1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phiếu tín nhiệm thấp vì có nhiều… điểm “nóng”

(Dân trí) - Theo đánh giá của nhiều đại biểu Quốc hội, quy trình lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện công khai, minh bạch. Một số ngành tỷ lệ phiếu tín nhiệm khá thấp như y tế, giao thông, ngân hàng… vì có nhiều điểm “nóng”.

Sáng 11/6, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh. Bên lề kỳ họp, một số đại biểu Quốc hội đã chia sẻ với báo giới về kết quả, cách thức chuẩn bị và những kinh nghiệm cần rút ra cho các lần lấy phiếu tín nhiệm sau này.

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai):

Phiếu tín nhiệm thấp vì có nhiều… điểm “nóng”

Điều đầu tiên đáng ghi nhận là toàn bộ quy trình chúng ta làm rất minh bạch, công khai. Đây là một tiền đề hết sức thuận. Còn kết quả cụ thể mỗi người có một ý kiến khác nhau. Nếu nhìn tương quan tất cả các nhân vật được tham gia lấy phiếu tín nhiệm thì nó phản ánh khá trung thực nhận thức xã hội. Một số ngành có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp khá cao như ngành y tế, giao thông, ngân hàng… vì đây là những ngành đang có nhiều điểm “nóng”.

Tôi không đặt vấn đề là ai trượt hay trúng, vì có thể nó chưa đạt đến ngưỡng ấy, nhưng tôi muốn nói tương quan giữa các bộ trưởng, giữa các vị giữ trọng trách khác nhau với thực tiễn đời sống đã phản ánh tương đối đúng.

Tôi nghĩ, một trong những mục tiêu của lần bỏ phiếu này là sự nhắc nhở trách nhiệm và qua đó, mỗi vị bộ trưởng và mỗi cương vị sẽ nhận thức được vị thế mà mình đang đảm nhận chắc chắn sẽ có tác động tích cực.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):

Phiếu tín nhiệm thấp vì có nhiều… điểm “nóng”

Chủ tịch Quốc hội trong bài phát biểu trước khi lấy phiếu tín nhiệm đã nói: Do điều kiện kinh tế của chúng ta những năm gần đây gặp những khó khăn nhất định, trong đó có những khó khăn khách quan và chủ quan, nên việc đại biểu Quốc hội đánh giá các thành viên, nhất là thành viên Chính phủ cũng tính cả những yếu tố đó. Cho nên, câu chuyện lấy phiếu tín nhiệm sẽ có những lĩnh vực nhạy cảm như vị trí của Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng… Xét về yếu tố khách quan, những vị trí này có phiếu tín nhiệm chưa cao cũng là đương nhiên.

Về kết quả bỏ phiếu, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào đại biểu Quốc hội. Mỗi đại biểu Quốc hội có nhận định và đánh giá của riêng mình, đó là quyền của họ và là trọng trách mà các cử tri giao cho họ.

Về cá nhân tôi, tôi cho rằng Quốc hội, đặc biệt là Chính phủ đã rất cố gắng. Tôi cũng đã bỏ phiếu đúng theo những nhận định, đánh giá của mình về những kết quả đạt được của nền kinh tế. Tôi cũng đánh giá rất cao những cố gắng của các thành viên Chính phủ đặc biệt là những thành viên Chính phủ có những đột phá, những tư duy đột phá. Thậm chí những tư duy của họ đến nay chưa được ủng hộ cao nhưng sẽ được chứng minh trong thời gian tới.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Quảng Ngãi):
 
Tôi chưa hỏi được cử tri nên cũng chưa biết được kết quả bỏ phiếu tín nhiệm có đáp ứng mong mỏi của họ hay không. Nhưng về chủ quan, đây là lần đầu tiên mình làm nên còn thiếu kinh nghiệm và cũng chưa có những quy trình tốt nhất. Dù sao qua đây sẽ là thước đo cho những đồng chí có loại phiếu đánh giá khác nhau sẽ vươn lên, khắc phục những điều mà mình còn hạn chế.

Quan điểm của tôi là bỏ phiếu cho những người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm nhưng phải mang lại hiệu quả chứ không phải làm không có căn cứ khoa học, làm không có sự chuẩn bị chu đáo về các giải pháp, cơ sở khoa học. Dám nghĩ dám làm trên cơ sở tính toán chi li và tính toán khoa học, trên những gì thực tiễn đặt ra, nếu có sai sót thì người ta sẽ tha thứ.

Để lần lấy phiếu sau có hiệu quả, chúng ta cần phải có cơ chế về cung cấp thông thông tin, trao đổi, đối thoại làm rõ đối với những vị trí, chức danh được nhân dân giao phó để nói rõ được kết quả thực hiện cho nhân dân, cho xã hội. Cùng với đó các đại biểu cần chủ động tiếp cận thông tin đa dạng nhiều chiều có bản lĩnh và sự quyết định cao khi đưa ra kết luận của mình vừa có cơ sở khoa học vừa có tính thực tiễn.

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội):

Phiếu tín nhiệm thấp vì có nhiều… điểm “nóng”

Tôi không bất ngờ về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này. Kết quả này cũng gần đúng với những dự báo của nhiều người trước phiên lấy tín nhiệm, thể hiện tương đối khách quan.

Đại biểu Quốc hội yêu cầu ở các thành viên Chính phủ rất cao đối với vấn đề hành pháp, vấn đề quản lý xã hội. Các chủ trương, đường lối đều do các cơ quan hành pháp tổ chức thực hiện. Đại biểu Quốc hội, thay mặt cử tri cả nước, yêu cầu khối này phải tổ chức công việc tốt hơn nữa.

Từ kết quả này, các đồng chí được giao trách nhiệm, được lấy phiếu tín nhiệm cũng phải rút kinh nghiệm để xem mình còn khuyết mảng nào, mình phải cố gắng cái gì để có chương trình hành động, kế hoạch thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (đoàn Hải Dương):
 
Quốc hội là đại biểu dân cử. Qua lần đánh giá tín nhiệm này, Quốc hội đã làm tròn nhiệm vụ mà dân giao cho.

Nhưng cái chưa được là việc hạn chế thông tin cung cấp cho đại biểu Quốc hội. Ví dụ như thông tin nói về ông Bộ trưởng A cần cụ thể hơn, đánh giá của cơ quan quản lý như thế nào… Sau này người đứng đầu của cơ quan đó phải có đánh giá trước Quốc hội, ít ra để thông báo cho Quốc hội biết. Chúng tôi mong rằng sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin hơn về người được lấy phiếu tín nhiệm. Người dân cũng có thể cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, qua đó, đại biểu sẽ làm tròn trách nhiệm của mình hơn.

Cử tri mong muốn các vị được Quốc hội bầu và phê chuẩn qua lần này sẽ làm tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình để bộ máy công quyền mạnh hơn, công bằng hơn, hiệu quả hơn.

Nguyễn Hiền (ghi)
Ảnh:
Việt Hưng