1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thừa Thiên - Huế:

Phát hiện di sản mốc giới quyền đánh cá thời vua Minh Mạng

(Dân trí) - Tin từ Chi cục Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản tỉnh TT-Huế cho biết, đã phát hiện mốc giới về quyền đánh cá khắc trên đá gần 200 năm tại Khu vực dự kiến xây dựng Khu Bảo vệ thủy sản Gành Lăng, Lộc Bình, huyện Phú Lộc.

Thông tin trên được Chi cục báo cáo gửi các cơ quan hữu quan của tỉnh TT-Huế mới đây. Di tích mốc giới khắc đá được Chi cục này phát hiện trong chuyến khảo sát thực địa mới đây.

Tại mốc giới này, hán tự được khắc chìm sâu trên đá tảng nửa chìm, nửa nổi trên mặt nước đầm phá. Sau gần hai trăm năm, mặt chính của mốc đá này vẫn còn khá rõ, còn mặt bên chữ gần như còn nguyên vẹn.

Mặt bên đọc là: Minh Mạng nguyên niên, ngũ nguyệt nhị thập bát nhật (Năm thứ nhất thời Vua Minh Mạng, ngày 28 tháng 5 _ Tương ứng tây lịch là: 08/7/1820). Mặt chính có các chữ đầu là: Phao Võng, Tăng Sà, Thủy Bạn, tam xã thủy diện… (có thể hiểu là 3 làng chài thủy cư Phao Võng, Tăng Sà, Thủy Bạn_tiếng Hán không có chữ làng, ở đây dùng chữ xã; các chữ bên dưới chưa đọc được).

Mặt trước Mốc Đá
Mặt trước Mốc Đá

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cho biết, qua đánh giá sơ bộ hiện trường, ý kiến của bô lão ngư dân địa phương, cũng như các thư tịch cỗ… bước đầu có thể khẳng định, đây là mốc giới “quyền đánh cá” của 3 làng chài tại Huế dưới thời Vua Minh Mạng.

3 làng gồm: Làng Phao Võng chuyên bủa lưới, làng Tăng Sà chuyên nghề rớ bè và Làng Thủy Bạn (chính là tên trước đây của Làng Thủy Tú, hiện là thôn Thủy Tú, xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà). Làng Thủy Tú có công với nhà Vua, nên Vua ban quyền cho vùng đánh cá rộng lớn. Địa danh đầm Thủy Tú hiện nay của huyện Phú Vang, nối từ vùng cửa Thuận An, đầm Sam - Chuồn đến đầm Cầu Hai, cũng do thời gian trước đây là vùng mặt nước thuộc chủ quyền của Làng Thủy Tú này.

Ông Bình cho rằng, phát hiện này rất quan trọng, thể hiện việc quản lý ngư trường đầm phá từ xa xưa đã được chú trọng. Chủ trương hiện nay của Tỉnh là phân vùng ngư trường cho các Chi hội Nghề cá để tự chủ quản lý, đồng thời góp phần cùng các cơ quan Nhà nước hữu quan quản lý ngày càng tốt hơn ngư trường, nguồn lợi thủy sản, môi trường thủy sinh. Vì suy cho cùng, đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà còn của cộng đồng ngư dân và đó chính là sinh kế lâu dài của ngư dân đầm phá. Đây có thể được hiểu là chính sách dựa vào dân để quản lý nghề cá quy mô nhỏ.

Mặt bên Mốc Đá
Mặt bên Mốc Đá

Đến nay, tổng diện tích bảo vệ nghiêm ngặt tại các Khu Bảo vệ Thủy sản (UBND tỉnh TT-Huế thành lập) là 222,7 hecta, chiếm hơn 1% tổng diện tích đầm phá. Có 5 thuyền kiểm ngư cộng đồng đã được hỗ trợ, hoặc cộng đồng ngư dân tự sắm để tham gia kiểm tra, giám sát cùng nhà nước. Có 22 Chi hội Nghề cá được UBND các huyện cấp 20 quyền khai thác thuỷ sản trong các thuỷ vực đầm phá cụ thể. Diện tích đầm phá được trao quyền lên gần 10.000 hecta, chiếm khoảng 45% đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Cùng với việc mở ra cơ chế có sự tham gia của ngư dân trong quản lý, bảo vệ… nguồn lợi thủy sản một vài năm gần đây có dấu hiệu phục hồi trở lại, rõ ràng nhất là rong câu và cá dìa, 2 loài đặc trưng phổ biến đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Dự kiến, Chi cục Khai thác & BVNL Thủy sản sẽ tiếp tục khảo sát thêm và trình các cơ quan chức năng có thể thành lập một bảo tàng nghề cá nhỏ tại đây, để kịp thời bảo vệ các mốc trên. Các mô hình ngư cụ truyền thống có thể được xây dựng, tôn tạo trong Phòng bao che hoặc dưới nước tự nhiên; khu cây ngập nước bản địa được phục vụ hồi tạo sinh cảnh… các sáng kiến được suy tính để có thể kết hợp, trở thành điểm tham quan du lịch, cải thiện sinh kế cộng đồng nghèo ở đây.

Đại Dương