1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phát hoảng với “lẩu ngoại” Hà Nội!

Người Hà Nội lâu nay nức nở khen mấy “phố lẩu” Phùng Hưng, Ngõ Trạm... Chỉ cần 80.000 - 120.000 đồng, nhiều người đã có thể vui vẻ trước một nồi lẩu sôi sùng sục, nhưng ít người biết được muốn có nồi nước lẩu này, gia vị phải mua từ... Trung Quốc với đủ thứ chẳng ai biết là gì.

“Công nghệ” nước... lẩu

11h trưa. “Phố lẩu” Ngõ Trạm ùn ùn thực khách. Chúng tôi ghé vào quán lẩu ngay đầu Ngõ Trạm, một trong sáu quán thuộc chuỗi nhà hàng T lẩu cùng nằm trên đoạn phố này. Ngồi chưa đầy năm phút, một nữ nhân viên đã bưng ra và đặt lên bàn một nồi nước dùng nghi ngút khói, màu vàng đục, nổi lều phều mấy miếng dọc mùng (bạc hà).

Giả vờ đi rửa tay, tôi bước nhanh theo cô nhân viên vào phía trong của quán với mục đích “ngó trộm” công nghệ làm lẩu của họ. Khi tôi bước vào, hai nam nhân viên đang đun nước lẩu chứa trong bốn nồi nhôm lớn cỡ 150 lít, đặt trên bếp lò phừng phực lửa.

Một nhân viên nam lấy một can nhựa trắng 40 lít đặt ngay sát buồng vệ sinh, mở nắp và đổ lần lượt vào từng nồi nước dùng đang đun trên bếp một thứ chất lỏng màu vàng nhờ. Cô nhân viên đứng bên cạnh lấy chiếc môi có cán dài, khuấy đều từng nồi. Váng mỡ, hành đọng lại đen kít trên vành miệng ca.

Sau đó họ múc nước dùng được đun nóng trong bốn chiếc nồi nhôm đổ vào một thùng nhựa loại 250 lít để kế bên. Thỉnh thoảng, một nhân viên lại thoăn thoắt chạy từ ngoài vào, múc nước từ thùng nhựa vào nồi inox rồi bê lên cho thực khách. Mới 11h trưa mà các quán lẩu đã đông nghẹt người ra vào.

Bí ẩn gia vị lẩu

“Gia vị lẩu Tàu, lẩu Thái Lan giá 6.000 đồng/gói. Mua nhiều thì 5.500 đồng/gói, đảm bảo ngọt như nước xương bò ninh. Nếu thích có mùi vị của lẩu gà thì mua 55.000 đồng/ hộp bột hương gà của Trung Quốc!” - chị Hạnh, chủ kiôt bán buôn hàng khô, đồ hộp trên phố Nguyễn Thiện Thuật cạnh chợ Đồng Xuân, “tiếp thị” ngọt như đường sau khi nghe tôi trình bày đang muốn mở một nhà hàng lẩu ở Mỹ Đình.

Theo chị Hạnh, cửa hàng của chị rất có uy tín cung cấp gia vị lẩu Trung Quốc (TQ), lẩu Thái Lan và các loại gia vị khác do hai nước này sản xuất cho phố lẩu Phùng Hưng. Chị kể vanh vách những nhà hàng như quán NN, quán Linh... trên đường Phùng Hưng vẫn thường mua gia vị từ kiôt nhà chị về “làm hàng”.

Cầm mấy gói “gia vị lẩu” từ bà chủ, tôi phát hoảng khi thấy một loại gia vị lẩu kín đặc chữ TQ, đỏ khé với nồi lẩu đủ cá, thịt, rau xanh ở mặt trước. Hoàn toàn không có lấy một dòng chữ về nguyên liệu, cách dùng, hạn sử dụng. Cũng chẳng biết ai sản xuất và nhập khẩu về VN.

Mở gói gia vị lẩu, mùi cay xộc lên mũi. Những vảy mỡ nước màu vàng ngấm ra ngoài túi nilông làm cái túi nhầy nhụa, trông đã thấy mất vệ sinh. Bên trong là một bánh đặc gồm mỡ, bột ớt, muối, đường, sả băm...

Mấy nhà chuyên môn ở Cục An toàn vệ sinh thực phẩm được chúng tôi cho xem gói lẩu, nói: “Chắc chắn phải có hóa chất bảo quản, nếu không mỡ nước và các nguyên liệu tươi khác không thể để tháng này qua tháng khác trong túi nilông”.

Ông chủ Thành, chủ nhà hàng N trên phố Phùng Hưng, cười bí hiểm khi tôi đề nghị “tư vấn giúp mở một nhà hàng lẩu ở Mỹ Đình”. Theo đó, chỉ có việc tư vấn làm sao cho lẩu ngon như quán của ông thì tôi sẽ hậu tạ 20 triệu đồng.

Ông Thành nói: “Muốn ngon như vậy thì dễ thôi, tôi sẽ cho nhân viên đến giúp”. Khi tôi hỏi có phải dùng gia vị lẩu TQ hay Thái Lan để hạ giá thành hay không, ông chủ lại mỉm cười bí hiểm. “Khi đó hãy biết”. Nhưng khi thấy tôi chỉ mấy cái bao bì gia vị lẩu chữ TQ ngay cạnh bàn chế biến, ông Thành cười ngượng: “Bao bì bột ngọt ấy mà!”.

Muốn mua bao nhiêu cũng có

Phát hoảng với “lẩu ngoại” Hà Nội! - 1
  

Những gói gia vị lẩu được
bán đầy rẫy tại chợ Lũng
Vài (Trung Quốc).

Trong vai một ông chủ mới mở quán lẩu, tôi ngược quốc lộ 1 lên biên giới Lạng Sơn tìm nguồn hàng. Sau khi biết ý định muốn lấy nhiều hàng của tôi, Hưng, một tay bán hàng thực phẩm khô tại chợ Đồng Đăng, nói: “Loại lẩu gói này bên TQ bán đầy. Nếu cần tôi dẫn sang mua...”.

Chúng tôi ngược đường Hang Dơi sang bên chợ Lũng Vài. Hưng dẫn tôi vào một kiôt bán bánh kẹo và hàng thực phẩm. Chủ kiôt là một cô gái TQ biết nói tiếng Việt. Cô gái gật đầu lia lịa khi nhìn thấy Hưng đưa ra mẫu gia vị lẩu tôi mang theo, rồi hỏi bằng thứ giọng lơ lớ: “Mua “cẩu lìu” (gia vị lẩu) à, lấy nhiều không? Cái này người VN mua nhiều lắm. Nhưng lấy số lượng lớn phải đặt hàng trước”. Tôi bảo: “Cần xem thử mẫu, có bao nhiêu loại cứ đem hết ra”.

Cô gái mở hộc tủ lôi ra hơn chục gói gia vị lẩu với ba chủng loại chính: dạng bột, dạng mỡ đóng thành bánh và dạng thuốc bắc. Tất cả được đóng trong bao bì nilông, bên ngoài màu mè lòe loẹt, chữ TQ chi chít. Cái nào cũng vẽ hình một nồi lẩu nghi ngút khói bên cạnh ngồn ngộn các đĩa thịt gà, thịt bò, cá, tôm, rau... “Gói bánh mỡ có giá 2 NDT (1 NDT = 2.000 đồng), gói bột và gói dạng thuốc bắc đồng giá 0,8 NDT, nếu lấy nhiều giảm được 0,2-0,4 NDT/gói” - cô chủ kiốt nói.

Tôi mở ra xem thử gói gia vị lẩu dạng bánh mỡ. Mùi gây gây nồng nồng xộc thẳng vào mũi, bên trong thứ bánh mỡ đã đông bết lại vàng khè, đôi chỗ ngả màu đen. Theo hướng dẫn của cô chủ kiôt, chỉ cần bỏ cái bánh mỡ này vào nồi nước sôi là được... một bữa lẩu ngon lành. Đặc biệt, nước lẩu pha chế từ gia vị lẩu này có thể để được vài ngày mà vẫn không thay đổi màu sắc và hương vị.

Theo một chủ hàng trong giới buôn tại thị trấn Đồng Đăng, nguồn hàng gia vị lẩu này chủ yếu được dân buôn lậu “đánh” về đưa cho mấy quán bán đồ khô, hàng tạp phẩm và các phố chuyên bán lẩu tại Hà Nội.

Phải tiêu hủy ngay các sản phẩm này!

Xem kỹ một lượt các gói gia vị lẩu được PV đưa tới, ông Nguyễn Thanh Phong (phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế) khẳng định đây là hàng lậu và nguyên tắc là phải tiêu hủy ngay.

Nguyên tắc với hàng nhập khẩu là phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, có in tên nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, hạn dùng, công bố chất lượng tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc các sở y tế. Với các sản phẩm này, chưa cần nói chất lượng như thế nào, ngay nhãn mác đã không đủ tiêu chuẩn lưu hành.

Với các thực phẩm nhập lậu, không biết cách sử dụng như thế nào mà chỉ cần kinh nghiệm của người bán hàng thì rất nguy hiểm. Người tiêu dùng không nên sử dụng các sản phẩm như thế này. Độ độc hại của nó đến đâu phải đợi kết quả kiểm nghiệm.

Theo H.Lực - L.Anh - T.Phú
Báo Tuổi trẻ