1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phận đàn bà mưu sinh trên bãi đá

(Dân trí) - Chuyện những người phụ nữ kiếm sống bằng nghề cửu vạn đá, tôi thu lượm được từ bãi đá Rú Mượu (Hưng Đạo, Hưng Nguyên, Nghệ An). Đó là những câu chuyện buồn, gắn với những phận nghèo, trong đó có người đã vì đá mà mất mạng, hay “may mắn” hơn thì sống đời tàn phế…

Cách đây gần một năm, tại mỏ đá Rú Mượu luôn luôn có sự tồn tại của hơn 10 doanh nghiệp và hàng nghìn người dân tập trung khai thác đá. Sau khi UBND tỉnh Nghệ An đình chỉ khai thác đá, nơi đây lại sắp trở thành “địa bàn” của một doanh nghiệp phía Nam. Tranh thủ thời điểm giải phóng mặt bằng, hàng trăm người dân quanh vùng lại được dịp “hôi” đá, tạo nên cảnh vô cùng nhốn nháo, nguy hiểm ở đây.

 

Khủng khiếp “công trường” đá!

 

Từ quốc lộ 46, đoạn qua địa bàn xã Hưng Đạo vào đến trung tâm bãi đá khoảng 3-400 m. Con đường oằn mình nát bét, ổ voi, ổ gà nhầy nhụa nhưng hàng ngày luôn náo nhiệt bởi hàng chục xe tải loại nhỏ, công nông ra vào chở đá.

 

“Công trường” đá lúc nào cũng inh tai nhức óc với đủ các loại máy khoan, máy xúc hoạt động hết công suất. Khắp nơi bao phủ một thứ bụi trắng mờ: bột đá. Chốc chốc, những chiếc xe tải lại chậm chạp “bò” vào bãi “ăn” đá. Hàng chục phụ nữ bịt kín mặt mũi, chỉ hở đôi mắt, lầm lũi chọn đá.

 

Đồ nghề của họ là một chiếc rổ nhỏ và chiếc đòn vét ngắn tay. Công việc là lật, bới giữa những tảng đá to để chọn ra những viên đá to chừng quả trứng, cho đầy rổ rồi hất lên xe. Cả một ngày, công việc của họ chỉ có thế, hùng hục làm trong một môi trường lao động khủng khiếp.

 

Xe đầy đá là rời bãi. Tốp người, phần lớn là phụ nữ, ngơi tay đôi phút, chờ xe sau đến lại cắm cúi, lầm lũi nhặt đá. Họ làm việc dưới chân núi đá. Chênh vênh phía trên là người thợ khoan đá vắt vẻo trên mỏm núi, được “bảo hiểm” bằng một sợi dây thừng có đường kính to bằng ngón tay cái, chằng chéo từ mặt đất lên đến mỏm núi. Thi thoảng, vài viên đá bị động lăn lông lốc xuống đám cửu vạn phía dưới.

 

Những người đàn bà mưu sinh trên đá

 

Trong tốp cửu vạn đang ngồi chờ xe chở đá đến, tôi gặp chị Nguyễn Thị Xuân (45 tuổi, ở xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên). Chị tâm sự: “Tôi mần nghề cửu vạn này cũng được gần 15 năm rồi. Cực lắm chú ạ. Công việc chủ yếu là bốc đá thôi nhưng phần lớn cửu vạn là phận nữ. Nhiều bữa bốc đá, tay bật máu mà vẫn phải làm. Ở đây tai nạn là chuyện như cơm bữa. Nặng thì thiệt mạng, nhẹ thì tàn phế…”.

 

Nhưng chị lại tự động viên: “Lo mần chi chú, con người ta có số cả. Đồ nghề ban đầu sắm cũng mất khoảng 50 ngàn thôi. Ngoài ra cần sức khoẻ. Vậy là đủ!”.

 

Không biết tự lúc nào, ở “công trường” đá hiểm nguy này đã hình thành một nhóm cửu vạn, ngày ngày, trong bộ trang phục kín mít, với chiếc rổ và thanh đòn vét, tới đây mưu sinh. Lao động hầu hết đều là người huyện Hưng Nguyên, trú nhiều xã khác nhau.

 

Thời bãi đá hưng thịnh, hàng chục doanh nghiệp khai thác đá mỗi ngày, lượng cửu vạn ở đây có khi lên tới 4-5 trăm người. Cửu vạn bốc đá có đến 70% là phụ nữ, độ tuổi trung bình từ 35-45. Họ chia thành nhiều tốp nhỏ, từ 10-20 người, đứng rải rác dọc quốc lộ 46, cứ thấy xe tải vào “ăn” đá là chạy ùa ra xin việc. Chỉ cần tài xế gật đầu là họ ùa lên, theo xe vào bãi đá.

 

Chị Xuân cho biết, công việc của họ là chất đầy đá lên xe. Tuỳ thuộc xe lớn, xe nhỏ, đá dăm, đá hộc mà tính thành tiền. Mỗi ngày làm việc cật lực, họ chất được chừng 5-7 xe, mỗi xe được 5-6.000 đồng. Như vậy, công việc hiểm nguy và vất vả này cho thu nhập khoảng 20-25 ngàn đồng/ngày.

 

Chị Xuân còn hứa kể cho tôi nghe những câu chuyện về cái nghề hiểm nguy này, về những đống đá bí ẩn, được xếp vội bên đường để tưởng niệm những linh hồn đã chết vì đá…

 

Đặng Nguyên Nghĩa

 

Bài 2: Những câu chuyện buồn từ đá