Phiên tòa xét xử Huỳnh Ngọc Sĩ: Tranh tụng “nảy lửa”
(Dân trí) - Chiều 16/3, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả được tiếp tục với phần tranh tụng. Do những ý kiến của luật sư cần phải được xem xét kỹ nên HĐXX lùi tuyên án vào sáng mai.
Tranh tụng “nảy lửa” tại tòa
Luật sư Phan Trung Hoài - bào chữa cho bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ, đề nghị HĐXX cần làm rõ khoảng tiền hơn 1,1 tỷ là do thân chủ mình làm thiệt hại cho nhà nước hay thu lợi bất chính? Theo luật sư Hoài, số tiền 80.000 USD tương đương hơn 1,1 tỷ đồng mà Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Đại lộ Đông - Tây thu được là từ việc cho PCI thuê nhà. Tiền này do PCI chi trả, xuất phát từ PCI chứ không phải của ngân sách nhà nước nên không thể cáo buộc thân chủ mình làm thiệt hại cho nhà nước.
“Trong vụ án này, việc BQLDA thu tiền phí cho PCI sử dụng một số phòng làm việc tại số 3 Nguyễn Thị Diệu là nằm ngoài nghĩa vụ nộp tiền thuê nhà, nó cần được gọi đúng tên là khoản thu nhập không hợp pháp phải thu hồi, chứ không phải là thiệt hại cho tài sản hay ngân sách Nhà nước.”, luật sư Hoài khẳng định.
Căn nhà số 3 Nguyễn Thị Diệu, Q.3 được UBND TPHCM giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố quản lý và ký hợp đồng cho BQLDA đặt làm trụ sở văn phòng. Khi BQLDA sử dụng sai mục đích thì Công ty quản lý kinh doanh nhà có quyền hủy bỏ hợp đồng với BQLDA…
Về căn cứ áp dụng tình tiết định khung theo khoản 3 điều 281 Bộ luật hình sự năm 1999 “gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” mà VKSND TPHCM đề nghị để tăng mức án đối với 2 bị cáo, luật sư Phan trung Hoài đã tranh luận: Viện kiểm sát nhân dân TPHCM xác định số tiền trên 1,1 tỷ đồng là tình tiết đặc biệt nghiêm trọng là hoàn toàn không có căn cứ, vì nếu coi việc vận dụng đó là đúng thì khoản tiền trên 1,1 tỷ đồng nằm trong giới hạn xác định tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng”chứ không phải đặc biệt nghiêm trọng.
Hai bị cáo Lê Quả và Huỳnh Ngọc Sĩ (áo trắng) trước tòa (Ảnh: Công Quang)
Luật sư Lê Nhân Kiệt bào chữa cho bị cáo Lê Quả cũng đồng quan điểm với ông Phan Trung Hoài. Luật sư Kiệt cho rằng, một phần kháng nghị tăng mức án của Viện KSND TPHCM là thiếu căn cứ vì khoảng tiền trên 1,1 tỷ đồng là do 2 bị cáo thu lợi bất chính chứ không phải tiền của nhà nước.
Đại diện Viện KSND Tối cao giữ quyền công tố tại tòa bảo vệ quan điểm khi khẳng định: “Trong vụ án này, rõ ràng các bị cáo cho thuê nhà rồi lấy tiền chia nhau mà không nộp vào ngân sách nhà nước. BQLDA là đơn vị hành chánh sự nghiệp trực thuộc quản lý của UBND TPHCM. Do vậy, tiền phát sinh phải nộp cho nhà nước chứ không thể nói tiền do PCI chi là tiền thu ngoài ngân sách thì có quyền chia nhau”. Quan điểm của Viện KSND đây là tội cố ý làm trái quy định với số tiền vi phạm hơn 1,1 tỷ đồng thì được khép vào khung “đặc biệt nghiêm trọng”. Cho rằng, kháng nghị đã phần nào đúng người đúng tội nên đại diện Viện KSND tối cao tại phiên tòa đã bác lời bào chữa của các luật sư và đề nghị HĐXX giữ nguyên mức án đã đề nghị phạt 2 bị cáo từ 5 - 7 năm tù.
Bị cáo thành khẩn xin giảm án
Tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ và Lê Quả đã khẩn thiết mong HĐXX cho hưởng án treo để được chữa bệnh và đoàn tụ gia đình.
Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ cho biết: “Động cơ bồi dưỡng cho anh em nhân viên là nhằm để đẩy nhanh dự án. Nếu dự án trễ một ngày thì số tiền thất thoát cho Thành phố cũng gần 1 tỷ đồng. Mục đích của bị cáo là muốn đem lợi cho xã hội, cho thành phố chứ không động cơ cá nhân. Vụ án xảy ra cách đây 8 năm và cũng không có hại cho xã hội. bản thân bị cáo nhân thân tốt, có nhiều cống hiến nên mong HĐXX xem xét cho hưởng án treo”.
Do luật sư bào chữa đã đưa ra những tình tiết, căn cứ xác đáng cần phải xem xét kỹ nên HĐXX cần thêm thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào sáng ngày mai, 17/3.
Công Quang