1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phát minh máy phát điện chạy bằng nước: Bí ẩn “chất xúc tác”

Theo GS - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, trong sáng chế máy phát điện chạy bằng nước, điểm cốt yếu là TS Nguyễn Chánh Khê đã tìm ra được một chất dẫn có cấu trúc nano, khi phản ứng với nước tạo ra hydrogen để đi qua bình nhiên liệu và tạo ra điện

Ngày 9/3, tại Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã cùng làm rõ các vấn đề liên quan đến sáng chế máy phát điện chạy bằng nước của TS Nguyễn Chánh Khê gây tranh cãi gần đây.

Cần thiết phải công bố về mặt khoa học

Chủ trì hội thảo là GS-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Hội thảo còn có sự tham gia của ông Vương Đức Tuấn, Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS - TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM; ông Phạm Chánh Trực, nguyên trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM; GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng cùng các nhà khoa học về vật lý, hóa học của ĐH Quốc gia TPHCM và các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát minh máy phát điện chạy bằng nước: Bí ẩn “chất xúc tác”

Các nhà khoa học chứng kiến việc thực nghiệm máy phát điện chạy bằng nước của TS Nguyễn Chánh Khê

PGS-TS Lê Hoài Quốc cho biết mục đích tổ chức hội thảo khoa học này là để TS Nguyễn Chánh Khê cùng các nhà khoa học tranh luận nhằm làm sáng tỏ về công trình nghiên cứu máy phát điện chạy bằng nước.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Chánh Khê đã trình bày cụ thể trước cử tọa cách thức hoạt động, đặc biệt là “chất xúc tác” sử dụng cho chiếc máy phát điện chạy bằng nước do ông nghiên cứu. GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng cho rằng hóa chất để trộn vào nước như TS Nguyễn Chánh Khê trình bày là một hóa chất cực kỳ quan trọng, một phát hiện mới, nếu có thực sự như vậy. Theo GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng, cần làm rõ hơn về “chất xúc tác” này.

TS Nguyễn Chánh Khê cho biết đây là một sáng chế mang tính chất bí mật về công nghệ, do đó không thể công bố cụ thể về mặt khoa học. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng tuy về mặt sáng chế, TS Nguyễn Chánh Khê được quyền bảo mật nhưng cũng cần thiết phải công bố về mặt khoa học để các nhà khoa học cũng như dư luận được rõ.

Phải nghiên cứu sâu hơn

Sau buổi hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng TS Nguyễn Chánh Khê đã xuống phòng thí nghiệm để tham quan, tìm hiểu trực tiếp máy phát điện chạy bằng nước. Trước sự có mặt của các nhà quản lý, nhà khoa học, TS Nguyễn Chánh Khê đã đổ chất hóa học vào bình chứa nước. Sau một lúc thực hiện phản ứng, chiếc máy phát điện đã thắp sáng được một bóng đèn trong phòng.

Các nhà khoa học đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh chiếc máy phát điện chạy bằng nước, đồng thời thực nghiệm ngắt nguồn hydrogen cung cấp cho bình pin nhiên liệu, lập tức bóng đèn tắt ngay, chứng tỏ “chất xúc tác” tách được hydrogen ra khỏi nước để đi qua bình pin nhiên liệu tạo ra dòng điện. Các kết quả trong buổi thực nghiệm cho thấy máy phát điện chạy bằng nước hoạt động đúng như những gì TS Nguyễn Chánh Khê công bố.

GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng cho rằng về mặt công nghệ, đây là một phát minh đột phá. Tuy nhiên, về mặt khoa học, khám phá này cần phải được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Hóa chất sử dụng trong chiếc máy phát điện của TS Nguyễn Chánh Khê thực chất là một nguồn nhiên liệu mới, bởi một hóa chất có khả năng tách hydrogen ra khỏi nước và tạo ra được dòng điện thì  nó cần có nguồn năng lượng rất lớn để thực hiện phản ứng. Hiện nay, chưa có loại hóa chất nào có khả năng cung cấp nguồn năng lượng lớn như vậy.

Kết luận hội thảo, GS - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nhận xét bản chất khoa học của công trình nghiên cứu này là phương pháp tạo ra hydrogen từ nước. Đây không thể gọi là làm ra một máy phát điện chạy bằng nước. Trong sáng chế này, điểm cốt yếu là TS Nguyễn Chánh Khê đã tìm ra được một chất dẫn có cấu trúc nano. Chất dẫn này khi phản ứng với nước đã tạo ra hydrogen, sau đó hydrogen đi qua bình nhiên liệu để tạo ra điện. Đây chính là điểm mới trong nghiên cứu này.

 
Có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội
 
GS - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu cho biết nếu sáng chế này trở thành hiện thực, nó sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế - xã hội, là tài sản quan trọng của quốc gia. GS - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đề nghị cung cấp thêm kinh phí cho nghiên cứu này để làm rõ, chính xác và phát triển cụ thể hơn. Theo ông Hiệu, có thể làm một máy phát điện mẫu chạy thử tại Khu Công nghệ cao TPHCM để tiếp tục thực nghiệm và kiểm tra tính chính xác.
 
 
Theo Chánh Trung 
Người Lao động