Kiên Giang:
Phản đối việc Thái Lan xả súng vào tàu cá Việt Nam
(Dân trí) - Trong buổi gặp, làm việc với đoàn công tác Bộ ngoại giao Thái Lan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn thẳng thắn, mạnh mẽ phản đối hành động nổ súng của lực lượng vũ trang Thái Lan vào tàu cá ngư dân Việt Nam làm 1 người chết, 2 người bị thương.
Chiều ngày 24/9, ông Tanee Sangrat – Phó Vụ trưởng Vụ Đông Á, Bộ Ngoại giao Thái Lan và bà Panpimon Suwannapongse – Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TPHCM dẫn đoàn công tác Thái Lan đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về việc ngư dân hai nước đánh bắt thủy sản trên vùng biển chồng lấn.
Ông Tanee Sangrat cho rằng, vừa qua Chính phủ hai nước đã ký kết bản ghi nhớ nâng cao quan hệ hợp tác của hai nước lên tầm chiến lược. Do vậy, những vụ việc vừa qua sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác của hai nước trong thời gian tới. Chính phủ Thái Lan rất quan tâm vấn đề này.
Theo ông Tanee Sangrat, đây cũng là lí do chính đoàn công tác đến tỉnh Kiên Giang để trao đổi thêm về việc ngư dân hai nước đánh bắt thủy sản trái phép; Những qui định pháp luật của hai nước về việc khai thác thủy sản và trao đổi kinh nghiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản giữa hai nước.
Cuộc làm việc giữa đại diện Bộ Ngoại giao Thái Lan và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang - Việt Nam.
Nói về việc ngư dân Kiên Giang vượt hải phận Việt Nam đánh bắt trên vùng biển Thái Lan, ông Tanee Sangrat nêu câu hỏi, nguyên nhân việc này là do nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam cạn kiệt; đời sống ngư dân còn khó khăn hay có thể do hiểu biết pháp luật về qui định khai thác thủy sản của ngư dân còn hạn chế hay do pháp luật của Thái Lan quy định xử phạt với lỗi vi phạm này còn nhẹ?
Ông Tanee Sangrat – Phó Vụ trưởng vụ Đông Á, Bộ Ngoại giao Thái Lan thông tin, Chính phủ Thái Lan gửi lời chia buồn đến các ngư dân bị nạn và có chỉ đạo các cơ quan điều tra làm rõ vụ việc.
Đồng quan điểm với ông Tanee Sangrat, tuy nhiên ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ tại buổi làm việc: “Chúng tôi đồng ý với ngài Vụ phó Vụ Đông Á về các lí do ngư dân Kiên Giang tham gia đánh bắt trái phép trên vùng biển Thái Lan. Nhưng tất cả vấn đề chúng ta có thể xử lí theo pháp luật của hai nước và pháp luật quốc tế. Một lần nữa chúng tôi phản đối hành động nổ súng vào 6 tàu cá Việt Nam của lực lượng vũ trang Thái Lan vào hôm 11/9, làm 1 thuyền trưởng chết và hai người khác bị thương".
"Thông qua đoàn công tác, chúng tôi đề nghị Bộ ngoại giao Thái Lan chuyển đến Chính Phủ Thái Lan yêu cầu điều tra làm rõ về vụ việc và có trách nhiệm bồi thường cho gia đình ngư dân thiệt mạng và ngư dân bị thương” - Phó Chủ tịch Kiên Giang nói.
Ghi nhận yêu cầu của Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, ông Tanee Sangrat trao đổi, Chính phủ Thái Lan lấy làm tiếc về sự việc vừa qua và gửi lời chia buồn đến các gia đình ngư dân Việt Nam thiệt hại. Hiện Chính phủ Thái Lan đã chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ án và sẽ sớm có báo cáo.
Chia sẻ về những giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hai bên trao đổi nhiều kinh nghiệm hữu ích trong công tác này. Phía Thái Lan, cho biết cách đây 37 năm họ đã áp dụng biện pháp tái tạo rạng san hô nhân tạo để tạo môi trường cho cá sinh sản; tạo ngân hàng giống; hệ thống “nhà kính” bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích đánh bắt xa bờ…
Phía tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, nhiều năm qua Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thủy sản (cấp trung ương), cấp tỉnh có tổ công tác… Riêng tại tỉnh Kiên Giang ngoài công tác tuyên truyền thì tỉnh có qui định từ bờ ra 3 hải lý cấm đánh bắt thủy sản; hạn chế tàu công suất nhỏ và tiến tới không cấp phép loại tàu này.
Ngoài ra, Kiên Giang thành lập được khu bảo tồn sinh vật biển ở đảo Phú Quốc qui mô trên 2.000 ha, bảo vệ bò biển và san hô…
Trong buổi gặp gỡ này, nhiều người bất ngờ trước việc phía Thái Lan chỉ tập trung trình chiếu, giới thiệu cách bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng video clip mà ít quan tâm đến vụ việc nghiêm trọng gây ra với ngư dân Việt Nam.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại cuộc họp, phía Kiên Giang có đại diện Sở ngoại giao, Sở nông nghiệp, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hội Nghề cá… Bên phía Thái Lan có đại diện Bộ ngoại giao, Tổng lãnh dự quán Thái Lan ở TP Hồ Chí Minh, Vụ thủy sản, Cảnh sát biển… Tuy nhiên trong buổi gặp gỡ, ngoài ý kiến hai trưởng đoàn, các đơn vị liên quan đến vụ 03 cặp tàu cá Kiên Giang bị Cảnh sát biển Thái Lan xả súng, không ai được nêu ý kiến thêm về vụ việc mà dư luận đặc biệt quan tâm.
Kết thúc buổi gặp gỡ, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đề nghị, trong thời gian tới hai bên cần phối hợp tốt hơn nữa trong công tác ngăn chặn ngư dân đánh bắt trái phép để tránh những vụ việc tương tự xảy ra. Phía Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm bằng lời nói và cả video clip về kinh nghiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang mong Thái Lan tạo điều kiện để đoàn Kiên Giang sang học tập kinh nghiệm.
Trước đó, khi hay tin Thái Lan thừa nhận lực lượng nổ súng là Cảnh sát biển Thái Lan và phía lực lượng này cho rằng họ nổ súng là để tự vệ, trao đổi với PV Dân trí Đại tá Phạm Văn Sáng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Mọi vấn đề chúng ta đã có pháp luật của đất nước và pháp luật quốc tế để giải quyết. Chúng tôi phản đối hành động xả súng của lực lượng vũ trang Thái Lan vào tàu cá ngư dân Kiên Giang".
Nguyễn Hành