DMagazine

Phần chìm của "tảng băng" Covid-19 tại TPHCM

(Dân trí) - Số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng đang như phần nổi của tảng băng. Cộng đồng cần giúp nhà quản lý kiểm soát được dịch, vét hết số ca bệnh.

Phần chìm của "tảng băng" Covid-19 tại TPHCM

Số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng đang như phần nổi của tảng băng. Cộng đồng cần ý thức được điều này và tuân thủ các quy định, qua đó giúp nhà quản lý kiểm soát được dịch, vét hết số ca bệnh như phần đang bị chìm của tảng băng trong cộng đồng.

"Ngành y tế cần tiếp tục nghiên cứu, thay đổi chiến thuật để vét F0, ngăn chặn đà lây lan, bùng phát dịch Covid-19", bác sĩ Trương Hữu Khanh (Chuyên gia dịch tễ về các bệnh truyền nhiễm, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM), bày tỏ ý kiến trong cuộc trả lời phỏng vấn Dân trí.

- Đợt giãn cách xã hội vừa qua tại TPHCM không mang lại kết quả như mong đợi, số ca nhiễm mới và F0 đều tăng cao, theo ông đâu là lý do?

Đợt giãn cách xã hội vừa qua chúng ta tập trung chính vào các khu vực bị phong tỏa, đồng thời nghĩ rằng những bệnh viện lớn có thể chặn, lọc bệnh nhân có triệu chứng ngay tại cổng, qua đó phòng ngừa dịch tấn công vào những nơi này. Nhưng thực tế lại cho thấy, dịch vẫn tấn công bệnh viện, các ca bệnh vẫn lang thang ngoài cộng đồng.

Phần chìm của tảng băng Covid-19 tại TPHCM - 1

Cán bộ Phòng Hóa của Quân khu 7 cùng 6 xe đặc chủng tiến hành phun xịt, khử khuẩn toàn bộ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM chiều 13/6, sau khi phát hiện 53 nhân viên  nhiễm SARS-CoV-2.

Trong vòng 2 tuần qua, những trường hợp có thể là F0 ngoài cộng đồng rất khó tiếp cận với nơi có thể thực hiện và trả lời cho họ các xét nghiệm nhanh. Nếu phải mất 6 giờ đồng hồ để biết kết quả, thời gian này F0 sẽ di chuyển, tiếp xúc với nhiều người. Chờ đến khi tới các bệnh viện lớn và được phát hiện, có thể ca F0 đã lây bệnh nhiều chu kỳ ngoài cộng đồng.

Tôi cho rằng một số bên liên quan đang có tâm lý hoàn toàn dựa vào y tế công lập, không dám giao trách nhiệm cho y tế tư nhân. Trên thực tế, hệ thống y tế tư nhân tại TPHCM rất mạnh, cần loại bỏ suy nghĩ y tế tư nhân tham gia chống dịch để kiếm thêm tiền vì làm giá mắc hơn, hay ẩu hơn công lập. Điều đó là không đúng.

Y tế tư nhân hiện nay đang mong muốn tham gia vào cuộc chiến chống Covid-19 vì hiểu rằng chỉ có hết dịch họ mới phát triển được.

Phần chìm của tảng băng Covid-19 tại TPHCM - 2

Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Chuyên gia dịch tễ về các bệnh truyền nhiễm, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM).

-Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM hiện nay? Trong đợt giãn cách xã hội 14 ngày tiếp theo, những nguy cơ nào đáng lo ngại?

Số ca mắc Covid-19 được phát hiện trong cộng đồng đang như phần nổi của tảng băng. Cộng đồng cần ý thức được điều này và tuân thủ các quy định, qua đó giúp nhà quản lý kiểm soát được dịch, vét hết số ca bệnh như phần đang bị chìm của tảng băng trong cộng đồng.

Theo tôi, ngành y tế cần tiếp tục có nghiên cứu, thay đổi, bổ sung chiến thuật vét F0 để chặn đứng đà lây lan, bùng phát dịch Covid-19.

Cụ thể, với tình hình như hiện nay tại TPHCM, nếu cho rằng kiểm soát được dịch bằng việc đẩy nhanh xét nghiệm PCR là sai. Máy móc phục vụ xét nghiệm, nhân sự tham gia gần như đã huy động tối đa, có tăng thêm cũng không đáng kể, không giải quyết được hàng chục nghìn mẫu xét nghiệm đang ứ đọng.

