1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hà Nội:

Phát hiện hàng loạt sai phạm tại đền Ngọc Sơn

(Dân trí) - Quay vòng vé, lật ngược hòm công đức để moi tiền, làm mất cổ vật, ghi công đức sai quy định… là những vi phạm nghiêm trọng của một số cán bộ, nhân viên di tích đền Ngọc Sơn (Hà Nội) trong nhiều năm qua vừa bị tố cáo, phanh phui.

Đền Ngọc Sơn là di tích lịch sử cấp quốc gia được xây dựng trên Đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm từ thế kỷ 19, trong đền thờ thần Văn Xương và vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Đền Ngọc Sơn do Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tại đền thờ này đã xảy ra hàng loạt vi phạm của chính những cán bộ làm công tác quản lý và bảo vệ di tích.

Lật ngược hòm công đức để moi tiền

Theo tố cáo của ông Nguyễn Quang Hưng - nhân viên bảo vệ Đền Ngọc Sơn, trong nhiều năm qua, một số cán bộ, nhân viên làm việc tại đền Ngọc Sơn đã vi phạm các quy định, kỷ luật như: quay vòng vé vào tham quan di tích, để mất tiền công đức, lật ngược hòm công đức để moi tiền…

Năm 2005, ông Nguyễn Doãn Văn (Tổ trưởng phụ trách Tổ quản lý di tích Đền Ngọc Sơn) tự động điều chuyển công việc cho chị Nguyễn Thu Hiền (nhân viên thuyết minh) làm nhiệm vụ ngồi ghi công đức vào sổ kê tài sản của di tích để gây “quỹ đen” cho mình. (Theo quy định của Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội, tiền công đức tại Đền Ngọc Sơn được ghi nhận vào 1 quyển sổ duy nhất đề tên là Sổ ghi công đức - PV).
 
Phát hiện hàng loạt sai phạm tại đền Ngọc Sơn - 1
"Sổ ghi công đức" giả và biên bản nộp lại 2.460.000 đồng của ông Văn

Cụ thể: ông Văn và chị Hiền đã ghi nhận tiền công đức tu bổ tôn tạo di tích lịch sử Đền Ngọc Sơn của 118 lượt người vào sổ kê khai tài sản của di tích với các mức công đức từ 10.000 - 100.000 đồng/người để “bỏ túi” riêng. Qua đối chiếu danh sách kê khai, số tiền và xác nhận từ người công đức đã phát hiện tổng số tiền kiểm kê bị thiếu hụt là 2.460.000 đồng.

Ngoài phát hiện việc gây “quỹ đen” bằng tiền công đức của khách thập phương của ông Văn, ông Nguyễn Quang Hưng cho biết còn phát hiện ông Đặng Việt Tiến Thông (Tổ trưởng Tổ bảo vệ Đền Ngọc Sơn) nhiều lần lật ngược hòm công đức trong di tích để moi tiền.

 
Video lật ngược hòm công đức để moi tiền

Trao đổi với PV Dân trí về đoạn video trên, ông Nguyễn Doãn Tuân (Trưởng BQL Di tích Danh thắng Hà Nội) khẳng định: “Chúng tôi mở hòm công đức định kỳ hàng tháng (trừ những dịp lễ, tết thì tùy căn cứ vào số lượng tiền công đức trong hòm để mở - PV). Tuy nhiên, việc mở hòm công đức được tổ chức theo tổ, tổ này bao gồm nhiều thành phần như: đại diện của Sở, phòng, Ban, tổ dân phố…”.

Còn bà Nguyễn Thị Thủy (Trưởng phòng Nghiên cứu và Sưu tầm, Ban quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội) cho biết: “Hành vi móc tiền trong hòm công đức được thực hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm. Qua video chúng tôi xác nhận đối tượng này thực hiện nhiều lần”.

Liên tiếp mất cổ vật

Ngoài việc nhân viên di tích ngang nhiên rút ruột tiền công đức, những người có trách nhiệm bảo vệ, quản lý tại ngôi đền này còn để liên tiếp xảy ra các vụ mất cổ vật với những lí do rất “trời ơi”.

Ngày 11/6/2006, bộ Đài nước gồm 3 chiếc có số kiểm kê 269 - 271, chất liệu bằng đồng, niên đại từ thế kỷ 19 đột nhiên “biến mất” chiếc số 269 ở Ban thờ Sơn thần thổ địa. Ngày 25/8/2006, trong ca trực, ông Nguyễn Xuân Vinh (nhân viên bảo vệ) để thất lạc nắp Lư hương ở Ban thờ Sơn thần thổ địa; nắp cổ vật được xác định số kiểm kê 280, chất liệu bằng đồng, có niên đại từ thế kỷ 19.
 
Phát hiện hàng loạt sai phạm tại đền Ngọc Sơn - 2
Trong ảnh: Đài nước ở giữa là hiện vật thay thế

Theo tìm hiểu, việc quản lý và bảo vệ trong Nội tự di tích Đền Ngọc Sơn được chia làm 3 ca trực/ngày. Quy định giao ca bắt buộc các ca trực phải kiểm kê, xác nhận hiện vật trong Đền và báo cáo công việc cụ thể rồi mới bàn giao. Tuy nhiên, 2 lần cổ vật bị mất xảy ra trong một thời gian ngắn, điều trùng lặp trong cả 2 lần trên là thời điểm bị mất vào buổi trưa và đều liên quan đến thời điểm giao ca.

Trả lời PV Dân trí về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thủy (Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, BQL Di tích Danh thắng Hà Nội) thừa nhận: “Việc quản lý ở Đền Ngọc Sơn chưa chặt chẽ và phức tạp. Buổi trưa anh em hay nhờ nhau trực nên không xác định được là mất vào ca nào, cũng không có chứng cứ để nghi ngờ cho ai, nhưng chắc chắn người lấy cắp cổ vật đã có ý đồ từ trước… ”.

Để mất cổ vật, ông Vinh phải nhận hình thức kỷ luật là cảnh cáo trước Phòng, tiếp tục được công tác nhưng cắt thưởng, không xét nâng lương trong 1 năm và yêu cầu bồi hoàn về vật chất theo giá trị tài sản (thay thế 1 hiện vật đồng thời). Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tiếp nhận bồi hoàn hiện vật chỉ thông qua “văn bản miệng” mà không có văn bản xác định giá trị, không có biên bản tiếp nhận, bản thân cổ vật nhận bồi hoàn cũng không hề được các chuyên gia giám định giá trị cụ thể.
 
Phát hiện hàng loạt sai phạm tại đền Ngọc Sơn - 3
Nắp Lư hương được ông Vinh mua trên thị trường để bồi hoàn, nhưng chưa được chuyên gia giám định

Theo điều tra của PVDân trí, trước năm 2002, đền Ngọc Sơn cũng bị mất một món cổ vật giá trị. “Đó là 1 chiếc bình gốm niên đại thế kỷ 19. Lấy cắp cổ vật là 1 nhân viên làm việc tại di tích. Cổ vật này sau đó đã tìm thấy dưới hồ Hoàn Kiếm, còn người có hành vi lấy cắp đã bị điều chuyển công tác” - bà Thủy xác nhận.

Rõ ràng, công tác quản lý “lỏng lẻo” là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những sự vụ mất cổ vật ở đền Ngọc Sơn, thế nhưng cho đến nay việc quản lý tại đây vẫn chưa thực sự có sự chuyển biến tích cực hơn.

Sự việc nghiêm trọng, giải quyết chung chung

Đứng lên chống tiêu cực, ông Nguyễn Quang Hưng và gia đình đã nhiều lần bị đe dọa trả thù. Đặc biệt, ngày 14/1/2009, trên đường đi làm, khi đến cổng đền Ngọc Sơn, ông Hưng đã bị kẻ xấu dùng dao lam rạch vào má bên trái.

Ông Hưng cho biết: “Tôi đã phải đi xét nghiệm và dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV tại Bệnh viện Đống Đa. Tôi rất bất bình trước sự thờ ơ của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội sau tất cả những sự việc trên nhưng chưa một lần làm việc với tôi cũng như bảo vệ quyền lợi của người tố cáo tiêu cực theo pháp luật”.
 
Tìm câu trả lời về việc giải quyết dứt điểm những vi phạm theo pháp luật, PV Dân trí đã nhận được sự tránh né, bất hợp tác của các cơ quan liên quan.

Là đơn vị chủ quản trực tiếp tại Đền Ngọc Sơn, nhưng phải đến khi Dân trí gửi công văn làm việc về vấn đề này thì đến ngày 5/5/2009, ông Nguyễn Doãn Tuân -Trưởng BQL Di tích Danh thắng Hà Nội, mới ra Quyết định số 76/QĐ-BQLDT về việc xử lý kỷ luật đối với các ông/bà Nguyễn Doãn Văn, Nguyễn Thị Hiền với hình thức cảnh cáo; cảnh cáo và miễn nhiệm chức danh Tổ trưởng Tổ bảo vệ di tích Đền Ngọc Sơn với ông Đặng Việt Tiến Thông vì có hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan.

“Chúng tôi thừa nhận những sự việc xảy ra và nghi ngờ đối tượng vi phạm, nhưng đối tượng chính xác là ai thì chúng tôi chưa thể khẳng định, chúng tôi đang chờ kết luận của Công an quận Hoàn Kiếm…” - ông Tuân cho hay.
 
Phát hiện hàng loạt sai phạm tại đền Ngọc Sơn - 4
Kỷ luật với hình thức cảnh cáo và miễn nhiệm chức danh đối với các ông/bà: Văn, Hiền, Thông

Trả lời PV về công tác thanh tra ngành, Chánh thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: Những vi phạm tại đền Ngọc Sơn vượt quá thẩm quyền của Sở nên Sở đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an quận Hoàn Kiếm thụ lý giải quyết.

Tại cơ quan Công an quận Hoàn Kiếm, sau nhiều lần đến trụ sở và liên lạc qua điện thoại để đặt lịch làm việc nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được kết luận điều tra về đối tượng vi phạm (trong video) tại di tích đền Ngọc Sơn.

Chắc chắn rằng cách giải quyết chung chung đối với vi phạm nghiêm trọng tại đền Ngọc Sơn không phải là câu trả lời thỏa đáng. Hi vọng rằng các cơ quan chức năng sớm có kết luận chính xác và giải quyết dứt điểm vi phạm theo đúng pháp luật về vi phạm nhằm giữ gìn vẻ đẹp văn hóa tâm linh của di tích lịch sử đền Ngọc Sơn hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội..

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm