Phát hiện viên đá có hình khắc ở Hòa Bình
(Dân trí) - Trong khi chỉnh lý hiện vật nạo vét trong hang Xóm Trại (Tân Lập, Lạc Sơn, Hoà Bình) thuộc văn hoá Hoà Bình có niên đại 20 ngàn năm, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á phát hiện một viên đá có hình khắc.
Viên đá này tương tự như hai viên đá có hình khắc đã phát hiện năm 2004 với những hình khắc vạch đường răng cưa và xương cá, thể hiện bởi cư dân Hoà Bình ở hang Xóm Trại trong tầng văn hoá.
Chúng là những viên đá lõi basalt hoặc cát kết chứa lớp vỏ khoáng mềm dễ tạo những đường khắc vạch hàm chứa hình tượng cá. Một hiện vật tương tự khắc hình hổ cách điệu cũng đã từng được thông báo phát hiện ở hang này từ năm 1982.
Viên đá mới phát hiện còn khá nguyên vẹn và các đường khắc chưa bị mài mòn hết.
Viên đá được khắc có chiều dài 9,7 cm, rộng 4,6 cm, dày 1,5cm. Hình khắc gồm các nhóm đường khắc vạch chéo ngắn 1-2cm chạy song song trên hai bên rìa. Ở giữa phiến đá là các đường chéo tương tự nhưng sắp đặt theo nguyên tắc đối xứng gương với hai nhóm đường khắc ở hai bên rìa. Hình khắc chỉ thể hiện trên một mặt viên đá. Mặt lưng để trơn. Đây cũng là loại đá khoáng cấu trúc thành những lớp mỏng, độ cứng không cao, dễ khắc vạch. Trên bề mặt được vẽ còn loang lổ màu đỏ thổ hoàng.
Việc tiếp tục phát hiện đá có hình khắc cùng loại khẳng định tính ổn định của nghệ thuật khắc vạch trên đá khoáng. Những phiến đá có hình khắc này có thể liên quan đến thói quen ăn đá khoáng (Geophagia) và một tín ngưỡng nguyên thuỷ nào đó.