Phân định khu vực quân sự và dân dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất
(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Quốc phòng vừa họp bàn phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM để có thể triển khai khẩn trương các dự án mở rộng, nâng cấp cảng hàng không này lên mức 43-45 triệu khách/năm.
Vào trung tuần tháng 2/2017, Bộ Quốc phòng đã ký kết biên bản bàn giao 21ha sân đỗ quân sự tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho Bộ GTVT để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không, nhằm phát triển GTVT hàng không dân dụng.
Trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có 50 vị trí đỗ máy bay, trong khi nhu cầu dân dụng cần đến khoảng 80 vị trí, tình hình sân bay đang quá tải đang diễn ra từ nhà ga đến đường lăn, sân đỗ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bay, nhất là vào thời gian cao điểm lễ, Tết. Bộ GTVT cho biết sẽ gấp rút triển khai xây đường lăn, sân đỗ trên phạm vi 21ha đất mà Bộ Quốc phòng đã bàn giao và hoàn thành trước Tết 2018.
Tại cuộc họp ngày 4/4, đơn vị tư vấn là Công ty Tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC thuộc Quân chủng Phòng không không quân đã đưa ra các phương án quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm thống nhất được phương án tối ưu, đáp ứng yêu cầu nâng công suất của cảng lên mức 43-45 triệu khách/năm, đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh hàng không, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về quốc phòng và an ninh quốc gia.
Với các phương án bàn thảo, Bộ GTVT nhấn mạnh quan điểm về sự cần thiết lựa chọn phương án cần phân định tách bạch các khu vực quân sự và dân dụng, để khu vực quân sự độc lập. Theo GTVT, việc phân định này vừa đảm bảo về an ninh vừa thuận tiện trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cũng khẳng định Bộ Quốc phòng sẵn sàng tạo mọi điều kiện để triển khai các dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển GTVT hàng không dân dụng.
Trên thực tế, sân bay Tân Sơn Nhất đang khai thác lưỡng dụng giữa quân sự và dân dụng, vừa thực hiện bay huấn luyện và khai thác thương mại. Nhà chức trách hàng không cho biết, bình thường khi có hoạt động quân sự thì mọi hoạt động thương mại phải tạm dừng. Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm máy bay quân sự huấn luyện, các hoạt động bay dân dụng phải ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng, điều này có tác động rất lớn tới lịch trình khai thác, điều hành bay dân dụng.
Cuối buổi họp, Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng đã thống nhất phương án điều chỉnh quy hoạch theo hướng phân định rõ, độc lập các khu vực phục vụ quốc phòng và khu vực mở rộng, khai thác dân dụng sân bay Tân Sơn Nhất, bao gồm xây dựng nhà ga, khu sân đỗ, khu bảo dưỡng máy bay…
Bộ GTVT khẳng định, trước mắt, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ triển khai xây dựng nhà ga T4 là nhà ga dân dụng, nhằm giải quyết yêu cầu cấp bách nâng công suất cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách ngày càng cao.
Hai Bộ cũng thống nhất phương án và nguồn kinh phí hỗ trợ việc di chuyển, bố trí lại các đơn vị, thiết bị quân sự để triển khai thực hiện các dự án hạ tầng hàng không; thiết kế hệ thống giao thông hiệu quả, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay…
Được biết, năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đón hơn 32 triệu lượt khách trong khi công suất thiết kế là 25 triệu lượt hành khách thông quan. Dự kiến, năm 2017 sẽ có trên 35 triệu lượt hành khách qua cảng hàng không này.
Châu Như Quỳnh