1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Phát huy chế định Chủ tịch nước”

(Dân trí) - “Cần phân định, phân công nhiệm vụ quyền hạn giữa Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ hợp lý. Tôi nhất trí việc bổ sung thêm một số nhiệm vụ theo hướng phát huy chế định Chủ tịch nước”, đại biểu Quốc hội Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) nói.

Ngày 16/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Hiến pháp sửa đổi và dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về sửa Hiến pháp. Trong đó, một số đại biểu cho rằng cần phân định rõ ràng phân công nhiệm vụ quyền hạn giữa Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ một cách hợp lý.
 
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chế định Chủ tịch nước là một trong những chế định để có thể tham gia vào việc điều tiết cân bằng và kiểm soát giữa các quyền. “Tôi đề nghị trao Chủ tịch nước một số quyền thể hiện được vai trò kiểm soát đó”, ông Nghĩa nói. Về quyền bãi bỏ văn bản của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ trái với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, đại biểu Nghĩa cho rằng, không phải trái với lệnh quyết định của Chủ tịch nước mà bãi bỏ văn bản Chính phủ, Thủ tướng, thành viên Chính phủ trái với hiến pháp và pháp luật.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cho rằng, cần phân định, phân công nhiệm vụ quyền hạn giữa Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ một cách hợp lý, khoa học. Theo tinh thần đó ông Nghĩa nhất trí việc bổ sung và chuyển một số nhiệm vụ giữa các cơ quan Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, đặc biệt là việc bổ sung thêm một số nhiệm vụ theo hướng phát huy chế định Chủ tịch nước.

Ngoài ra, ông Chương cũng nhất trí việc xác định rõ hơn vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành pháp. Theo đó, Chính phủ sẽ thực hiện rõ hơn quyền và nhiệm vụ hoạch định chính sách và điều hành chính sách quốc gia, chuyển từ nặng về điều hành nền hành chính sang tăng cường làm nhiệm vụ hoạch định chính sách.

“Thảo luận trong mấy ngày qua và thực tế thấy cội nguồn của lạm quyền và các nhóm lợi ích chính là ở việc ban hành các văn bản pháp quy trái với hiến pháp và pháp luật”, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) nói.

Ông Đương đề nghị giao trách nhiệm kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật trước đây cho Viện Kiểm sát với tư cách là một thiết chế sẵn có. Viện Kiểm sát chỉ giúp Quốc hội giám sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành những văn bản có tính chất pháp quy của các cơ quan từ cấp Bộ trở xuống, còn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước là giám sát tối cao cho những văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cuối phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thúy Anh (Phú Thọ) cho rằng, quyền hành pháp không phải là độc quyền của Chính phủ, bởi vì Chủ tịch nước và Viện Kiểm sát nhân dân cũng thực hiện một số thẩm quyền về hành pháp theo quy định của dự thảo. Tuy nhiên, bà Anh cho rằng dự thảo chưa thể hiện được sự phối hợp giữa các cơ quan trên trong việc phối hợp, thực hiện quyền hành pháp.

Còn nhiều băn khoăn về Lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp 
 
Đai biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): “Về Hội đồng Hiến pháp, tôi thống nhất với phương án là thành lập một cơ quan bảo vệ Hiến pháp, có thể tên là Hội đồng Hiến pháp. Tôi đề nghị Hội đồng Hiến pháp có thể giao cho Chủ tịch nước làm Chủ tịch, có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và Chủ tịch Quốc hội”.
 
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): “Về một số thiết chế mới, tôi đồng ý với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong tình hình hiện nay nhà nước chưa cần thiết phải thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp độc lập mà tiếp tục củng cố tổ chức hoạt động của các cơ quan nhà nước để đảm bảo hiệu quả hơn và đáp ứng yêu cầu của công tác này”.
 
Quang Phong