1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Phát sinh 47 tỷ đồng/năm khi "tái lập" HĐND các cấp

(Dân trí) - TPHCM tổ chức lại HĐND cấp huyện, quận, phường với số đại biểu dự kiến tăng 8.340 người. Theo đó, kinh phí hoạt động và phụ cấp khi lập lại HĐND các cấp này phát sinh mỗi năm hơn 47 tỷ đồng.

 

hdndtp-1441098332261

Sau hơn 7 năm thí điểm bỏ, TPHCM tổ chức lại HĐND cấp quận, huyện, phường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (ảnh minh họa)

Theo văn bản Sở Nội vụ vừa trình UBND TPHCM về việc tổ chức lại HĐND quận, huyện, phường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, dự kiến thành phố phải thêm 8.340 đại biểu (ĐB) HĐND, trong đó có 355 đại biểu hoạt động chuyên trách.

Theo Sở Nội vụ, việc tổ chức lại  HĐND các cấp này sẽ tăng thêm cán bộ trong khi Bộ Chính trị và Chính phủ yêu cầu tinh giản biên chế. Vì vậy khi Ủy ban thường vụ Quốc hội có hướng dẫn chính thức về số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, thành phố sẽ bố trí lại cho phù hợp.

Dự kiến kinh phí hoạt động và phụ cấp khi lập lại HĐND các cấp sẽ là hơn 47 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, số tiền phải phụ cấp cho 8.340 ĐB là gần 36 tỷ đồng (tính trên mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng).

HĐND quận, huyện, phường sẽ sử dụng chung trụ sở với UBND cùng cấp. UBND quận, huyện, phường sẽ sắp xếp một số phòng làm việc cho lãnh đạo và các Ban HĐND (như trước khi thí điểm không tổ chức HĐND), nhưng sẽ phát sinh thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị hoạt động của bộ phận thường trực HĐND quận, huyện, phường.

HĐND quận, huyện sẽ thành lập Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế. Chủ tịch HĐND do bí thư cấp ủy kiêm nhiệm. Hai phó chủ tịch là ĐB HĐND quận, huyện hoạt động chuyên trách. Trưởng các ban HĐND 24 quận, huyện là cán bộ hoạt động kiêm nhiệm.

HĐND phường sẽ thành lập Ban Kinh tế – Ngân sách và Ban Văn hóa – Xã hội. Chủ tịch HĐND phường do bí thư cấp ủy kiêm nhiệm; Phó Chủ tịch là ĐB HĐND hoạt động kiêm nhiệm. Do quy định phường chỉ có 1 cán bộ HĐND hoạt động chuyên trách nên nơi bí thư cấp ủy không là ĐB HĐND phường thì Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch HĐND hoạt động kiêm nhiệm.

Về tổ chức HĐND cấp TP, báo cáo của Sở Nội vụ cũng đề xuất nhiệm kỳ 2016 – 2021 sẽ tổ chức thêm Ban Đô thị. Số lượng ĐB HĐND hoạt động chuyên trách tăng lên bốn người (từ 12 lên 16 ĐB). Hiện nay HĐND TPHCM có ba ban gồm: Ban Kinh tế – Ngân sách, Ban Văn hóa – Xã hội và Ban Pháp chế.

Trước đó, TPHCM là một trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo Nghị quyết 26 của Quốc hội (khóa XII) được thông qua vào kỳ họp thứ 4, ngày 15/11/2008 và có hiệu lực vào ngày 1/4/2009. Tuy nhiên, theo Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 thông qua tại kỳ họp thứ 9 thì tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính phải gồm có HĐND và UBND.

Liên quan đến vấn đề này, tháng 7/2015, Sở Nội vụ TP đã báo cáo UBND TP những kết quả đã đạt được khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ năm 2009 đến nay trên địa bàn TP.

Theo Sở Nội vụ, việc thực hiện thí điểm này là chủ trương phù hợp với thực tế của TPHCM, được nhân dân thành phố đồng tình và sự thống nhất của các ngành, các cấp ở TP. Việc thí điểm này cũng tinh gọn bộ máy, khắc phục được sự trùng lắp về chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực và phát huy dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Vai trò của chủ tịch UBND, người đứng đầu bộ máy UBND quận, huyện, phường được phát huy thông qua việc chủ tịch UBND cấp trên bổ nhiệm.

Sở Nội vụ nêu rõ: “Việc thí điểm này không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, tạo tiếng nói chung và đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện”.

Quốc Anh

 

xahoi-35187