1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phát hiện chấn động tại Phong Nha - Kẻ Bàng

Một rừng bách xanh quý hiếm ở độ cao 800m, lan hài - một giống hoa tưởng như đã tuyệt chủng bỗng được tìm thấy... Người ta kỳ vọng với những phát hiện mới, Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ trở thành ngôi nhà chung lưu giữ những gì mà nhân loại ngỡ là đã biến mất.

Cán bộ Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Cứu hộ động vật hoang dã (TTNC) của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB), cho biết: Trong một thời gian rất ngắn, ở đây liên tiếp phát hiện ra những bí mật của thế giới động, thực vật, gây sốc cho giới nghiên cứu.

 

Rừng bách xanh núi đá ở độ cao 800m

 

Ông Nguyễn Tấn Hiệp - Giám đốc Vườn PN-KB đã có hơn 2 tháng trời cùng các cán bộ của TTNC và GS.TS V. Averyanov Leonis - Chuyên gia hàng đầu về thực vật của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga - rong ruổi khắp các cánh rừng.

 

Điều ông coi là phát hiện có ý nghĩa nhất là việc tìm ra quần thể bách xanh núi đá lớn chưa từng thấy từ trước đến nay. Ông cho rằng đó là một phát hiện có ý nghĩa toàn cầu. Bởi hiện trên thế giới chỉ có 3 loài bách xanh đã được nhận diện. Việt Nam hiện có một vài cá thể bách xanh núi đất rải rác ở một số tỉnh phía Bắc, nhưng chưa nơi nào có quần thể bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) rộng lớn như thế này. Đây là  loài thứ 4, đặc hữu, chỉ có ở PN-KB (?)

 

Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, bách xanh được phân bổ trên đỉnh núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng, kéo dài từ km27 - km40 của đường 20, ước diện tích khoảng trên 5.000 ha. Xét về mặt đông đặc, thì có khoảng 2500 ha với mật độ 600 cây/ha. Các cây bách xanh ở đây có tuổi từ 500 - 600 năm.

 

Cũng theo ông Leonis, việc bảo tồn cấp thiết, có hiệu quả quần thể này là mục tiêu có tính ưu tiên cao nhất trong chiến lược bảo tồn của VN. Loài bách xanh núi đá độc đáo này cần được đưa vào sách đỏ của VN, bởi đây là loài đang có nguy cơ bị tiêu diệt trên phạm vi toàn cầu.

 

Lan hài tái xuất

 

Lan hài là một phân loài đặc biệt của họ lan. Khi nở, hoa có một cánh ở giữa, hình như chiếc hài công chúa, đẹp lộng lẫy và quý phái. Đã từ lâu, lan hài được coi như một thứ “quốc bảo”.

 

Lan hài không những có giá trị lớn về khoa học, thẩm mỹ mà còn có giá trị kinh tế cao. Mỗi khi địa chỉ của lan hài bị phát hiện, lập tức chúng bị các thương lái săn lùng ráo riết và khai thác triệt để cho đến khi không còn mầm mống.

 

 

Phát hiện chấn động tại Phong Nha - Kẻ Bàng - 1
 

Lan hài ở Phong Nha -Kẻ Bàng

Ông Cao Xuân Chính - Phó GĐ Vườn PN- KB - cho biết: Lần đầu tiên, năm 1922, ở VN, lan hài được phát hiện ở vùng rừng gần Nha Trang. Nó lập tức được mang về Pháp trồng thử. Một cuộc săn lùng ráo riết diễn ra ở Khánh Hòa và bỗng dưng lan hài biến mất. Dân chơi lan cho rằng nó đã bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Họ chỉ còn biết nuối tiếc và lưu giữ hình bóng lan hài trong ký ức mà thôi…

 

Không hiểu sao, năm 1992, nghĩa là 70 năm sau, dân chơi lan hài bỗng thấy nó xuất hiện trên thị trường nhiều nước ở cả châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Vậy ngoài tự nhiên lan hài đã mất hẳn? Nhiều người tin như vậy, nhưng ông Leonis thì không cho là như thế. Ông và các cộng sự của mình lại rong ruổi trên những cánh rừng VN và năm 1996 ông đã phát hiện thấy lan hài đang “ngụ” cheo leo trên vách đá Hòn Giao, cách Nha Trang chừng 50 km.

 

Sau đó ít lâu người ta lại phát hiện lan hài có mặt ở vùng núi Cao Bằng. Những nhà nghiên cứu đã bảo vệ nó bằng cách không công bố địa điểm phân bổ, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau đó giới buôn lan chuyên nghiệp đã dò tìm ra địa điểm và lan hài lại một lần nữa biến mất khỏi Cao Bằng…

 

Cũng 10 năm nay không thấy lan hài xuất hiện trên thị trường. IUCN (Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới) năm 1996, đã xếp lan hài là loài đang đứng trước nguy cơ diệt vong rất cao (tuyệt chủng trong tương lai gần).

 

Ông Leonis và các cộng sự đã tìm thấy lan hài ở giữa rừng PN-KB. Không chỉ một loài lan hài chung chung mà có đến 3 loài: lan hài xanh (Paphiopedilum malipoense), lan hài xoắn (Paphiopedilum dianthum), lan hài đốm (Paphiopedilum concolor)…

 

Ông Nguyễn Tấn Hiệp coi việc phát hiện ra loài lan hài ở khu Vườn Quốc gia nơi ông làm Giám đốc là niềm kiêu hãnh của Di sản TNTG với toàn cầu.

 

Ông Leonis gợi ý, nên đẩy nhanh việc nghiên cứu, thử nghiệm từ hạt, chồi, gen để nhân giống loài lan này với số lượng lớn để bán ra thị trường. Khi làm được điều đó thì việc lén lút khai thác trái phép loài lan này trong tự nhiên sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa.

 

Dự án nhân giống lan hài đã cho những tín hiệu khả quan. Trung tâm đã tách 11 mẫu con từ 9 mẫu gốc hài xanh; 1 mẫu con từ 1 mẫu gốc hài xoăn; 10 mẫu con từ 6 mẫu gốc hài đốm. Đến thời điểm này các mẫu con đang sinh trưởng và phát triển bình thường…

 

Theo Minh Toản
Tiền phong