở thùng hàng ra, cho mấy học sinh quần áo, sách vở khiến nhiều người khác đứng cạnh đó lao vào giành giật nên anh Phương ngăn dân và nói với đoàn là không được cấp phát theo cách đó nhưng một người đáp lại là “của tôi, tôi cho ai là quyền tôi”. Sau đó hai bên xảy ra to tiếng với nhau. Tôi thấy đúng là anh Phương có nóng nảy trong lời nói, nhưng không có ý xấu”.
“Sự việc đáng tiếc”
Đánh giá về sự việc, ông Mai Văn Chương - Bí thư Đảng ủy xã Quảng Văn nói: “Sau lũ, xã Quảng Văn gặp nhiều khó khăn và rất biết ơn trước sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm. Chúng tôi đã tiếp đón khoảng 30 đoàn cứu trợ, không để xảy ra điều tiếng gì. Việc tổ chức phân bổ hàng được tiến hành công khai, không để xảy ra thắc mắc, khiếu nại của nhân dân. Chuyện xảy ra ngày 2/11 là sự việc đáng tiếc, chúng tôi đã tổ chức rút kinh nghiệm để không xảy ra việc tương tự”.
Ông Chương và ông Bông đều khẳng định, sự việc trở nên “lớn chuyện” là vì ông Phương “chưa tế nhị trong giao tiếp” và hai bên chưa hiểu nhau về phương pháp phân phối hàng cứu trợ.
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Phương giải thích: “Đúng là tôi có nóng nảy, thiếu tế nhị. Khi đoàn bóc hàng và đưa cho một số người, những người còn lại ùa vào xin, giành giật nên tôi phải to tiếng ngăn họ để tránh lộn xộn, hơn nữa hàng đã thống nhất giao cho thôn Văn Phú nên nếu phát cho người khác thì dễ gây ra thắc mắc trong dân về việc người có, người không chúng tôi rất khó giải thích”.
“Nếu như lúc đó thay vì nói trước mặt dân, tôi nói riêng với đại diện đoàn thì chắc sự việc không đi quá xa như vậy. Tôi đã nhận khuyết điểm, và đây cũng là một bài học cho tôi”, ông Phương trần tình.
Hồng Kỹ