1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Phải ưu tiên xử lý nhanh các vụ việc tham nhũng”

(Dân trí) - Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Phạm Quang Nghị cho rằng, trong xử lý các vụ tham nhũng, nếu để từ từ sẽ dễ dẫn tới phức tạp, bởi mức độ nhiệt tình của các cơ quan, nếu đưa ra thi bao giờ cũng thua “nhiệt tình” của những người vi phạm khi họ “chạy”.

Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội tại Hội nghị về công tác phòng chống tham nhũng năm 2009 cho hay, công an thành phố đã phát hiện 25 vụ, với 56 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 22 vụ, với 50 bị can. Qua điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đã thu hồi hơn 22 tỉ đồng và 6.000 USD.

PGĐ công an Thành phố Hà Nội, Trần Long Xuyên thẳng thắn cho rằng, các con số trong báo cáo vẫn chưa phản ảnh hết thực tiễn. Cũng theo ông Xuyên, hiện mới chỉ có các cơ quan chức năng của thành phố cùng một số quận huyện vào cuộc.

Tại rất nhiều quận, huyện tỉ lệ điều tra án kinh tế, phát hiện án tham nhũng chỉ ở “mức độ”, thậm chí có đơn vị không có. Khả năng phát hiện của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có khả năng xảy ra tham nhũng cũng rất hạn chế.

Chủ tịch UBND Thành phố, Nguyễn Thế Thảo thừa nhận, việc tự phát hiện tham nhũng trong các cơ quan hầu như không có và đây là một tồn tại. “Tuyên truyền giáo dục không phải chỉ trong nhân dân mà quan trọng hơn là trong chính hệ thống của chúng ta để làm sao tự đấu tranh, tự phát giác mới ngăn chặn được tham nhũng”, ông Thảo nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Phạm Quang Nghị cho rằng, Hà Nội có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế thị trường, song cũng là địa bàn nhạy cảm, có nhiều điều kiện để dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
“Phải ưu tiên xử lý nhanh các vụ việc tham nhũng” - 1
Ông Phạm Quang Nghị: "Cơ chế làm nhiều người giàu lên một cách bất thường"

Theo ông Nghị, công cụ phòng chống tham nhũng hiện nay khá hoàn chỉnh, khá mạnh, nhưng cuộc đấu tranh chống tham nhũng vẫn rất khó khăn và hiệu quả chưa đáp ứng được yêu cầu mong đợi.

Đề cập thực trạng hiện nay, Bí thư Thành uỷ nhìn nhận, ai ai cũng có thể chỉ ra những vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Có những người ở nơi này thực hiện hành vi tham nhũng, nhưng ở nơi khác lại phải “chạy”, chẳng hạn như giáo viên nhận tiền chạy trường nhưng khi vào bệnh viện lại phải “biếu” bác sĩ.

Phân tích nguyên nhân của thực trạng tham nhũng hiện nay, bên cạnh vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, ông Nghị đặc biệt nhấn mạnh đến sơ hở, lỏng lẻo của cơ chế.

“Có người nói cơ chế của chúng ta làm nhiều người giàu lên một cách bất thường, không chính đáng. Có những người không định nhận hối lộ, nhưng khi ngồi vào vị trí ấy, có người khác tới đưa tiền, dù không đòi”, ông Nghị phân tích.

Cũng theo ông Nghị, phát hiện tham nhũng tại cơ sở chủ yếu do quần chúng và “đáng tiếc” một số trường hợp được tố từ bên trong, nhưng do mâu thuẫn nội bộ. Chưa hết, có những cán bộ biết vụ việc từ trước, nhưng phải khi là đối thủ cạnh tranh trong đề bạt mới đưa ra.

Để cuộc đấu tranh với tham nhũng hiệu quả hơn, ông Nghị cho rằng, phải làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên coi phòng chống tham nhũng là công việc hàng ngày và bắt đầu từ bản thân mình.

Về trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, Bí thư Thành uỷ yêu cầu, khi nào, ở đâu phát hiện ra tham nhũng thì các cơ quan Công an, VKS, Toà án cần coi đó là việc ưu tiên tập trung chỉ đạo xử lý nhanh của ngành.

Theo ông Nghị, nếu xếp lại, để từ từ sẽ dễ dẫn tới phức tạp, bởi “mức độ nhiệt tình của các cơ quan, nếu đưa ra thi bao giờ cũng thua “nhiệt tình” của những người vi phạm khi họ “chạy” - họ thường chạy cho mình với nhiệt tình tối đa”.

Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm