Phát triển con người của Việt Nam đang chậm dần và tụt hậu
(Dân trí) - “Tiến bộ chậm dần của Việt Nam trong thập kỷ qua đã kéo lùi sự tiến bộ phát triển con người khá nhanh của Việt Nam trước kia để ngày nay trở nên tụt hậu so với nhiều nước khác có cùng trình độ phát triển”.
Sáng 5/2, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã công bố Báo cáo phát triển con người Việt Nam năm 2015 về tăng cường bao trùm và Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2015.
Báo cáo cho biết chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng trong 24 năm qua. Năm 2014, Việt Nam được xếp thứ 116/188 nước, tức là ở thứ hạng trên của nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình.
Tuy nhiên tiến bộ của Việt Nam là không đồng đều. Từ năm 1980-1990 chỉ số HDI tăng trung bình chỉ ở mức yếu là 0,26%/năm, sau đó tăng nhanh lên mức 1,92%/năm từ 1990 đến năm 2000, trước khi giảm xuống mức 1,33% mỗi năm trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2008 và thấp hơn nữa là 0,69%/năm từ năm 2008.
Tốc độ tăng bình quân của chỉ số HDI là 1,07%/năm từ 1980 đến 2014, tức là thấp hơn bình quân 1,23% của các nước có mức phát triển con người trung bình và mức bình quân 1,29% của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.
“Tiến bộ chậm dần của Việt Nam trong thập kỷ qua đã kéo lùi sự tiến bộ phát triển con người khá nhanh của Việt Nam trước kia để ngày nay trở nên tụt hậu so với nhiều nước khác có cùng trình độ phát triển”- báo cáo nhận định.
Năm 1980 chỉ số HDI của Việt Nam vừa đủ cao hơn mức bình quân của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương và nhóm nước phát triển con người trung bình. Đến năm 1990 HDI của Việt Nam rõ ràng đã tụt lại so với khu vực, thấp hơn đến 8,5%. Khoảng cách được thu hẹp xuống 4,7% vào năm 2008, nhưng đến năm 2014 thì cách biệt trong chỉ số HDI của Việt Nam với khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đã tăng trở lại đến 10,2%.
Mặc dù một phần của sự tụt hậu này do thành tích xuất sắc của Trung Quốc - với giá trị HDI chỉ là 0,43% năm 1980 (thấp hơn cả Việt Nam) tăng lên đến 0,727 năm 2014 (chỉ sau Hàn Quốc và Malaysia), song đây cũng là do thành tích tốt hơn của các nước khác có mức độ phát triển tương đương như Việt Nam. Nổi bật là Indonesia và Thái Lan, cả hai nước có vị trí xuất phát điểm rất gần Việt Nam, với những cải thiện hàng năm nhìn chung cao hơn Việt Nam.
Một đặc điểm của các xu hướng phát triển con người toàn cầu và khu vực là tình trạng chững lại từ sau cuộc khủng khoảng tài chính năm 2008. Nhưng tiến bộ tương đối của Việt Nam yếu hơn và tỷ lệ cải thiện chậm hơn các nước khác trong nhóm so sánh.
“Điều đó cho thấy rằng ảnh hưởng sau khủng hoảng, cùng với những yếu kém kinh tế nội tại là nghiêm trọng hơn ở Việt Nam”- báo cáo viết.
Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thông qua lăng kính phát triển con người, báo cáo tiếp cận theo cách lấy con người làm trung tâm để xem xét sự tham dự bao trùm của người dân Việt Nam vào quá trình phát triển của đất nước kể từ cuối những năm 1980. Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam có xu hướng chững lại, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tăng trưởng giảm sút và khoảng cách giữa các vùng miền, các tỉnh và nhóm dân cư vẫn chưa được thu hẹp.
“Tăng trưởng trong quá khứ mặc dù đã mang lại những chuyển dịch cơ cấu xã hội to lớn, với việc thu hẹp tỷ trọng của nhóm dân cư nghèo, cận nghèo và mở rộng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, song đời sống của những người ở nhóm trung lưu còn chưa được đảm bảo an toàn trước các rủi ro và những khó khăn của những người vẫn thuộc diện nghèo, đặc biệt ở những cộng đồng dân tộc thiểu số thì ngày càng khó giải quyết”- ông Thắng nói.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận định: Vấn đề chủ yếu của giáo dục là mặc dù giáo dục mầm non, dạy nghề và đại học là nền tảng để đảm bảo tăng trưởng bao trùm nhưng các lĩnh vực này còn chưa đảm bảo chất lượng và khả năng tiếp cận còn hạn chế đối với nhóm có thu nhập thấp.
Báo cáo cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cả lĩnh vực giáo dục và y tế, bởi các kết quả thu được không tương xứng với nguồn lực đầu tư lớn của Nhà nước và người dân trong lĩnh vực này. Do đó vấn đề không nằm ở mức độ đầu tư mà ở cách thức chi tiêu và đặc biệt là ở những đổi mới gần đây về quản lý và mở rộng nguồn thu.
Báo cáo Phát triển con người toàn cầu lần đầu tiên được xuất bản năm 1990, giới thiệu chỉ số HDI dựa trên quan niệm của Amartya Sen về đo lường phát triển từ khía cạnh mở rộng các năng lực chủ yếu của con người thay vì sử dụng các chỉ số kinh tế tổng hợp.
HDI là một chỉ số tổng hợp đánh giá tiến bộ về lâu dài ở 3 khía cạnh cơ bản của phát triển con người: Sống lâu và sống khỏe mạnh, được đo bằng tuổi thọ kỳ vọng trung bình; Kiến thức, được đo bằng số năm đi học kỳ vọng và số năm đi học trung bình; Mức sống bền vững, được đo bằng phép biến đổi lô-ga-rít của tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo đồng USD.
Thế Kha