Phát hiện nhiều nhà máy gỗ dăm trái phép ở Khu kinh tế Nghi Sơn
(Dân trí) - Cơ quan chức năng vừa phát hiện 28 cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép - không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nội dung sản xuất dăm gỗ ở Thanh Hóa; trong đó, một số cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép hoạt động ngay trong Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa).
Tháng 4/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 2775 gửi UBND các địa phương để hướng dẫn thực hiện thẩm định điều kiện hình thành các dự án mới về sản xuất dăm gỗ xuất khẩu. Theo đó, đối với địa phương thuộc các vùng Tây Bắc Bộ, Đồng bằng Sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long: Xem xét thẩm định theo hướng không phê duyệt các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu theo khoản 1, mục III, Điều 1 Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN ngày 1/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án Quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014-2020.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng vừa phát hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 39 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại 10 huyện nhưng đã có tới 28 cơ sở không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nội dung sản xuất dăm gỗ; 5/11 cơ sở được chấp thuận có nội dung sản xuất dăm gỗ hoạt động vượt công suất đăng ký với tổng sản lượng dăm gỗ vượt công suất trên 253 nghìn tấn/năm.
Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng dây chuyền băm dăm gỗ để xuất khẩu, không tập trung đầu tư chế biến các loại sản phẩm có giá trị cao nên gây lãng phí nguồn tài nguyên rừng của tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể có 7/16 cơ sở được chấp thuận nhưng chưa hoàn thành dự án theo quy định.
Một số huyện có nhiều cơ sở sản xuất dăm gỗ hoạt động trái phép - không được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc hoạt động vượt công suất là Thường Xuân, Triệu Sơn, Như Xuân, Như Thanh, Tĩnh Gia và Thạch Thành.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do việc đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến dăm gỗ đơn giản, ít tốn kém, mang lại lợi nhuận trước mắt; đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư, việc thu mua, khai thác, chế biến gỗ của các cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt và chưa phù hợp với định hướng phát triển rừng gỗ lớn của tỉnh Thanh Hóa; công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng và đất đai ở một số huyện còn hạn chế.
Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã phát hiện một số cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép tại Khu kinh tế Nghi Sơn, như Công ty TNHH Nghi Sơn (xã Nghi Sơn), Công ty CP Sinh Lộc Phát (xã Nghi Sơn), Công ty TNHH Thành Tiến (xã Hải Thượng), Công ty TNHH Minh Long (xã Trường Lâm), Công ty TNHH Việt Trung (xã Trường Lâm).
Để khắc phục những bất cập nêu trên, đảm bảo phát triển bền vững, tăng giá trị sản phẩm từ gỗ theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu dừng mọi hoạt động liên quan đến việc thu mua nguyên liệu và sản xuất dăm gỗ, chủ động tháo dỡ nhà xưởng và các loại máy móc thiết bị của các cơ sở chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận. Đồng thời yêu cầu các cơ sở hoạt động vượt công suất phải tổ chức sản xuất theo đúng nội dung, quy mô đã được tỉnh chấp thuận.
Sở này cũng kiến nghị Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo cơ quan kiểm lâm quản lý chặt chẽ việc khai thác, chế biến và kinh doanh các loại lâm sản trên địa bàn; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các cơ sở chế biến lâm sản, tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất của các cơ sở sử dụng đất sai mục đích, chậm hoàn thành dự án.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi các dự án triển khai thực hiện không đúng nội dung đã được chấp thuận, dự án chậm tiến độ theo quy định. Đồng thời yêu cầu giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo; trước mắt chưa xem xét, cấp mới cho các cơ sở băm dăm gỗ và tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo các nội dung đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Được biết, Tổng cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có đoàn kiểm tra việc sản xuất dăm gỗ ở Nghệ An và Thanh Hóa.
Như Dân trí đã phản ánh trước đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã thanh tra, phát hiện khoảng 20 cảng, bến thủy nội địa có hoạt động xếp, dỡ gỗ dăm trên đường thủy nội địa thuộc địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định, Tuyên Quang,.... Trong đó có 9 bến thủy nội địa không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn hoạt động (!).
Trước thực trạng đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các bến thủy nội địa bốc xếp gỗ dăm chưa được cấp phép hoặc hết hạn hoạt động.
“Thời gian vừa qua, lực lượng cảng vụ đường thủy nội địa phối hợp với CSGT đường thủy đã kiểm tra, xử phạt 11 trường hợp (2 bến và 9 phương tiện) vi phạm quy định về bốc xếp, vận chuyển gỗ dăm, với tổng số tiền phạt trên 50 triệu đồng”- cơ quan này cho biết.
Lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẳng định đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử nghiêm các cảng, bến, phương tiện vận chuyển gỗ dăm không đúng quy định.
Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu Cảng vụ Quảng Ninh khẩn trương kiểm tra phản ánh của dư luận về việc hàng loạt tàu chở gỗ dăm bất chấp nguy hiểm vượt sông về “tụ họp” tại cảng Cái Lân.
Thế Kha