1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Phi công VN đưa máy bay Liên Xô MiG-21 thành huyền thoại

Ông gọi MiG-21 là "huyền thoại bầu trời". Xung quanh bàn làm việc của ông là những tài liệu nghiên cứu và những kỷ vật nhắc về một thời kỳ lịch sử của tuổi trẻ mà ông được gắn bó với dòng máy bay MiG, trong đó có MiG-21.

Chiến đấu cơ do Liên Xô chế tạo từng hoạt động thành công nhất trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nó được biên chế cho Không quân (KQ) ở hơn 50 quốc gia của 4 châu lục và liên tục hoạt động suốt 60 năm qua. Nhưng chỉ ở VN, nơi  những chiếc MiG-21 do các phi công VN mưu trí và quả cảm điều khiển, mới chứng minh được tính năng ưu việt của loại máy bay "cánh én bạc" này.

Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), người đàn ông say sưa lật giở, sắp xếp những chồng sách về chủ đề KQ mà ông sưu tầm được, trong đó có rất nhiều bức ảnh, trang sách cũ ghi lại những thời khắc lịch sử gắn liền với các phi công và chiến đấu cơ MiG-21. Phía sau ông là những chiếc máy bay mô hình đủ các loại, chiếc mô hình MiG-21 tuy không to nhất, nhưng đứng ở vị trí trang trọng nhất.

Chúng như những kỷ vật nhắc về một thời kỳ lịch sử của tuổi trẻ mà ông đã gắn bó với KQ, với dòng máy bay MiG-21, với những người đồng đội thân thiết.

Ông là Trung tá Nguyễn Sỹ Hưng, nguyên phi công MiG-21 của Trung đoàn 921-Sao Đỏ, người có 26 năm phục vụ trong lực lượng KQ và 20 năm phục vụ tại Tổng công ty HKVN.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng tại cuộc gặp mặt giới thiệu cuốn sách Những trận không chiến trên bầu trời VN (1965 - 1975) nhìn từ hai phía tại Hà Nội ngày 20/12/2013
Ông Nguyễn Sỹ Hưng tại cuộc gặp mặt giới thiệu cuốn sách "Những trận không chiến trên bầu trời VN (1965 - 1975) nhìn từ hai phía" tại Hà Nội ngày 20/12/2013

Các cựu phi công MiG-21, những người  gắn bó  với chiếc máy bay MiG-21 én bạc suốt 50 năm qua luôn trăn trở một ý nghĩ: “Nên có một hình thức nào đó để vinh danh, ghi nhận đóng góp vô giá của dòng máy bay MiG, đặc biệt là MiG-21”.

Mặc dù đã có 2 chiếc MiG-21 được công nhận là "bảo vật quốc gia”, nhưng nên chăng cần có những hoạt động thực tế hơn, tình người hơn, để chiếc máy bay tưởng như vô tri, vô giác ấy gắn bó hơn với các phi công - những người đã gắn bó máu thịt với nó trong chiến tranh, với các thế hệ thanh, thiếu niên luôn mơ ước, ngưỡng mộ các chiến công trên bầu trời của các cánh én bạc thân thương.

Với những suy nghĩ ấy, một số cựu phi công MiG-21đã đưa ra các ý tưởng để vinh danh loại máy bay huyền thoại và những anh hùng huyền thoại gắn bó với nó trong suốt 50 năm qua, đó là “những người hùng bầu trời” gắn với MiG-21, nổi tiếng khắp thế giới.

Ánh mắt người lính KQ năm xưa có vẻ ngoài cương nghị luôn ánh lên niềm tự hào mỗi khi nói về "cánh én bạc", về các chiến công mà các phi công VN quả cảm đã thực hiện trong khói lửa chiến tranh. Nói chuyện với ông, gây cảm nhận ở người đối diện về một niềm say mê vô tận của ông với chủ đề chiến tranh trên không ở VN, cũng như sự tự hào về một thế hệ các phi công VN vừa dũng cảm vừa thông minh, sáng tạo khi sử dụng chiến đấu cơ MiG-21 bắn rơi gần 200 máy bay Mỹ hiện đại, mà không có một KQ của quốc gia nào trên thế giới làm được.

Balalaika của bầu trời

Chỉ vào hình chiếc MiG-21 trên một cuốn tạp chí, ông nói: "Máy bay tiêm kích MiG 21 được đưa vào sản xuất và sử dụng đầu tiên vào ngày 14/2/1955 và chính thức trang bị cho KQ Liên Xô năm 1959, người Nga gọi nó là Balalaika bởi hình dáng cánh tam giác giống cây đàn truyền thống của dân tộc họ", ông tiết lộ một tên gọi thú vị.

MiG 21 có tốc độ vượt 2 lần tiếng động, tầm bay cao 19.000m, trang bị 2 tên lửaR-3S (phiên bản F-94), ở phiên bản F-96 nó có thể mang 4 tên lửa và được lắp thêm pháo 23 ly, 2 nòng GS-23.

Nó được xem là chiếc chiến đấu cơ thành công nhất trong chiến tranh lạnh, với số lượng xuất xưởng kỷ lục 11.469 chiếc (chưa kể hơn 2.000 chiếc sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ). 50 quốc gia ở 4 châu lục đã trang bị MiG-21 cho KQ của mình và sử dụng trong 60 năm qua. Đến nay vẫn có quốc gia còn sử dụng.

VN là một trong số ít quốc gia có những chiếc MiG 21 vẫn hoạt động cho đến những năm gần đây. Chính MiG-21 do Liên Xô viện trợ đã giúp các phi công VN hoàn thiện chiến thuật, phát huy cao nhất tính năng kỹ, chiến thuật của vũ khí để giành thắng lợi trước KQ Mỹ sừng sỏ nhất thế giới.

Nhưng đồng thời cũng chính các phi công VN đã nâng tầm cho MiG-21, biến nó thành chiến đấu cơ đáng sợ nhất, có hiệu quả chiến đấu cao nhất. Chính các kinh nghiệm thu được qua các trận không chiến ở VN đã giúp các tổng công trình sư cải tiến máy bay, vũ khí và cho ra đời các thế hệ máy bay MiG cho tương lai như MiG-23/25/29/35.

Tôi không biết nhiều về tên các loại máy bay và loại tên lửa, nhưng nghe ông giải thích, nhìn vào mắt ông, tôi đọc thấy niềm tự hào và say mê của một người lính KQ.

Không tự hào sao được khi mà thực tế từ lịch sử đã minh chứng rằng: Kể từ thời điểm MiG-21 xuất xưởng, nhiều quốc gia ở Trung Đông và Ả Rập đã nhập và sử dụng trong chiến tranh với Israel, nhưng họ không thể thành công với cùng loại máy bay MiG-21 như của KQ VN.

Thậm chí, nếu trong chiến tranh VN tỷ lệ máy bay bị rơi của KQ Mỹ và VN là 2,1/1, phần thắng nghiêng về KQ VN, thì tỷ lệ này ở Trung Đông là 50/1, nghiêng về phía Mỹ và Israel. Thậm chí kể từ sau chiến tranh VN đến nay chưa hề có một máy bay Mỹ nào bị bắn rơi trong không chiến!

Các phi công của KQ và Hải quân Mỹ - những người  luôn tự hào là có máy bay hiện đại và có giờ bay cũng như kỹ thuật bay cao nhất, cũng phải thừa nhận tính ưu việt của MiG-21 và tài nghệ của các phi công VN.

Trong cuốn sách: "Vietnam air war debrief”, tác giả R.F.Dorr và Chris Bishop đã đánh giá: “ Tuy MiG-21 có tải trọng và tầm bay không xa và rất khó khi học bay, nhưng nó có những tính năng ưu việt đủ để các phi công Mỹ phải e ngại. Trong khi các máy bay Mỹ được trang bị đủ thứ cồng kềnh, thì MiG-21 rất  gọn nhẹ, rất cơ động”.

Máy bay MiG-21 do phi công Nguyễn Văn Cốc từng điều khiển
Máy bay MiG-21 do phi công Nguyễn Văn Cốc từng điều khiển

 

Tác giả Michel Marshall trong cuốn “Clashes” đã dẫn lại lời một phi công Mỹ: "Trên thế giới bây giờ, người làm tốt nhất công việc trên không của mình chính là các phi công MiG-21 cất cánh từ sân bay Nội Bài”. Họ đánh giá, những "anh hùng bầu trời" ở VN đã đưa MiG 21 lên một tầm cao mới.

Thánh Gióng gặp ngựa sắt

Đầu năm 1965, trong chuyến thăm của Chủ tịch HĐBT Liên Xô - A.Koshygin đến VN, Liên Xô đã đồng ý viện trợ cho KQVN máy bay tiêm kích MiG-21 và tên lửa PK SAM-2. Tháng 12/1965 là thời điểm các chiếc MiG 21 đầu tiên được lắp ráp và đưa vào trực ban chiến đấu vào đầu năm 1966.

Sự xuất hiện của MiG-21- chiến đấu cơ hiện đại, có tính năng ngang ngửa với các máy bay hiện đại F-4/ F-105 của Mỹ-trên bầu trời VN cùng với sự xuất hiện của tên lửa SAM-2 đã tạo nên bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của KQ và Hải quân Mỹ.

Một số nhà nghiên cứu lịch sử, sau khi chứng kiến các trận không chiến ác liệt và trực tiếp gặp các phi công chiến đấu - những nhân chứng trực tiếp điều khiển MiG-21 đối đầu với các máy bay Mỹ trên bầu trời Miền Bắc Việt năm 1965, đã liên tưởng đến hình tượng đã trở thành thần thoại ở VN, họ ví sự xuất hiện của MiG-21 với KQ VN giống như Thánh Gióng gặp ngựa sắt, Lê Lợi được trao  gươm báu...

Ông Nguyễn Sỹ Hưng kể lại, ông đã trực tiếp phỏng vấn các phi công và thợ máy thế hệ đầu của Trung đoàn KQ 921, và được nghe kể lại thời khắc lịch sử rất xúc động, không thể nào quên, khi lần đầu tiên nhìn thấy máy bay tiêm kích hiện đại MiG-21 với đôi cánh hình tam giác và hai quả tên lửa treo dưới cánh lăn lên đường băng, bật tăng lực và cất cánh, hùng dũng lao lên bầu trời.

Lịch sử không quân VN sẽ không thể nào quên được thời khắc Trung đoàn không quân tiêm kích 921 "Sao Đỏ" thuộc KQ nhân dân VN đón nhận những chiếc máy bay tiêm kích MiG-21 đầu tiên do Liên Xô viện trợ.

"Không hề quá lời, thời khắc ấy đánh dấu bước ngoặt trong thế trận của cuộc chiến trên không, bên cạnh MiG-17 với thế mạnh đánh quần ở cự ly gần, nay đã có vũ khí mới, có thể đánh chặn đội hình máy bay Mỹ từ xa, với các tên lửa hồng ngoại R-3S, các máy bay Mig-21 có thể tấn công đội hình máy bay Mỹ khi chúng còn đeo bom lặc lè, buộc chúng phải vứt bom ngoài mục tiêu, tháo chạy”.

Cũng qua các trận không chiến trên máy bay MiG-21, các phi công VN đã sáng tạo cách đánh và chiến thuật của MiG-21, chiến thuật được các phi công MiG-21 vận dụng thành thục và được gọi là "chìa khóa Vàng của chiến thắng”.

Trải qua gần 400 trận không chiến, nhiều phi công đã trưởng thành, lập công, xuất hiện hàng loạt phi công tài năng, quả cảm, mà sau này trở thành những huyền thoại của bầu trời như Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Phạm Phú Thái và nhiều phi công anh hùng khác…

Trong hành trình 50 năm có mặt ở VN, trong đó có gần 10 năm chiến tranh chống lại KQ và HQ Mỹ, bảo vệ Tổ quốc, với hàng ngàn lần xuất kích, bắn rơi 174 máy bay Mỹ  các loại, máy bay tiêm kích MiG-21 với sự điều khiển của các phi công VN đã lập nên chiến công bất hủ, xứng đáng trở thành "huyền thoại bầu trời”, có hai chiếc đã được công nhận là “bảo vật quốc gia”.

MiG-21 - cánh én bạc đã hoàn thành sứ mạng lịch sử. Phía trước là nhiệm vụ rất nặng nề và thiêng liêng bảo vệ vững chắc bầu trời, lãnh thổ, lãnh hải và biển đảo của Tổ quốc. Với truyền thống hào hùng của dòng máy bay MiG-17, MiG-19 và MiG-21, với các máy bay chiến đấu đa năng hiện đại mới, các phi công VN trẻ tuổi, tiếp bước thế hệ cha anh có thể tự hào, sẵn sàng cất cánh và hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Theo Hoàng Sang
VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm