1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phí XKLĐ “phá giá”, người lao động “oằn vai”

(Dân trí) - 100% doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) thu phí vượt quy định. Khoản phí quá lớn, trách nhiệm của DN lại thấp là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng lao động bỏ trốn gia tăng mạnh. Nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam đã và đang thu hẹp hoặc “đóng băng”.

Tại buổi tọa đàm “XKLĐ chính sách - trách nhiệm và lợi ích” do báo Lao động vừa tổ chức, anh Nguyễn Ngọc Chiến (Phú Thọ), người lao động (NLĐ) từng làm việc tại Hàn Quốc gần 3 năm kể: “Ban đầu, theo hợp đồng do Trung tâm môi giới cung cấp, tôi phải nộp khoản phí 675 USD để được đi XKLĐ Hàn Quốc. Tuy nhiên thực tế không như vậy, để được đi làm, tôi đã phải nộp khoản phí lên tới 6.000 USD, thậm chí có người mất tới 15.000 USD mới được “bay sớm”. Sang đến nơi, hầu hết chúng tôi đều phải làm việc rất vất vả, đời sống lại tạm bợ. Số tiền tích cóp được sau những năm làm lụng vất vả chưa nhiều nên sau khi hết thời hạn lao động, tôi muốn thông qua công ty  gia hạn với chủ sử dụng làm thêm 3 năm nữa nhằm kiếm chút vốn về quê làm ăn. Nhưng lúc đó, do Cty đã phá sản nên tôi buộc phải chạy vạy theo một “đường dây” khác và mất thêm số tiền 3.000 USD, với mục đích nhờ họ lo thủ tục giấy tờ ở lại. Nhưng ngay sau thời điểm tôi nộp tiền thì đường dây môi giới này bị cơ quan công an phát hiện. Cùng với nhiều nạn nhân khác, tôi không thể quay lại Hàn Quốc làm việc và số tiền 3.000 USD cũng coi như mất trắng”.

Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, đại diện Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, câu chuyện của anh Chiến không phải hiếm gặp. Thực tế, hiện NLĐ muốn đi xuất khẩu lao động giống như “đi rừng mà không có la bàn”. Trong khi doanh nghiệp XKLĐ thì tốt xấu lẫn lộn. Hệ thống chân rết, cò mồi tung hoành khắp nơi cộng thêm tình trạng bán giấy phép cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng đang diễn ra rất phổ biến; cơ quan chức năng không quản lý nổi.

“Riêng thị trường Đài Loan hiện có tổng cộng 67 doanh nghiệp có giấy phép. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã thành lập tổng cộng hơn 100 chi nhánh hoặc trung tâm và khoảng 140 cơ sở đào tạo để thực hiện việc tư vấn, tuyển chọn và đào tạo lao động đi làm việc Đài Loan. Lại có thực tế đáng báo động, tính từ năm 2003 đến nay, lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan tăng nhanh, bình quân khoảng 6.600 lao động bỏ trốn/năm (khoảng 550 lao động/tháng). Tại Hàn Quốc, trong số 60.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc có 8.780 người bỏ trốn cư trú bất hợp pháp. Tại Malaysia, đến hết tháng 9/2011, tổng số lao động Việt Nam bất hợp pháp tại Malaysia là 13.515 người, trong đó, có 11.013 người đã đăng ký ở lại làm việc” - ông Tân đưa ra những con số thống kê đáng ngại.

Trả lời câu hỏi: Vì sao NLĐ đi XKLĐ bỏ trốn ngày càng nhiều, ông Lê Minh Đức - Giám đốc Trung tâm cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại - Cty cổ phần đầu tư và thương mại (Constrexim -TM) cho biết, sau khi thị trường Hàn Quốc “đóng băng”, phía Đài Loan cũng phát đi những tín hiệu sẽ dừng hoặc hạn chế tiếp nhận lao động Việt Nam do tình trạng bỏ trốn ngày càng nhức nhối. Hiện, doanh nghiệp đang hoạt động ở thị trường này như đang “ngồi trên chảo lửa”.

Dù vậy, ông Đức vẫn thừa nhận, một trong nhhững nguyên nhân chính khiến lao động bỏ trốn gia tăng nhanh vì họ đã phải bỏ ra một số tiền quá lớn để lo lót trước khi đi. “Riêng với thị trường Đài Loan, 100% doanh nghiệp hiện đang thu phí cao hơn so với quy định của nhà nước” - ông Đức nói.

Phí XKLĐ “phá giá”, người lao động “oằn vai”
NLĐ phải chịu nhiều loại phí môi giới rất cao khi XKLĐ. (Ảnh minh họa)
 
Cũng nhìn thẳng vào vấn đề, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Cty cổ phần xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch - TTLC (thuộc Tổng Cty công nghiệp Ô tô Việt Nam - Vinamotor) cho biết, hiện đang xảy ra tình trạng các doanh nghiệp tranh giành khốc liệt trong việc tìm kiếm đơn hàng. Có nhiều doanh nghiệp mở nhiều chi nhánh, trung tâm xuất khẩu lao động để cạnh tranh tìm nguồn lao động. “Vì thế nên chi phí cao ở tất cả các khâu và người hứng chịu chính là lao động” - ông Tuấn nói.

Tiên lượng xấu đã được cơ quan chức năng đưa ra: Nếu tình trạng lao động bỏ trốn vẫn tăng cao mà không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, không chỉ các thị trường truyền thống như Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc dừng hoặc thu hẹp sự tiếp nhận lao động Việt Nam, ngay cả các thị trường mới khai thác cũng bị mất.

“Trách nhiệm trên thuộc về doanh nghiệp và năng lực chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước”- ông Vũ Đình Toàn, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Bộ LĐTB-XH khẳng định.

Ghi nhận hiện trạng này, đại diện cho cơ quan nhà nước, ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng Cơ chế chính sách, Ban Chính sách- pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động VN cho hay, sẽ kiến nghị lãnh đạo khảo sát, nghiên cứu đánh giá thực tế tình hình NLĐ Việt Nam đã và đang làm việc ở nước ngoài. Trước mắt, Tổng liên đoàn sẽ nghiên cứu mô hình và cách thức tổ chức và hoạt động của Công đoàn từ Tổng LĐLĐ đến cơ sở, để giám sát việc hiện chính sách, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ đi làm việc tại nước ngoài và đề nghị Nhà nước cho phục hồi cơ chế cử cán bộ đại diện Công đoàn đến làm việc tại những nước có số lượng lao động Việt Nam đang làm việc từ 50.000 người trở lên.

Bổ sung thêm ý kiến, ông Tân cho rằng cần giám sát chặt quy định DN không được phép cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng pháp nhân để tổ chức tuyển chọn, thu tiền lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng người lao động, ông Tân đưa ra lời khuyên: NLĐ phải lưu tất cả giấy tờ liên quan để cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát doanh nghiệp đó nếu như sau này có chuyện không may xảy ra.

Thanh Trầm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm