1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Tĩnh:

Phát hiện lư hương cổ bằng đá độc đáo thời Nguyễn

(Dân trí) - Trong quá trình khảo cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật và di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện tại di tích Đền Quan Tiên, thuộc xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, đang lưu giữ chiếc lư hương cổ độc đáo thời Nguyễn.

Chiếc lư hương cổ nói trên là một khối đá nguyên chiếc nặng khoảng 15kg, có màu xám đen hơi giống màu đồng, được các nghệ nhân xưa chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống. 

Lư hương được làm theo kiểu dáng hình trụ tròn, có kích thước cao 25cm, đường kính miệng lư là 17cm và đường kính thân đế là 17,5cm. Mặt trước được chạm khắc họa tiết hình lưỡng long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng), nét chạm sắc, tinh tế. Ở phần trên miệng chiếc lư cổ được chạm khắc các họa tiết hình khắc vạch, dạng hình thẳng song song đối xứng đều nhau. Phía đế lư hương là các họa tiết hình hoa, lá dây leo cách điệu. 
Trang trí họa tiết chạm khắc cổ mặt trước Lư hương.
Trang trí họa tiết chạm khắc cổ mặt trước Lư hương.

Theo ông Lê Bá Hạnh, nhà bảo tàng học thuộc Bảo tàng Hà Tĩnh, những họa tiết nêu trên là hình tượng điêu khắc mang mô típ nghệ thuật điển hình của các đền chùa thời Nguyễn. Chiếc lư hương cổ nói trên là hiện vật độc đáo có giá trị lịch sử và giá trị nghệ thuật cao, lần đầu tiên được phát hiện ở Hà Tĩnh, bổ sung vào bộ sưu tập các hiện vật cổ vốn rất phong phú trong hệ thống các di sản văn hóa ở Hà Tĩnh.

Đền Quan Tiên (xã Kỳ Tiến, h. Kỳ Anh), nơi lưu giữ chiếc lư hương cổ.
Đền Quan Tiên (xã Kỳ Tiến, h. Kỳ Anh), nơi lưu giữ chiếc lư hương cổ.

Cũng theo ông Hạnh, chiếc lư hương cổ nói trên là phần thưởng của triều đình nhà Nguyễn ban phát cho một vị quan người làng Thạch Mỹ, tổng Cấp Dẫn, nay thuộc địa phận làng Hoàng Diệu, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh thời, ông này là một viên quan ngự y nổi tiếng trong triều đình nhà Nguyễn, đã từng chữa khỏi bệnh cho vua Thành Thái (1889 - 1907), sau đó ông xin cáo quan về quê làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Ông nổi tiếng khắp vùng với biệt tài chữa khỏi nhiều bệnh hiểm nghèo bằng một loại cây thuốc mọc hoang theo tiếng địa phương gọi là cây Cuồng. Sau khi ông mất, người dân quý mến đã lập miếu thờ ông làm Thành hoàng. Một thời gian sau, triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong, cho nhân dân lập miếu thờ đặt tên là đền Quan Tiên.

Bá Hạnh - Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm