Phải sớm giải quyết xong quy hoạch Hà Nội
(Dân trí) - Qui hoạch vùng thủ đô, mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là những vấn đề quan trọng nhất được đặt ra trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Hà Nội, ngày 1/12. Rất nhiều vấn đề đã được Thủ tướng trực tiếp có ý kiến chỉ đạo.
5 Phó Thủ tướng cùng 18/22 Bộ trưởng cùng đi với Thủ tướng trong buổi làm việc kéo dài liên tục từ 8h đến 14h này.
Một Phó Thủ tướng phụ trách qui hoạch vùng của Hà Nội
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc sớm có Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô và Đề án mở rộng địa giới hành chính có ý nghĩa không chỉ với Hà Nội mà cả với các tỉnh lân cận. Ông Phạm Quang Nghị đưa ra một dẫn chứng cho vấn đề này: Tỉnh ủy Hà Tây mấy chục năm không dám sửa trụ sở vì lo rằng, xây xong lại “tặng” cho… Hà Nội.
Cũng theo ông Nghị, trụ sở của Thành ủy, UBND, quận, phường của Hà Nội hiện tại đều chật chội, các bộ ngành xin đất cũng không thể đáp ứng được. Diện tích hiện thời của Hà Nội đang chứa rất nhiều vấn đề cấp bách.
Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, phải sớm giải quyết xong quy hoạch Hà Nội và có thể sẽ phải mời tư vấn quốc tế. Cũng theo ông Hùng, phải có chương trình kiến thiết thành phố cũng như đầu tư hoàn thành các đường vành đai để giãn được mật độ dân cư và giao thông.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh, tháng 12 năm nay cố gắng để có thể duyệt được quy hoạch vùng Thủ đô và địa giới.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã giao cho các bộ trưởng những nhiệm vụ cụ thể:
Bộ trưởng Tài chính nghiên cứu cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp di chuyển khỏi nội thành.
Bộ trưởng Xây dựng ban hành các quy chuẩn cho phép Hà Nội áp dụng những tiêu chuẩn, định mức xây dựng, suất đầu tư cao hơn quy định hiện hành.
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường sớm hướng dẫn Hà Nội xử lý những vấn đề liên quan đến đền bù đất nông nghiệp giáp ranh đô thị. |
Phát biểu sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, điều quan trọng nhất với Hà Nội là sớm hoàn thiện quy hoạch. Trên cơ sở đó, có những cơ chế đặc thù đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, đặc biệt là giao thông và đô thị. Thủ tướng bày tỏ nhất trí với ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, nếu thấy cần sẽ thuê tư vấn hàng đầu của nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và các bộ liên quan chuẩn bị ngay phương án quy hoạch để có thể sớm trình ra Quốc hội. Ông cũng yêu cầu các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Xây dựng cùng Hà Nội xây dựng cơ chế vốn đặc thù để có thể triển khai ngay việc mở rộng Thủ đô.
Thủ tướng đã giao cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phụ trách quy hoạch vùng của Hà Nội và yêu cầu đề xuất phương án ngay trong quý I/2008.
Dứt khoát phải có lối thoát cho vấn đề ùn tắc giao thông
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, theo thống kê chính thức, hiện dân số thủ đô đã hơn 3,2 triệu người, trong đó nửa triệu người là dân nhập cư tự do. Hà Nội đang phải chịu một sức ép rất lớn về hạ tầng kỹ thuật đô thị và xã hội… Để xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, theo ông Thảo, việc xây dựng cơ chế riêng về quản lý phát triển dân số là hết sức cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với đề nghị này và cho biết, đã giao cho Bộ Công an chuẩn bị trình Chính phủ duyệt cơ chế riêng cho Hà Nội và TPHCM về quản lý tăng dân số, nhằm hạn chế sự quá tải.
Với phương án quy hoạch giao thông của Hà Nội, Thủ tướng chưa hài lòng vì phương án mới đặt mục tiêu tăng diện tích dành cho đường từ trên 6% lên 15% quỹ đất, trong khi quốc tế là 20%.
Ông cũng nhấn mạnh, nạn ùn tắc giao thông “dứt khoát” phải có lối thoát và giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Bộ Giao thông cùng Hà Nội nghiên cứu tổ chức hội thảo khoa học, khẩn trương lập đề án giải quyết. Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội cùng các bộ ngành tìm ra cơ chế đặc thù về tài chính, giải phóng mặt bằng để đầu tư vào 5 đường vành đai, 6 trục xuyên tâm và hệ thống giao thông ngầm.
Với đề nghị nâng Pháp lệnh Thủ đô thành Luật Thủ đô nhằm khắc phục tình trạng những cơ chế đặc thù lại trái với quy định của nhiều luật, Thủ tướng cho biết, sẽ giao Bộ Tư pháp trao đổi với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhất trí sẽ thực hiện giao ban với Hà Nội định kỳ 3 tháng/ lần.
Mạnh Cường