1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phiên họp toàn thể của “Quốc hội 8X”

Hội trường, các thiết bị kỹ thuật, các nhà báo... đều “xịn”. Và trong ngày Quốc hội nghỉ cuối tuần, hôm qua (11/6), lần đầu tiên một phiên họp toàn thể của các đại biểu “Quốc hội 8X” đã diễn ra hết sức sôi nổi và đạt kết quả cao.

Nội dung phiên họp là thảo luận và thông qua một bản nghị quyết giả định về việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng đã được các vị “Đại biểu Quốc hội 8X” thông qua với 70,99% số phiếu thuận.

Điều đáng mừng là có không ít ý kiến sắc sảo đã được tiếp thu đến mức bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đến dự với tư cách khách mời đã nói rằng “Quốc hội 8X” nên có ý kiến chính thức với Quốc hội để có thể tiếp thu một phần trong bản nghị quyết kỳ họp Quốc hội thứ 9 đang diễn ra.

Ngay sau khi Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của “Quốc hội 8X” Phạm Thuyết Hạnh Hà đọc bản báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, “ngài” Chủ tịch “Quốc hội 8X” mới 23 tuổi Trương Ngọc Kiểm đã đề nghị các vị đại biểu biểu quyết xem có nên ra một nghị quyết riêng như vậy không, bởi lẽ có một số ý kiến đề nghị chỉ nên đưa nội dung này vào nghị quyết chung về phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, 88,4% số đại biểu tán thành với việc cần phải ra bản nghị quyết riêng.

Quản lý chặt chẽ các trung tâm dịch vụ việc làm

“Ông nghị” 8X Đỗ Trường Tâm (Đại học Xây dựng Hà Nội) - Người “mở hàng” cho phiên thảo luận phát biểu ý kiến khá thuyết phục. “Đề nghị điều chỉnh lại tỷ lệ ghi trong dự thảo là đến năm 2010 chỉ còn 10% số sinh viên ra trường thất nghiệp và làm không đúng chuyên ngành được đào tạo vì như thế không khả thi”- Đỗ Trường Tâm nói.

Tâm cũng đề nghị, cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ các trung tâm dịch vụ việc làm hiện nay vì hiện nay hoạt động của các trung tâm này chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho sinh viên tìm việc. Quan điểm này được nhiều vị “đại biểu” khác chia sẻ.

“Có những sinh viên phải vay cả tiền nộp phí dịch vụ tìm việc làm nhưng thực ra nhiều trung tâm không tìm được việc gì cho họ”- “Đại biểu” Hoàng Trọng Nghĩa (Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) bổ sung thêm.

Cần thường xuyên đánh giá chất lượng đào tạo

Nói như “ông nghị” Bùi Hoàng Thám (Đại học Y Hà Nội) thì sinh viên tốt nghiệp ra trường hiện nay đều gặp phải cảnh “bơi giữa biển” trong tìm việc làm. Nhiều nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng này đã được các “ông nghị”, “bà nghị” trẻ mạnh dạn đưa ra.

Đại biểu Nguyễn Công Thắng nói thẳng rằng, dự thảo nghị quyết chưa đề cập đến một vấn đề quan trọng là chất lượng đào tạo của các trường. Công Thắng cho hay, sinh viên trường nông nghiệp cần phải có thịt bò để thực hành nhưng kinh phí được cấp chỉ là 150 đồng/sinh viên/buổi thực hành.

Vì thế sinh viên phải gộp kinh phí của nhiều buổi để có được vài kg thịt bò cho một buổi thực hành. Tình trạng này dẫn đến việc sinh viên tốt nghiệp nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành nên cũng khó tìm việc. Đại biểu Hoàng Trọng Nghĩa đưa ra phương hướng Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các trường đại học.

“Như thế có 3 cái lợi: Sinh viên có điều kiện thực hành; các doanh nghiệp này phát huy được trí tuệ của sinh viên và đặc biệt là qua các doanh nghiệp, các trường đo đếm được chất lượng đào tạo của mình”- Hoàng Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Sự công khai, minh bạch trong cung cấp thông tin về tuyển dụng của các cơ quan Nhà nước cũng được nhiều vị “Đại biểu Quốc hội 8X” đề cập. “Sinh viên ra trường hiện nay cứ 10 người thì có tới 7 chưa nắm được nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị bởi thông tin về tuyển dụng đến với sinh viên rất ít”- “Ông nghị” Nguyễn Công Thắng (Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội) phản ánh.

Nhiều đại biểu trẻ còn kiến nghị Nhà nước không chỉ có chính sách tuyển dụng mà cần thêm vào dự thảo nghị quyết vế thứ hai là đãi ngộ thỏa đáng với sinh viên tốt nghiệp thì mới khuyến khích được sinh viên phấn đấu nâng cao trình độ.

“Một thực tế đau lòng là chúng ta đang chảy máu chất xám. Nhưng một sinh viên có thể làm cho doanh nghiệp ở Hà Nội với mức lương 500 USD/tháng, nếu người đó chấp thuận về một tỉnh xa công tác thì liệu tỉnh đó có thể trả người ta với mức lương như vậy không”- “Đại biểu” Phan Hải Linh (Đại học Bách khoa Hà Nội) lên tiếng.

Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta...

Đúng là nhu cầu việc làm cho sinh viên là vấn đề bức xúc và nhiều cơ chế, chính sách hiện nay với vấn đề này vẫn còn bất cập, nhưng sự cố gắng, phấn đấu của bản thân sinh viên sẽ có vai trò quyết định. “Bà nghị” Phan Kiều Phương (Đại học Ngoại thương Hà Nội) đã phân tích rất thuyết phục về vấn đề này.

“Rất nhiều người nói người Việt Nam sáng tạo, cần cù, chăm chỉ. Nói vậy chẳng có gì sai nhưng xin hỏi thật có được bao nhiêu phần trăm sinh viên cần cù, sáng tạo, chăm chỉ được như lời nói đó? Điều đáng buồn là tuy chưa có những phẩm chất ấy nhưng nhiều sinh viên lại tự tin một cách vô lý về bản thân mình”- Kiều Phương nhận định.

Theo Kiều Phương cần phải có giải pháp để cho sinh viên nhận rõ và ý thức được về kiến thức, kỹ năng của mình để từ đó mà phấn đấu. Cũng cần nói rõ cho họ về vị trí của đất nước trên bản đồ kinh tế thế giới. Muốn làm được như thế, Kiều Phương đề xuất: Cần có sự thay đổi về nhận thức trong giáo dục - đào tạo ngay từ bậc mầm non, tiểu học...

Theo Hữu Khôi
Báo Tiền phong