1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phạt cơ quan quản lý để xuất hiện “bẫy” trên đường

(Dân trí) - Theo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cơ quan được giao quản lý, bảo trì đường bộ để xuất hiện những cái “bẫy” trên đường sẽ bị xử phạt.

Xuất hiện “ổ gà”, ngập nước sau mưa là phạt

Cuối năm 2012, Dân trí từng phản ánh một hố sâu xuất hiện trên đường An Dương Vương (giáp ranh giữa quận 8 và quận Bình Tân của TPHCM). Tại vị trí hố sâu này còn bị ngập nước nên đường rất khó đi, nhiều người dân điều khiển xe đã bị té ngã khi lọt vào hố sâu này. Điều đáng nói là hố sâu tồn tại thời gian dài nhưng cơ quan có trách nhiệm quản lý đường lại không hề hay biết, không khắc phục. Đến nỗi người dân phải đem ghế đá ra đặt ngay giữa đường để cảnh báo người đi đường.

Đây là tình trạng không hiếm diễn ra trên khắp TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Chính sự quản lý thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng tạo nên những cái “bẫy trên đường”, gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho người đi đường.

Do đó, trong dự thảo này, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung thêm quy định xử phạt đối với tổ chức được giao quản lý, bảo trì công trình đường bộ để xảy ra những tình trạng như trên. Cụ thể, tại khoản 3 điều 15 của dự thảo Nghị định mới này quy định xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Nếu để xảy ra tình trạng này, cơ quan quản lý đường sẽ bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng
Nếu để xảy ra tình trạng này, cơ quan quản lý đường sẽ bị phạt từ 1 – 3 triệu đồng

Cụ thể, tổ chức được giao quản lý, bảo trì công trình đường bộ nhưng không kịp thời khơi thông nước, gây đọng nước trên đường sau khi mưa; Không vá ổ gà, đắp bù phụ mép đường để mép đường nhựa sâu trên 15 cm so với mặt đường gây mất an toàn giao thông thì sẽ bị xử phạt với mức phạt trên.

Tổ chức được giao quản lý, bảo trì công trình đường bộ nhưng không cắm cột thủy trí và có biện pháp ngăn chặn phương tiện qua những đoạn đường (do tổ chức này quản lý) bị ngập nước sâu trên 0,5 mét thì cũng sẽ bị xử phạt ở mức 1 – 3 triệu đồng.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định mới này cũng giữ quy định phạt 1 – 3 triệu đồng hiện hành đối với tổ chức được giao quản lý, bảo trì công trình đường bộ nhưng không bổ sung kịp thời các biển báo hiệu nguy hiểm đã bị mất tại các đoạn đường quanh co, nguy hiểm; Không phát hiện, báo cáo kịp thời các hành vi lấn chiếm, sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ trái phép.

Kiểm định gian dối cũng phạt

Trong các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đường bộ thì nguyên nhân do phương tiện không đảm bảo kỹ thuật không ngừng giảm mạnh trong 10 năm qua. Tuy nhiên, nguyên nhân này vẫn chiếm gần 1% tổng số các vụ tai nạn dù các xe ô tô tham gia giao thông đều phải đăng kiểm định kỳ. Điều này chứng tỏ công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục.

Ngoài ra, những năm gần đây xuất hiện hàng trăm vụ cháy xe mà khi đăng kiểm định kỳ, nhân viên kiểm định không phát hiện trước được nguy cơ. Nhiều phương tiện thông tin đại chúng cũng từng phản ánh tình trạng nhân viên đăng kiểm móc nối với lái xe để cho qua dù phương tiện không đạt yêu cầu kỹ thuật. Do đó, nâng cao chất lượng đăng kiểm phương tiện giao thông là yêu cầu quan trọng của ngành giao thông vận tải.

Trong dự thảo Nghị định mới này, Bộ GTVT cũng bổ sung, sửa đổi nhiều quy định xử phạt các hành vi vi phạm của nhân viên đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm trong hoạt động chuyên môn.

Cụ thể, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ sẽ bị phạt từ 300 – 500 ngàn đồng nếu vi phạm một trong các hành vi sau: Sách nhiễu, cố ý làm sai lệch kết quả kiểm định; Không thực hiện đầy đủ công việc được giao, không tuân thủ đúng quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định; Không thực hiện đúng quy định về quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp khi tiếp xúc với khách hàng; Tính và thu phí, lệ phí kiểm định không đúng quy định.

Trung tâm đăng kiểm cũng bị phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi sau: Không thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát quá trình kiểm định, kết quả kiểm định theo quy định; Không thực hiện kiểm định theo quy định hoặc thực hiện kiểm định không đúng thẩm quyền được giao; Sử dụng đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ không có đủ điều kiện theo quy định; Không công khai các thủ tục, quy trình kiểm định tại trụ sở đơn vị theo quy định…

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động cho đến khi khắc phục xong vi phạm.

Dự thảo này đang được Bộ GTVT lấy ý kiến đóng góp (thông qua Vụ ATGT). Địa chỉ nhận ý kiến đóng góp: 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Email:tunght@mt.gov.vn. Dự kiến dự thảo sẽ sớm trình Chính phủ thông qua để kịp ban hành và thực hiện từ ngày 1/7/2013.


Tùng Nguyên