Phiên chợ “độc” trên đất Hà Thành
(Dân trí) - Không hẹn mà nên, cứ đến ngày 20 trước tết Nguyên Đán hàng năm là phiên chợ đồ cũ, đồ cổ trên vỉa hè phố Hàng Mã lại họp. Mặc dù chỉ họp có 10 hôm nhưng phiên chợ này thu hút khá nhiều khách hàng. Một phiên chợ khá độc đáo ở giữa lòng thủ đô.
Anh Hoàng Hải, một tay sưu tầm kiêm kinh doanh đồ cũ, đồ cổ cho biết: “Chợ có “thâm niên” hàng chục năm rồi. Chợ họp vào khoảng từ ngày 20 tết cho đến giữa trưa ngày 30. Những người sưu tầm, kinh doanh đồ cũ, đồ cổ đến đây thuê vỉa hè của những gia đình trên phố để bán hàng. Chợ này dành cho những người thích sưu tầm những món đồ độc đáo và quan trọng là phải “mê” đồ cũ, đồ cổ chứ nếu không thì không thể mua hàng ở đây được”.
| |
Đôi trâu chọi giá 11 triệu đồng |
Giá các món hàng ở đây không theo một qui luật nào, giá được “hét” tuỳ theo hứng của người bán và người mua cũng tuỳ hứng mà mua. Ông Hoàng Lân, một người yêu thích sưu tầm các món đồ cũ, đồ cổ dắt chiếc xe đạp lọc cọc tạt vào cửa hàng, ông cho biết, đã đến đây thì không thể nói thế nào là hớ, thế nào là hời. Món đồ nào thích có thể chấp nhận giá hàng triệu, món không thích thì… 1.000 cũng chẳng mua.
Trông cái dáng “nghèo khổ” của ông, cứ tưởng ông chỉ ngắm nghía cho thỏa, nào ngờ ông quyết định “dinh” chiếu điếu bát có hình dáng chẳng khác gì cái…bếp than tổ ong với giá giật mình: 11,5 triệu đồng.
Theo chủ một gian hàng thì nguồn gốc các món hàng giao bán ở đây được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Đào ao phát hiện chiếc chậu đồng: đồ cổ; đào móng nhà thấy bộ dao bằng đồng: đồ cổ; đánh lưới ở sông vét được đôi bát sứ: đồ cũ…
Ngoài ra, còn có những chân rết chuyên đi săn những thứ đồ cũ mà những gia đình túng tiền cần bán, thậm chí có người bán những thứ đồ cũ đi chỉ để cho đỡ “chật nhà” đều được “săn” về. Và khi rơi vào tay những ông chủ bán đồ cũ, đồ cổ thì nó bỗng thành của hiếm, gặp phải khách chơi thì giá sẽ là vô cùng.
| |
Chiếc điếu cày này được phát giá |
Không giống như chợ Viềng ở Nam Định, mọi người đi mua đồ cũ để lấy may nên người bán dùng cả các thủ thuật làm cũ đồ mới để bán. Khách đến mua hàng chủ yếu là người yêu thích sưu tầm đồ cũ, đồ cổ nên đều có kiến thức nhất định. Chính vì vậy, hàng bày bán phải là đồ… cũ thật.
Chẳng biết đồ cũ ở đây cũ đến mức nào nhưng giữa thủ đô, giữa con phố sầm uất với bao đồ hiện đại bỗng xuất hiện những gian hàng trên vỉa hè với những món đồ cũ đến không thể cũ hơn âu cũng là sự độc đáo trên đất Hà thành trong những ngày chuẩn bị sang xuân.
Đức Hòa