Phát hiện nhiều vỏ điệp trong hố khai quật 3 bộ xương người Việt cổ
(Dân trí) - Trong hố khai quật 3 bộ xương người Việt cổ niên đại khoảng 5.000 năm, các nhà khảo cổ phát hiện một lượng rất lớn vỏ điệp. Phát hiện này đặt ra giả thuyết, cư dân cổ sử dụng điệp, sò biển làm thức ăn chính?
Trong hố khai quật phát hiện 3 bộ xương người có niên đại khoảng 5.000 năm tuổi mà các chuyên gia đến từ Trường Đại học Quốc gia Úc, Đại học QG Hà Nội, Bảo tàng Hà Tĩnh tại Rú Điệp, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đang thực hiện, bên cạnh nhiều hiện vật bằng đồ gốm, xương cá được phát hiện, là lớp trầm tích bằng vỏ điệp dày lên tới hàng mét. Vỏ điệp ở đây dày, lớp chồng lớp và gần như còn nguyên vẹn.
Theo một chuyên gia khảo cổ học trong đoàn khai quật, lớp vỏ điệp rất dày này được tích tụ qua rất nhiều đời cư dân tộc người cổ cư trú tại đây. Họ khai thác điệp từ biển, đưa về Rú Điệp sử dụng, ăn xong thì vứt vỏ tại chỗ. Số lượng vỏ điệp lớn cũng chứng tỏ hoạt động săn bắt, khai thác thức ăn tự nhiên của tộc người sinh sống tại đây đã rất phát triển và có tổ chức. Vị trí Rú Điệp được phát hiện cũng chứng tỏ hàng ngàn năm trước, tộc người này phải di chuyển đến vài chục cây số xuống biển để khai thác sò, điệp.
Theo các nhà khảo cổ học, để đưa được lượng điệp lớn như thế này về sử dụng, cư dân bản địa cổ phải rất có tổ chức trong quá trình đi biển
Những cứ liệu tại đợt khai quật đã đặt ra giả thuyết, phải chăng cư dân Việt cổ tương đương 3 bộ xương người vừa phát hiện lấy điệp, sò làm thức ăn chính và đây chính là món ăn khoái khẩu hàng ngày? Bộ xương phát hiện nằm lẫn trong lớp vỏ điệp dày đặc có thể là do sự trùng hợp ngẫu nhiên, người đời sau chôn lên khu đất vốn là nơi cư trú của một tộc người trước đó? Hay việc chôn người chết tại nơi cư trú là một tập tục văn hóa?
Văn Dũng - Tiến Hiệp