1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phía sau những cốc bia sủi bọt

(Dân trí) - Mấy ai hay, phía sau những cốc bia của Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh sủi bọt trắng xóa trong quán nhậu, nhà hàng là những người dân ở TP Vinh, Nghệ An, đang kêu trời vì nước thải đen đục cứ ngày đêm xả thẳng ra môi trường.

Đi qua đường Võ Thị Sáu, đường Nguyễn Xí chạy bao quanh phía sau nhà máy bia Sài Gòn -Nghệ Tĩnh (đóng tại trung tâm phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An), chúng tôi lãnh đủ mùi đặc trưng của nước thải đang sực lên vô cùng hôi thối. Hai bên đường hiện lên cảnh nhà dân đồng loạt đóng cửa. Hỏi chuyện mới biết, hễ nhà nào hé cửa là mùi hôi thối xộc vào ngay nên mặc cho trời nóng bức đến mức nào thì mọi nhà đều phải chấp nhận đóng kín cửa để ngăn bớt mùi.
 
Phía sau những cốc bia sủi bọt - 1
Nước rửa chai mang theo axit và sút cũng xả trực tiếp ra ngoài.

 

Thối cả làng

 

Nhà ông Đ. ở khối 6, cạnh đường Võ Thị Sáu là một trong những “nạn nhân” của mùi hôi thối nên ông không giấu nổi bức xúc: “Không thể nói hết nỗi khổ của dân vùng ô nhiễm đâu. Ban ngày có đi ra khỏi làng mới tránh được không khí ngột ngạt. Ban đêm thì không tài nào ngủ trọn giấc. Còn chiều tối muốn đi tập thể dục thì phải cố bịt khẩu trang. Ác nghiệt là giờ nào, mùa nào nó cũng thối. Khi thời tiết thay đổi đột ngột thì mùi hôi thối lan khắp cả làng”.

 

Ông Đ. chỉ vào ngôi nhà đang đóng kín cửa của mình, bộc bạch: “Tôi là kĩ sư xây dựng từ đập thuỷ điện sông Đà, Yali... nay mới về quê nghỉ hưu. Biết tin tôi nghỉ hưu, bạn hữu gần xa ghé chơi nhưng mới bước vô nhà một chút là họ cáo lui hết vì không thể chịu được cái mùi khốn khổ, khốn nạn này”.
 
Phía sau những cốc bia sủi bọt - 2
Rất nhiều nhà dân phía sau nhà máy bia phải đóng cửa suốt ngày đêm vì mùi hôi thối của nước thải.

 

Dọc đường Nguyễn Xí cũng cảnh nhà nhà đóng cửa giữa khí trời oi nóng. Ông Ph. (nhà ở sát cống thoát nước phía sau nhà máy ra mương số 3) cứ lắc đầu khi nghe chúng tôi hỏi chuyện nước thải gây ô nhiễm của nhà máy bia: “Nhiều người, nhiều đoàn cán bộ đến điều tra tỉ mỉ lắm rồi nhưng có ai giúp được dân đâu. Dân gửi bao nhiêu đơn, chính quyền vẫn thờ ơ. Dân yêu cầu họp nhiều lần nhưng chính quyền vẫn bất lực mười mấy năm nay. Làng xóm, khối phố mỗi ngày mỗi nặng mùi hôi thối khiến dân sống không yên. Tệ hại quá, doanh nghiệp chỉ biết thu lợi nhuận mà không nghĩ đến quyền sinh sống của con người”.

 

Nói đoạn, ông gọi ông T. - một chủ nhà ở cạnh ra tiếp chuyện chúng tôi. Ông T. mang theo một tập đơn kêu kiện dày kín chữ kí của người dân (trong đó có một số cán bộ tỉnh về hưu) gửi các cơ quan chức năng rồi dẫn tôi ngược về miệng cống số 3, nói: “Bà con ở quanh đây không chịu nổi nên đã thuê một xe tải đá rồi dùng vữa xi măng lấp kín miệng cống, ngăn không cho nước thải độc hại chảy ra nhưng sau đó giám đốc thuê máy xúc đến tháo miệng cống. Mới đây họ xây hẳn một bệ bê tông che trên miệng cống số 3 để ngăn chuyện bà con lấp cống”.

 

Đầu tháng 6, khi thấy nhiều người dân ở sát mương số 3 bị chết do ung thư phổi, dân làng lại kéo đến tìm cách lấp miệng cống, buộc giám đốc nhà máy là ông Đặng Duy Đông ra xin lỗi rồi hứa “nếu một tuần sau nước thải nhà máy còn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con thì tôi không làm giám đốc nữa”. Đến lượt ông T. cũng lắc đầu như ông Ph: “Đó là lời hứa suông, bởi gần một tháng rồi nhà máy vẫn ngang nhiên xả trộm nước thải, chịu không thấu”.
 
Phía sau những cốc bia sủi bọt - 3
Cống xả nước thải chưa qua xử lí ra mương cạnh đường Võ Thị Sáu.

 

  tư xả trộm

 

Trung tá Trần Phúc Thịnh - đội trưởng đội phòng chống tội phạm gây ô nhiễm và suy thoái môi trường thuộc Phòng Cảnh sát môi trường (PC 36) Công an Nghệ An - dẫn tôi chui vào gầm bê tông bắc qua đoạn mương số 3, nơi có cống ngầm nối với hệ thống xử lí nước thải của nhà máy. Trong không gian hẹp dưới gầm bê tông, mắt mũi chúng tôi cay xè do hơi a xít từ nước xả xộc thẳng vào mặt.

