Phiên tòa trong “biển” nước mắt
Phút gặp mẹ ngắn ngủi của chúng chỉ toàn là nước mắt. Mẹ khóc, con khóc. Nhìn cảnh ấy, người ta càng thương cảm mấy đứa nhỏ bao nhiêu thì lại càng giận phút nông nổi của người đàn bà ấy bấy nhiêu...
“Tòa ơi! Con đã tha thứ cho mẹ. Xin tòa cho mẹ về sớm để nuôi em và sống cùng các con. Em con đêm nào cũng khóc kêu mẹ, giờ con không biết làm sao, tòa ơi!” - nước mắt lưng tròng, đứa con trai 18 tuổi của bị cáo, cũng là người đại diện hợp pháp của người bị hại (cha ruột) tha thiết khẩn cầu. Trong số hàng nghìn người dân đến theo dõi phiên xử, nhiều người đã không cầm được nước mắt...
Sân vận động sau lưng một trường học thuộc thôn Phước Bình, xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) được TAND tỉnh chọn làm nơi xét xử công khai vụ bị cáo Hà Thị Hương giết chồng.
Rạng sáng 13/1, ba đứa trẻ đen nhẻm, đầu còn quấn khăn tang đã dìu nhau từ căn nhà xác xơ qua bờ ruộng đến nơi xét xử mẹ mình. Em Nguyễn Duy Khánh, anh cả trong nhà, cõng trên lưng đứa em Nguyễn Duy Thịnh (7 tuổi) cúi mặt bước trên con đường bùn nhão nhẹt sau mưa. Phía sau, cô bé Nguyễn Thị Hồng Vân 14 tuổi lạch bạch đi theo, tay cầm cái bao lác đựng bộ áo quần cũ và chai dầu gió để chờ gửi cho mẹ.
Rồi chúng đứng khép nép bên bờ rào của sân vận động, ngóng chiếc xe thùng bịt bùng chở mẹ chúng tiến về khu vực xử án. Dòng người kéo đến ngày một đông. Những ánh mắt xót xa, thương hại, những lời xì xào thì thầm vây quanh ba con người khô ráp, nhỏ thó.
8h30, phiên tòa khai mạc. Trước tòa, Hương khai đã kết hôn cùng anh Đằng được 19 năm. Năm 1998, Hương ngoại tình với một ông hàng xóm. Anh Đằng biết chuyện nên nhờ cha mẹ vợ răn dạy, từ đó Hương đã chấm dứt mối quan hệ bất chính ấy. Năm 2007, họ vay mượn tiền xây một căn nhà mới. Làm nhà xong, nợ nần thúc đẩy trong khi hoàn cảnh ngày càng khó khăn, lo cơm áo vất vả nên giữa họ hay xảy ra lục đục. Thỉnh thoảng anh Đằng uống rượu, chửi Hương, nhắc lại chuyện vợ ngoại tình ngày xưa.
Sáng 25/7/2007, anh Đằng lên rẫy. Khoảng 9h, Hương mang mì ăn liền đến cho anh ăn giữa buổi. Tại đây, hai người đã gây gổ với nhau. Anh Đằng lại đem chuyện ngày xưa ra để chửi bới Hương thậm tệ. Trong phút điên cuồng vì bị nhục mạ, người đàn bà ấy đã dùng cái rựa dài để gần đó chém thẳng vào đầu chồng rồi vứt rựa bỏ chạy về nhà. Trưa, Hương vẫn nấu cơm cho con ăn, chiều đi làm giả vờ như không có việc gì xảy ra. Đến tối mọi người mới phát hiện xác anh Đằng. Chôn cất chồng xong, ân hận giày vò, Hương đã ra cơ quan công an đầu thú.
Tại tòa, khi hội đồng xét xử hỏi Khánh: “Là đại diện hợp pháp cho cha, em có yêu cầu bồi thường thiệt hại gì không?”, Khánh chỉ nức nở: “Dạ không! Chúng con đã tha thứ cho mẹ. Chỉ mong tòa cho mẹ con về sớm”... Nói xong, Khánh khụy người xuống bên cái ghế sau lưng vành móng ngựa.
Phút giải lao giữa phiên xử, em gạt nước mắt, buồn bã: “Nhà nghèo quá, em phải bỏ học năm lớp 9 để vào TP HCM đi làm. Lương tháng được năm, bảy trăm ngàn cũng dành dụm gửi về cho cha mẹ nuôi em. Hôm đó, em đi làm về thì nghe mẹ điện thoại cho em rồi khóc. Đến tối có người điện báo cha em đau nặng phải về gấp. Về đến ngõ thấy cờ trống inh ỏi mới biết là cha chết”.
Gần trưa, phiên tòa kết thúc. Hương bị tòa tuyên án 12 năm tù về tội giết người. Ba đứa trẻ khóc thét theo chân mẹ về hướng chiếc xe tù bịt bùng. Chiếc xe rú còi chạy về hướng quốc lộ, để lại chúng ôm nhau khóc rưng rức bên bờ ruộng mọc đầy cỏ non. Không nén nổi, ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Quế Lộc mếu máo: “Trời ơi, sao lại ra nông nỗi này? Chúng có tội tình chi hả chú?”. Than thở xong, ông quày quả chạy ra dìu chúng về nhà.
Hàng xóm của ba đứa trẻ cho biết, người thân duy nhất còn lại của chúng là ông bà ngoại tuổi cao sức yếu. Căn nhà bé tý nằm sát triền núi của chúng chỉ còn một ít lúa trong vách. Từ ngày cha chết, mẹ bị bắt, chúng sống co cụm đầy mặc cảm. Đêm đêm tiếng khóc nức nở cứ ùa về. Thằng cu Thịnh không chịu ngủ, cứ nhìn ảnh ba trên bàn thờ và khóc kêu tên mẹ. Bé Vân mới học lớp 9 đã phải thức khuya dậy sớm chăm em. Việc học của em sa sút hẳn, đến lớp không dám nhìn thẳng mặt bạn bè, không nói chuyện cùng ai...
Một phút sai lầm, cả nhà gánh chịu bi kịch. Đàn con thơ tương lai mịt mù. Giờ ngồi trong tù, chắc người mẹ của chúng cũng đang ân hận, day dứt không nguôi...
Theo Pháp Luật TPHCM