TPHCM:
Phát hiện chất có thể gây ngộ độc cấp trong thịt heo
Chi cục Thú y TPHCM vừa phát hiện trong một số mẫu thịt heo bày bán có chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại VN và nhiều nước trên thế giới. Đó là Clenbuterol - độc chất nhằm giúp tăng trọng nhanh cho gia súc, đặc biệt nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Một đợt khảo sát rộng tại 6 quận - huyện trên địa bàn TPHCM do Chi cục Thú y TPHCM thực hiện, kết quả phân tích từ những mẫu thịt heo và phát hiện chất Clenbuterol khiến cho những người làm công tác chuyên môn giật mình.
Trong số gần 500 mẫu thịt heo đang bày bán tại các chợ, thịt ở một số lò vừa giết mổ xong, có gần 30% mẫu dương tính với Clenbuterol. Đáng lo là khi có kết quả xét nghiệm này thì toàn bộ số thịt heo trên đã được tiêu thụ hết.
Ngày 6/6, bác sĩ Huỳnh Hữu Thọ, Trưởng trạm Chẩn đoán xét nghiệm - điều trị thuộc Chi cục Thú y TPHCM cho biết: Việc sử dụng chất Dexa để tăng trọng cho gia súc là… xưa rồi. Dexa có tác dụng giữ nước, tăng cân nhanh và thu lợi nhuận cao, nhưng Clenbuterol còn có những tác dụng “gây sốc” hơn.
Cũng là một dạng bột, nhưng sau khi trộn vào thức ăn, chỉ trong thời gian ngắn là heo tăng cân, đặc biệt là thịt rất ít mỡ. Ngoài thị trường, khi nhìn thấy khối thịt heo có lớp nạc sát da, người tiêu dùng nào mà chẳng thích.
Chất Clenbuterol được người chăn nuôi sử dụng cách khoảng 21 ngày trước khi xuất chuồng bán. Đây là chất cực mạnh, có tác dụng nhanh, với 1 kg Clenbuterol có thể trộn với 1 tấn thức ăn gia súc.
Nếu như trước đây nuôi một con heo 5 tháng mới được 1 tạ, nay với Clenbuterol chỉ cần chưa đầy 3 tháng là heo đã đủ tạ. Một trang trại nuôi vài trăm con heo, có sử dụng Clenbuterol trong thức ăn, thì lợi nhuận tăng rất nhanh. Nhưng hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là rất nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Thọ, Clenbuterol nguy hiểm hơn Dexa, có chức năng gây đột biến tế bào. Dư lượng Clenbuterol trong thịt gia súc có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như biến chứng ung thư, ngộ độc cấp: run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng.
Sau khi phát hiện có dư lượng Clenbuterol trong sản phẩm thịt gia súc, Chi cục Thú y TPHCM đang triển khai đợt kiểm tra trên diện rộng, từ thịt bày bán ở các chợ, đến điểm kinh doanh - chế biến thức ăn gia súc. Chi cục Thú y TPHCM sẵn sàng phối hợp với ngành thú y các tỉnh thành lân cận kiểm tra các độc chất, hạn chế tối đa sản phẩm gia súc và nguồn thức ăn chăn nuôi không an toàn đưa về TPHCM tiêu thụ.
Một cán bộ thú y cho biết, nhằm tránh sự chú ý của đoàn kiểm tra trên khối thịt heo, người chăn nuôi lén sử dụng song song cùng lúc 2 chất Dexa và Clenbuterol. Điều này vừa tăng đáng kể lượng nạc, nhưng cũng có một khối mỡ nhất định. Tuy nhiên, dư lượng và tác hại cùng lúc của 2 chất này trên cơ thể người như thế nào thì… còn chờ nghiên cứu.
Về mặt cảm quan rất khó nhận biết được sản phẩm thịt có chất Clenbuterol. Trong phòng thí nghiệm, Clenbuterol có thể nhận diện được bằng phương pháp hấp thụ miễn dịch hoặc phương pháp sắc ký khí.
Trong nhiều thập kỷ qua, trên thế giới đã có nhiều báo cáo về tình hình ngộ độc Clenbuterol xảy ra trên người. Năm 1990, tại Tây Ban Nha, người ta nghi ngờ vì ăn phải gan bò bị nhiễm độc làm 135 người nhập viện. Năm 1988, châu Âu cấm sử dụng Clenbuterol, Mỹ cấm năm 1991. Tại VN, năm 2002, Bộ NN&PTNT ra quyết định cấm sử dụng Clenbuterol trong chăn nuôi. |
Theo Ngọc Trước
Sài Gòn Giải Phóng