Trong tương lai, có thể F1 sẽ nhiều hơn nếu tiếp tục giữ chiến thuật sử dụng xét nghiệm PCR để làm nhanh hơn, kiểm soát dịch…

Cần phải đưa test nhanh vào, sử dụng đúng mục đích và mở rộng để tham gia vào cuộc chiến khoanh vùng dịch sớm nhất có thể, tìm cho bằng được F0 đang lang thang ngoài cộng đồng.

Bên cạnh đó, phải giải quyết cho bằng được việc xét nghiệm sớm nhất các trường hợp tiếp xúc F1. Số ca bệnh tăng thêm ngoài cộng đồng hiện nay chỉ có F0 lang thang, số ca mới phát hiện trong khu cách ly có thể là do mình làm xét nghiệm F1 chậm. Đây là rủi ro rất lớn vì F1 đã cách ly phát hiện dương tính chậm, thì F2 ngoài cộng đồng đã trở thành F0 nhưng không được phát hiện sớm. Thực trạng này đã xảy ra trong công tác phòng chống dịch ở lần giãn cách xã hội vừa qua ở TPHCM.

Phần chìm của tảng băng Covid-19 tại TPHCM - 3

Người dân tại quận Gò Vấp chờ lấy mẫu xét nghiệm sau khi phát hiện khu vực này có ca dương tính với SARS-CoV-2 liên quan tới chuỗi lây nhiễm hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

-Theo ông, phương án nào để giải quyết được các tồn tại trên?

Theo tôi có hai việc cần phải triển khai.

Thứ nhất, nhà quản lý phải có phương án tiếp cận F0 đang lang thang trong cộng đồng giúp họ thực hiện các xét nghiệm càng sớm càng tốt.

Thứ hai, những trường hợp F1 đã được cách ly phải đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm để cho kết quả thật nhanh, từ đó truy lại F2. Nếu việc này không làm nhanh thì như tôi đã nói ở trên, F2 trong cộng đồng sẽ trở thành F0.

-Người dân cần làm gì trong giai đoạn giãn cách xã hội 14 ngày tới để phòng chống dịch?

Thực tế cho thấy F0 đang lang thang nên việc người dân hạn chế tiếp xúc cộng đồng là rất quan trọng. Tất cả mọi người, khi cần thiết phải tiếp xúc thì tuân thủ quy định 5K, nhưng cần tăng thêm tính an toàn, giữ khoảng cách tối thiểu trên 2m với người lạ.

Trong tình huống không cần thiết thì dù là người thân cũng nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Nếu cảm thấy nghi ngờ mình là F0, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất có xét nghiệm SARS-CoV-2 (test nhanh hoặc PCR), tuyệt đối không đi lang thang vì càng di chuyển, nguy cơ lây càng nhiều.

Ngược lại, nếu người nghi ngờ chậm đi xét nghiệm, chính họ sẽ lây bệnh cho người thân trong gia đình.

Phần chìm của tảng băng Covid-19 tại TPHCM - 4

Chuyên gia khuyến cáo, nếu người dân nghi ngờ nhiễm bệnh mà chậm đi xét nghiệm thì chính mình sẽ lây bệnh cho người thân trong gia đình.

- 60 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới dương tính với SARS-CoV-2, có phải là một trong những mối lo lớn nhất hiện nay tại TPHCM không, thưa ông?

Diễn tiến bệnh của các nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới là điều đáng mừng chứ không phải lo ngại.

Tất cả người nhiễm bệnh đều rất nhẹ, gần như không có ai làm ảnh hưởng tới bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Điều đó cho thấy, vắc xin đã phát huy tính ưu việt, giảm lây nhiễm, giảm bệnh nặng, giảm tử vong. Do đó, phương án tối ưu và hiệu quả nhất hiện nay là phải có vắc xin, phải chích ngừa đạt độ bao phủ miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.

Hiện nay, nguồn vắc xin trên thế giới rất đa dạng, trên thực tế nếu tính ra giá thành không đắt, năng lực của từng tỉnh có thể chủ động mua được. Hệ thống tiêm chủng trên cả nước ta rất mạnh, dây chuyền bảo quản vắc xin đã được trang bị cho tất cả các tỉnh.

TPHCM gần đây đã triển khai đào tạo đội chích ngừa ở tất cả các bệnh viện. Theo tôi, khó khăn đang tồn tại hiện nay là cơ chế có cho phép mua hay không, chứ không phải vấn đề về tài chính hay việc bảo quản cũng như triển khai chích ngừa vắc xin Covid-19.

Phần chìm của tảng băng Covid-19 tại TPHCM - 5

-Xin cảm ơn ông!