Đắk Lắk:
Phát hiện nhiều trường hợp giả thương binh để nhận chế độ
(Dân trí) - Vừa qua, Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk đã tạm dừng hưởng chế độ thương binh đối với 43 trường hợp. Trong 8 trường hợp bị đình chỉ chế độ có đến 6 trường hợp làm giả thương binh.
Ngày 22/5, ông Lê Hải Lý - Trưởng phòng người có công, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk - cho biết, trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều trường hợp bị tạm dừng hưởng chế độ thương binh để Cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh hồ sơ.
Cụ thể, trong năm 2014 tại Đắk Lắk có 24 trường hợp bị tạm dừng hưởng chế độ để kiểm tra, qua đó có 5 trường hợp bị cắt chế độ (4 trường hợp thương binh giả và 1 trường hợp vì giấy tờ thiếu, không hợp lệ). Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2015, có đến 43 trường hợp bị tạm dừng hưởng chế độ, Sở và Cơ quan chức năng đã phát hiện có 6 trường hợp thương binh giả và 2 trường hợp do hồ sơ thủ tục chưa đầy đủ đúng quy định.
Ông Hoàng Văn Nguyên tố cáo một người cùng địa phương mình đã làm giả giấy thương binhÔng Lý cho biết, theo hồ sơ từ năm 2012 đến nay, đa số các đối tượng làm giả hồ sơ ở các tỉnh phía Bắc như: Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa… đến khi vào Đắk Lắk đem hồ sơ đến nộp trực tiếp tại Sở để được hưởng chế độ.
“Trong quá trình tiếp nhận chúng tôi đã phát hiện được những cái sai trong hồ sơ, nên đã liên hệ cùng với Sở LĐ-TB&XH nơi họ từng đăng ký, thì nhận được trả lời hoàn toàn không có trường hợp nào như trên. Họ đã giả cả con dấu và chữ ký của các lãnh đạo để ký vào hồ sơ nhằm hưởng chế độ của nhà nước”, ông Lý cho hay.
Như trường hợp của ông T.V.Q (SN 1955, ngụ xã Ea Lai, huyện M’Đrắk) bị phát hiện vào tháng 5/2014, ông Q. đã mua giấy chứng nhận bị thương giả rồi làm hồ sơ để nhận trợ cấp hàng tháng và được Cơ quan Công an xác định chưa từng nhập ngũ và bị thương.
Tương tự, trường hợp của ông N.D.V (SN 1956, ngụ huyện M’Đrắk) có giấy chứng nhận bị thương số 67/GCN do Sư đoàn 35 cấp ngày 15/7/1975. Qua xác minh Phòng Chính sách Cục chính trị Quân khu 2 có công văn trả lời ngày 16/4/2014: Quân khu 2 chỉ có Sư đoàn 316 tham gia trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và Giấy chứng nhận bị thương của ông V. hoàn toàn là giấy giả.
Đối với các trường hợp làm giả giấy tờ, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan chức năng xử lý, đưa ra tòa xét xử và truy thu toàn bộ số tiền người vi phạm đã được nhận đó là mức tiền truy thu trợ cấp hưởng hàng tháng theo quy định, các chế độ liên quan khác (ưu đãi học sinh – sinh viên cho con cái, chế độ thăm lễ tết, hỗ trợ làm nhà…).
Cũng theo ông Lý, các đối tượng làm giả giấy tờ để hưởng chế độ sẵn sàng bỏ ra từ 20 – 60 triệu đồng để mua giấy tờ liên quan. Đối với các trường hợp đang tạm dừng hưởng chế độ thì Cơ quan chức năng gồm: Công an tỉnh, Cơ quan điều tra Hình sự Quân khu 5, Thanh tra Sở LĐTB&XH đang tiến hành xác minh.
Bên cạnh đó, ông Lý cũng cho biết, việc người dân phát hiện để tố giác cũng là kênh thông tin để Sở có điều kiện xem xét, kiểm tra và có đến trên 50% việc giả thương binh và người chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ của người dân tố cáo là đúng sự thật.
“Sở đã tiến hành chỉ đạo việc Phòng LĐ-TB&XH tại các huyện khi chi trả trợ cấp hàng tháng nên niêm yết công khai danh sách của các người được hưởng tại địa bàn đó để người dân được biết, qua đó phát hiện trường hợp nào là giả nhằm kịp thời tố giác”, ông Lý nhấn mạnh.
Trước đó, như Dân trí đã đưa thông tin vụ việc ông Hoàng Văn Nguyên (SN 1947, ngụ xã Ea Phê, huyện Krông Pắk) đã gửi đơn tố cáo ông Đ.Đ.K (SN 1945, ngụ cùng địa phương) đã làm giả giấy tờ thương binh để hưởng chế độ từ năm 2001 đến nay. Trong hồ sơ của ông Đ.Đ.K có 2 người ký làm chứng là ông: Đỗ Văn Khoáng và Lê Hữu Tủng, tuy nhiên ông Tủng đã khẳng định ông chưa hề ký bất kỳ giấy tờ nào chứng nhận là Thương binh của ông K. Hiện vụ việc này đang được Thanh tra Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk xác minh, làm rõ.
Trương Nguyễn