1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bắc Ninh:

Phát hiện một gia đình khoa bảng có 14 Tiến sĩ

(Dân trí) - Trên cơ sở nghiên cứu, đối chiếu, chắp nối tư liệu lịch sử từ nhiều nguồn tài liệu chính thống, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và lịch sử Đỗ Quốc Bảo đã phát hiện được gia đình khoa bảng tiêu biểu có một không hai trong lịch sử phong kiến nước nhà.

Đó là gia đình họ Nguyễn làng Kim Đôi, hạt Vũ Giàng, phủ Từ Sơn, nay là làng Kim Đôi, xã Kinh Chân, thành phố Bắc Ninh. Gia đình này trong 7 đời đã liên tiếp có tới 14 người đỗ Tiến sĩ, chưa kể cử nhân, tú tài, được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng trong triều chính.

 

Chỉ tính riêng khoa thi năm Bính Thìn (1496) - đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã có tới 4 người là anh, em, con chú, con bác ruột trong gia đình này đỗ Tiến sĩ. Trong số này có nhiều người tiêu biểu về trình độ học vấn và đức độ thanh cao được nhiều đời ca ngợi, truyền tụng, làm gương cho con cháu học tập noi theo.

 

Cụ Nguyễn Sỹ Duyên là con cả trong gia đình học giỏi, tài trí nhưng ở nhà gánh vác công việc gia đình, nuôi dạy 5 người em là Nguyễn Nhân Bị, Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Nhân Dư, Nguyễn Nhân Đạc và những người này đều đỗ Tam giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Kỉ Sửu 1469.

 

Cụ Nguyễn sau này đi thi đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1495, được vua Lê Thánh Tông ban tặng danh hiệu là “Kim Khê xử sĩ” (tức bậc nhân sĩ sống ở Kim Khê). Các cụ đỗ Tiến sĩ Nguyễn Nhân Thiếp, Nguyễn Nhân Dư, Nguyễn Nhân Đạc đều được bổ nhiệm làm quan với các chức vụ “Đông các học sĩ”, “Thượng thư Bộ Lại”, “Hàn lâm viện hiệu thảo” là các chức vụ cao trong triều chính.

 

Đặc biệt, riêng con cháu cụ Nguyễn Nhân Bị sau này là Nguyễn Dũng Nghĩa, Nguyễn Củng Thuận, Nguyễn Đạo Diễn, Nguyễn Huân, Nguyễn Kinh, Nguyễn Hoàng Khoảnh, Nguyễn Lượng, Nguyễn Năng Nhượng, Nguyễn Quốc Quì đều đỗ Tiến sĩ dưới triều vua Lê Thánh Tông nên được nhà vua khen ngợi là Kim Đôi gia, chu tử mãn triều (tức đầy triều là người trong gia đình họ Nguyễn ở Kim Đôi).

 

Được biết, để tìm và phát hiện ra gia đình khoa bảng có một không hai này, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và lịch sử Đỗ Quốc Bảo đã tham khảo qua các nguồn tài liệu “Niên biểu Việt Nam” (Nhà xuất bản khoa học xã hội năm 1984), “Từ điển Việt Nam” (Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin năm 1993), “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” (Bộ quốc gia giáo dục năm 1962), “Đại Việt sử kí toàn thư” (Nhà xuất bản khoa học xã hội các năm 1978 và 1985), “Lịch triều hiến chương loại chí” (Nhà xuất bản khoa học xã hội năm 1992)...

 

Đàm Dũng