 

Trung tá Thịnh cho biết: “Theo báo cáo của ông Đông, đây là nước thải đã qua hệ thống xử lí. Nhưng qua điều tra của cảnh sát môi trường và kết quả phân tích mẫu nước thải của Trung tâm quan trắc - kỹ thuật môi trường (Sở TN-MT Nghệ An) thì mỗi ngày nhà máy này xả từ 50 m3 đến 5.000 m3. Chất độc hại trong nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần”.
 
Phía sau những cốc bia sủi bọt - 4
Trung tá Thịnh và chai nước sặc mùi a xít từ hệ thống xử lí nước thải kém chất lượng chảy ra mương số 3.

 

Qua cống ngầm thứ nhất tôi bò theo dòng mương số 3 vào phía trong, phát hiện thêm hai cống ngầm cũng đang xả trộm nước thải bốc mùi nồng nặc. Đây là cống dẫn nước từ khu vực rửa chai xả thẳng ra mương.

 

Rời mương số 3, Trung tá Thịnh chỉ cho tôi vị trí hai cống ngầm khác từng là “thủ phạm” chính gây nên nạn ô nhiễm mà dân đã kêu trời. Đây là hai cống xả thẳng nước thải từ khu vực sản xuất, chưa qua xử lí ra mương cạnh đường Võ Thị Sáu. Trung tá Thịnh cho biết: “Mỗi lần nhà máy xả trộm nước thải qua đây là dân lại gọi điện báo phòng PC 36. Mới đây, cảnh sát môi trường kết hợp Sở TN-MT đến hiện trường, lập biên bản, làm báo cáo kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động của nhà máy nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.

 

Từ đây, chúng tôi đi qua gần mười cây số, đến vùng làng thuộc khối 15, phường Bến Thuỷ chứng kiến đoạn cuối mương số 3 đang tuôn dòng nước đen ngòm ra sông Cả. Cách đó chừng hai cây số là một vùng đồng bãi xã Hưng Hoà cũng nồng nặc mùi hôi thối. Ông Chu Văn Thụ -Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã - nêu một nỗi khổ điển hình của người dân: “Khổ nhất là dân làm ruộng. Mỗi khi xuống đồng họ đã đi tất chân, tất tay rồi mà vẫn mắc bệnh ngứa, lở loét hết chân tay”.

 

Khi chúng tôi tiếp xúc với ông Đặng Duy Đông, Giám đốc Nhà máy bia Sài gòn - Nghệ Tĩnh, ông Đông thừa nhận nhà máy đã gây ô nhiêm môi trường trong nhiều năm nay. Ông nói: “Tôi biết tôi có lỗi với dân, với nhà nước nhưng khi nhà máy chưa khắc phục được thì dân phải chịu khó chờ thêm một thời gian nữa”. Khi chúng tôi hỏi về lời hứa của ông trước người dân là sẽ “từ chức nếu nước thải vẫn gây ô nhiễm môi trường”, ông Đông lại nói: “Tôi đang khắc phục. Nếu khắc phục không xong, tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy”.

 
Phía sau những cốc bia sủi bọt - 5
Nước thải đen ngòm tại điểm cuối của mương số 3 đang đổ vào sông Cả.
 

Tiền thân của Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh là Nhà máy bia Nghệ An, hoạt động từ năm 1993 với công suất 3 triệu lít bia/năm nhưng không có hệ thống xử lí nước thải. Năm 1997 nhà máy nâng công suất lên 10 triệu lít bia/năm và bắt đầu xây dựng hệ thống xử lí nước thải tương ứng với công suất này.

 

Đầu năm 2005, nhà máy tiếp tục nâng công suất nâng lên 25 triệu lít/năm rồi 30 triệu lít bia/năm nhưng vẫn sử dụng hệ thống xử lí nước thải cũ. Năm 2007, công suất nhà máy được nâng lên 50 triệu lít/năm, đồng thời xây mới hệ thống xử lí nước thải. Nhưng do “trục trặc kỹ thuật” nên hệ thống xử lí nước thải này không đạt tiêu chuẩn, nhất là thời điểm công suất nhà máy tăng lên trên 60 triệu lít bia/năm thì không kiểm soát được lượng nước thải nên nước thải độc hại cứ xả thẳng ra ngoài.

 

Theo hồ sơ chúng tôi có được, UBND TP Vinh đã ba lần gửi công văn cho UBND tỉnh Nghệ An báo cáo vấn nạn môi trường từ Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh; bốn lần Sở TN-MT Nghệ An báo cáo UBND tỉnh vấn nạn này; ba lần Phòng PC 36 kết hợp Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh đình chỉ hoạt động của nhà máy. Năm 2008, sau kết luận của Bộ TN-MT về tình trạng gây ô nhiễm kéo dài của nhà máy, Sở TN-MT xử phạt hành chính 31 triệu đồng.

 

Trả lời câu hỏi của chúng tôi: vì sao UBND tỉnh Nghệ An không có một thái độ kiên quyết nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm trầm trọng của Nhà máy bia Sài Gòn - Nghệ An, ông Nguyễn Đình Chi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lưỡng lự nói: “Tôi mới nhận được báo cáo. Nếu đến 15/7 ông Đông vẫn xả nước thải ra môi trường, tỉnh sẽ đình chỉ hoạt động nhà máy”.

 

  

Sa Trung Kim