Phải tăng cường hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho Việt Nam
(Dân trí) - “Phải xây dựng khả năng phục hồi đối với các hiện tượng thời tiết có tác động mạnh bằng việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho các khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) và các quốc đảo nhỏ đang phát triển” - ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhấn mạnh.
Hôm nay (2/4), tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy Văn (KTTV - Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Tổ chức Hệ thống cảnh báo sớm tích hợp đa thiên tai khu vực (RIMES) tổ chức Hội thảo “Đánh giá hệ thống cảnh báo sớm tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương; đại diện các Viện nghiên cứu, trường Đại học; các đối tác phát triển quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Lê Thanh Hải cho biết, hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động mạnh mẽ đến các thiên tai hiện hữu, với tính chất biến động mạnh hơn, cực đoan hơn, dị thường hơn, cả về tần suất và cường độ. Theo báo cáo đánh giá giảm thiểu rủi ro toàn cầu, mặc dù thiên tai do thời tiết/khí hậu cực đoan gia tăng nhưng nhờ việc cung cấp thông tin khí tượng thủy văn kịp thời, đầy đủ hơn, chính xác hơn đã giúp cho công tác tổ chức phòng tránh tốt hơn nên thiệt hại về tính mạng con người có xu hướng giảm trên phạm vi toàn cầu. Nhiệm vụ đó cũng là sứ mệnh lịch sử và trọng trách của ngành KTTV trong từng mỗi quốc gia.
Hội thảo “Đánh giá hệ thống cảnh báo sớm tại Việt Nam” là một trong những hoạt động của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thực hiện Dự án “Xây dựng khả năng phục hồi đối với các hiện tượng KTTV có tác động mạnh thông qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai cho các khu vực Đông Nam Á và các quốc đảo nhỏ đang phát triển” (MHEWS). Dự án do Tổ Chức Môi Trường và Biến Đổi Khí Hậu Canada (ECCC) hỗ trợ như một phần đóng góp cho “Sáng Kiến Rủi Ro Khí Hậu và Hệ Thống Cảnh Báo Sớm (CREWS)” của WMO.
“Những kinh nghiệm và thực tiễn phong phú được chia sẻ tại Hội nghị này sẽ giúp Việt Nam cũng như ở các quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương khác trên thế giới tìm ra những giải pháp tổng thể, phù hợp nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai tại Việt Nam: từ các khung chính sách, pháp luật, thể chế, sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan trong quan trắc, cảnh báo/dự báo và truyền thông để lồng ghép vào các chương trình, dự án phát triển của quốc gia và quốc tế nhằm tăng cường công tác phục vụ về KTTV, thích ứng hiệu quả với BĐKH góp phần phát triển kinh tế-xã hội” - ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.
Bà Carlyne Yu, chuyên gia quản lý rủi ro khí hậu của RIMES giới thiệu tổng quan về dự án “Rủi ro khí hậu và hệ thống cảnh báo sớm – Khu vực Đông Nam Á” (CREWS SEA) và Tiểu dự án Đánh giá.
Giới thiệu tổng quan về dự án “Rủi ro khí hậu và hệ thống cảnh báo sớm – Khu vực Đông Nam Á” (CREWS SEA) và Tiểu dự án Đánh giá, bà Carlyne Yu, chuyên gia quản lý rủi ro khí hậu của RIMES cho biết: Dự án CREWS SEA xây dựng khả năng phục hồi cho các sự kiện KTTV có tác động cao thông qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm đa nguy hiểm (MHEWS) ở các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ (SIDS) và khu vực Đông Nam Á (SeA).
Mục đích của dự án là giảm thiệt hại về người và kinh tế từ đến các thiên tai liên quan đến KTTV và khí hậu ở khu vực Đông Nam Á (SeA).
Dự án có mục tiêu là tăng cường các dịch vụ hỗ trợ quyết định dựa trên tác động của thời tiết, khí hậu và liên quan đến nước đối với các bên liên quan của Hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai (MHEWS) từ tất cả các thành phần kinh tế xã hội và cộng đồng.
Theo bà Carlyne Yu, các nước trong khu vực Đông Nam Á, nơi triển khai dự án gồm: Campuchia, Lào, Philipine, Việt Nam, Thái Lan.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Trong 2 ngày 2-3/4, toàn thể đại biểu tham gia hội thảo sẽ tham gia thảo luận nhóm và trình bày các kết quả thảo luận về nhu cầu và yêu cầu thông tin của các cơ quan sử dụng; ứng dụng/sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của Tổng cục KTTV tại các đơn vị/đối tác sử dụng chính; các Chương trình và Dự án mới đây/đang thực hiện (EWS, CCA, DRR, DRM); thách thức và thiếu hụt; thảo luận về Kết quả khảo sát EWS.
Nguyễn Dương