1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Phạt nặng vi phạm xây dựng có đủ sức răn đe?

(Dân trí) - Thẩm quyền xử phạt chưa rõ ràng và có sự đùn đẩy giữa cấp này và cấp khác. Mức quy định xử phạt thì quá thấp và thiếu tính răn đe... là những bất cập mà Nghị định 126 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng hiện nay.

Về vấn đề này, ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng đã có cuộc trao đổi với báo giới tại hội thảo dự thảo Nghị định thay thế về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý phát triển nhà.

Xin ông cho biết, những bất cập đang tồn tại trong Nghị định 126 hiện nay là gì?

Năm 2004, Nghị định 126 ra đời trong bối cảnh chưa có luật Nhà ở, luật Xây dựng và luật Kinh doanh bất động sản cũng như một loạt những nghị định quy định chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Vì thế, trong quá trình xây dựng Nghị định 126 đã thiếu nhiều hành vi. Thẩm quyền xử phạt cũng chưa rõ ràng và có sự đùn đẩy giữa cấp này và cấp khác. Mức quy định xử phạt thì quá thấp và thiếu tính răn đe. Chẳng hạn như pháp lệnh xử phạt xây dựng trước kia chỉ ở mức tối đa là 70 triệu đồng. Còn theo dự thảo sửa đổi lần này thì tới đây sẽ tăng đến 500 triệu đồng.

Trong dự thảo sửa đổi cũng đã phân cấp rõ ràng hơn nhưng theo cách phân cấp để xử phạt thì tất cả công việc lại dồn lên vai của thành phố?

Chúng tôi vẫn xây dựng mức xử phạt ở cấp phường, cấp quận vì đây là cấp thường xảy ra nhiều vi phạm. Tuy nhiên, những hành vi tái phạm sẽ bị xử phạt ở cấp cao hơn.

Có nhiều người cho rằng, mức xử phạt nên tính theo khối lượng xây dựng, diện tích xây dựng. Ông nghĩ sao về điều này?

Quan điểm của chúng tôi, những hành vi sai phạm phải được ngăn chặn ngay từ những viên gạch khởi công đầu tiên và phải đình chỉ thi công.

Lúc trước mức xử phạt thấp, hiện tượng tiêu cực trong xử phạt xây dựng đã xảy ra. Ông có nghĩ việc áp dụng mức xử phạt cao có giúp nâng cao ý thức của người dân không?

Việc xảy ra tiêu cực trong thanh tra xây dựng hay bất cứ ngành nào ở Việt Nam hay một nước nào đó là chuyện không hiếm, đòi hỏi phải xử lý nghiêm minh. Nó không chỉ phụ thuộc vào mức phạt cao hay thấp.

Ông vừa nói chúng ta phải ngăn chặn những vi phạm ngay từ đầu. Liệu cơ quan chức năng có đủ lực lượng để kiểm tra, giám sát tất cả các công trình ngay từ khi bắt đầu triển khai?

Đây là điều đang vướng mắc tại các tỉnh, thành phố hiện nay. Riêng Hà Nội và TPHCM thì đã được thí điểm thanh tra 3 cấp với cấp phường có đến 3, 4 thanh tra viên.

Tôi hi vọng, lực lượng đó có thể từng bước giải quyết được. Nhưng ở các tỉnh thành phố thuộc đô thị loại 1, loại 2 mà không có lực lượng thanh tra phường, quận chắc chắn sẽ rất khó khăn.

Nếu chúng ta thực hiện tốt nghị định 180, buộc tháo dỡ tất cả các công trình vi phạm thì mức xử phạt không nhất thiết phải tăng lên. Ông có nghĩ như vậy không?

Quan điểm của ban soạn thảo là có thể không cần phạt tiền nếu người vi phạm tự nguyện tháo dỡ. Phạt tiền chỉ là biện pháp để răn đe người khác.

Theo dự thảo, hành vi nào có mức phạt cao nhất, thưa ông?

Nếu một công trình vi phạm mà có nhiều hành vi vi phạm thì việc xử phạt sẽ là cộng từng hành vi vi phạm lại. Vì thế mới có mức phạt tối đa là 500 triệu đồng.

Trong dự thảo lần này, những hành vi gian lận trong đấu thầu sẽ có mức phạt cao nhất, từ 150 - 200 triệu đồng. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu áp dụng xử phạt cao đối với những hành vi liên quan đến chất lượng công trình.

Việc xử phạt ngay những người thi hành công vụ theo dự thảo nghị định lần này được hiểu như thế nào?

Các công trình xây dựng cấp phường mà thanh tra phường, Chủ tịch phường không ra quyết định kịp thời thì thanh tra sở ra quyết định, đồng thời có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh xử lý.

Cái khó là làm sao phải đưa mức xử phạt chủ yếu về đến cấp phường hoặc có sự khác nhau giữa mức xử phạt lần đầu và mức xử phạt tái phạm.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm