1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phải lòng Việt Nam

Dù đã trải bước chân lên lãnh thổ của 48 quốc gia, dù đã từng đầu tư làm ăn thành công ở Mỹ, dù đã rất nổi tiếng và còn nhiều cơ hội phát triển ở chính đất nước mình, song ở tuổi trung niên, ông đã chọn Việt Nam làm nơi “hành hiệp”.

Một người bạn đồng nghiệp đã làm cầu nối đưa Hidenhiko Nakagawa đến với gia đình tôi. Từ những chén rượu ấm và câu chuyện cởi mở trong cái se lạnh của chiều mưa Đà Lạt, chúng tôi trở thành những người bạn của nhau. Vượt qua khoảng cách về sự khác biệt văn hóa, chúng tôi đã có những chia sẻ và đồng điệu.

 

Trò chuyện với Nakagawa, tôi chợt nhận ra có những sự lựa chọn không bắt đầu từ tính toán đơn thuần về các cơ hội mà bắt đầu bằng một tình yêu. Nakagawa chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai chính là từ tình yêu đối với đất nước xinh đẹp này, như ông từng nhiều lần thổ lộ: “Tôi đã phải lòng Việt Nam”.

 

“Kiếp trước, tôi là người Việt Nam”

 

Mới 47 tuổi song Nakagawa đã nổi tiếng từ lâu trên đất Nhật quê hương ông ở nhiều lĩnh vực: Một nhà kinh doanh trở thành triệu phú từ khi 28 tuổi; một nhà đầu tư và tư vấn đầu tư tài chính; một người viết sách lịch sử; một người dẫn chương trình truyền hình; một giảng viên dạy nhiều bộ môn; một võ sư kiếm đạo hành hiệp và sống bằng tinh thần Samurai truyền thống của xứ sở người anh hùng Ryoma Sakamoto bất tử... Với tất cả những gì đã có trong hành trang, Nakagawa chỉ cần sống và làm việc tại chính quê hương ông là đã đầy đủ. Thế nhưng, ông lại chọn con đường đến với Việt Nam và ở lại với đất nước còn nhiều khó khăn này.

 

“Kiếp trước, tôi là người Việt Nam” - ông nói một cách nghiêm trang - “Chọn Việt Nam làm nơi sinh sống, làm ăn cho mình và gia đình, tôi không lựa chọn vì tiền mà vì tình yêu với đất nước này”. Từ từng chuyện lớn nhỏ đã được biết về anh, tôi cảm nhận những lời thổ lộ này là tất cả tâm huyết, tất cả những gì chân thành nhất của một doanh nhân làm việc và sống bằng sự sẻ chia. Đó là một người luôn chọn con đường gian nan để có điều kiện “chiến đấu” bằng tinh thần võ đạo, chọn nơi chốn yêu thương để thể hiện tâm huyết, chọn những người bạn tốt để giao cảm và khẳng định giá trị của hạnh phúc...           

 

Phải lòng Việt Nam  - 1

Hidenhiko Nakagawa (bìa phải)

 

Tháng 6/2006, lần đầu tiên Nakagawa và vợ đi du lịch đến Việt Nam. Ngay lần đầu đến đất nước nhiệt đới này, dù chưa hiểu lắm về Việt Nam nhưng ông như đã thấy đây chính là quê hương thứ hai của mình. Tháng 11/2006, ông trở lại cùng với 8 doanh nhân Nhật Bản. “Tôi đã yêu Việt Nam và muốn những người Nhật khác cũng yêu đất nước này như mình”, ông nói và đã làm đúng như điều mình đã nói.

 

Cùng với Công ty Internet Service đang khá thành công ở Nhật mà ông là chủ tịch HĐQT, đến Việt Nam, Nakagawa đã thành lập Công ty Nhật Tinh Việt nhằm tư vấn cho các doanh nhân Nhật Bản đến VN đầu tư. Tìm hiểu thêm, tôi biết được công ty này không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận mà cốt làm sao giới thiệu được càng nhiều nhà đầu tư Nhật đến Việt Nam càng tốt.

 

Sau khi Nhật Tinh Việt đi vào hoạt động, Nakagawa thường xuyên về nước. Mỗi lần về là ông lại tranh thủ tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu về đất nước, con người, văn hóa và những cơ hội phát triển kinh tế của VN; gặp gỡ và thuyết phục các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Việt Nam. “Tôi thực sự vui mừng khi có thêm một người Nhật cảm tình với Việt Nam. Rất nhiều người hỏi vì sao tôi lại ra sức cổ xúy cho đất nước này, tôi chỉ biết trả lời vì tôi yêu Việt Nam”- ông bộc bạch.

 

Ngoài ra, Công ty Internet Service của Nakagawa còn đầu tư chiến lược với nhiều công ty khác ở Việt Nam. Ông cũng tham gia tư vấn tài chính cho vài doanh nghiệp Việt Nam và thuyết giảng các chuyên đề về tài chính, luật lệ kinh tế cho một số trung tâm chứng khoán, doanh nghiệp trẻ tại TPHCM. Nakagawa cũng đã mời cha ông, một chuyên gia có 45 năm làm việc trong ngân hàng của Mitsubishi, sang Việt Nam tham gia hoạt động tư vấn...

 

Quyền tự do của trái tim

 

“Từ đáy lòng mình, tôi mong ước Việt Nam phát triển thật nhanh, thật mạnh. Nếu có một quốc gia nào vượt qua nước Nhật của tôi về sự giàu có, tôi mong đó là đất nước của các bạn” - Nakagawa tâm sự.

 

Nakagawa đã từng trải bước chân mình lên lãnh thổ 48 quốc gia, từng đầu tư làm ăn và thành đạt ở Mỹ, song ông vẫn chọn Việt Nam. “Tôi đến Việt Nam làm ăn và ngày càng nhận ra Việt Nam có sức hấp dẫn mãnh liệt với tôi. Tôi phát hiện tiềm năng của đất nước này và tin rằng Việt Nam sẽ vươn lên mạnh mẽ. Là doanh nhân, khi đến đầu tư ở quốc gia nào tôi cũng nghĩ đến hiệu quả kinh doanh.

 

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả, bên cạnh lợi ích vật chất còn có tình cảm của con người. Tôi từng sống và kinh doanh rất thành công ở Mỹ nhưng không yêu đất nước đó. Ngược lại, tôi chưa thành công ở Việt Nam nhưng lại rất yêu đất nước của các bạn. Đó là quyền tự do của trái tim” - Nakagawa nhấn mạnh.

 

Nakagawa bảo rằng một trong những điều làm cho ông yêu Việt Nam chính là con người ở đây. Ông cho biết đã từng đi đến  45 tỉnh, TP trong nước, tiếp xúc với rất nhiều người và nhận ra người Việt Nam rất giàu tình cảm, tốt bụng và thân thiện. “Có một điều thú vị mà tôi muốn chia sẻ, đó là sức sống của thế hệ trẻ Việt Nam. Tôi nhìn thấy trên gương mặt của họ sự lạc quan, tươi vui, sinh động và ý chí quyết tâm học hành, làm việc để thành công.

 

Phải lòng Việt Nam  - 2
Võ sư kiếm đạo Nakagawa đang biểu diễn một thế võ

 

Người Việt Nam luôn nở nụ cười trên môi dù lúc khó khăn nhất. Sáng nào tôi cũng ngắm say sưa hình ảnh những quán cà phê với nhiều người cầm tờ báo trên tay hoặc chăm chú vào màn hình máy tính xách tay. Chính vì điều đó, tôi đã đưa 3 con trai của mình sang VN sống và học hành với suy nghĩ: Đất nước này chính là một môi trường tuyệt vời cho các cháu rèn luyện và trưởng thành. “Ở Việt Nam, các cháu sẽ nhìn thấy phần nào hình ảnh quá khứ của nước Nhật thời ấu thơ của cha chúng và một xuất phát điểm lý tưởng để chúng phấn đấu” - Nakagawa tiết lộ.

 

Nakagawa chọn lựa Việt Nam cho mình, chọn lựa Việt Nam cho gia đình mình và ông đoan chắc mình làm đúng. Ông ưu tư: “Nhật Bản hiện nay là một dân tộc quá già. Tỉ lệ người già ở Nhật đang chiếm đa số, thanh niên và trẻ em quá ít, đó là một sự báo động về nguồn nhân lực. Trong khi đó, thanh niên Nhật đang có xu hướng xa rời truyền thống, bản sắc của dân tộc và chạy theo lối sống thực dụng hiện đại.

 

Thế hệ những người như cha của chúng tôi sau chiến tranh đã đổ công sức và tâm huyết xây dựng nước Nhật từ đống đổ nát và cả sự nhẫn nhục của kẻ bại trận. Thế hệ trẻ ngày nay tự thấy quá đầy đủ, mọi thứ đã được bày sẵn nên họ lười suy nghĩ, không còn nhiều quyết tâm và lòng say mê sáng tạo”.

 

Tôi thắc mắc với Nakagawa tại sao cho đến nay, người Nhật hiện đại vẫn giữ một kiểu thi lễ truyền thống: Chào nhau bằng cái gập mình nghiêm cẩn và nhún nhường. Nakagawa không giải thích mà chậm rãi ví von: “Những cây lúa trĩu hạt thì luôn cong thân mình xuống, còn những cây lúa lép thì cứ dựng thẳng lên”.

 

Rồi Nakagawa trầm ngâm: “Một trong những điều tối quan trọng ở bất cứ quốc gia nào là phải dạy cho thế hệ sau hiểu thật đúng về lịch sử dân tộc. Phải thấy được thế hệ cha ông đã phải nỗ lực như thế nào để tạo lập cuộc sống và thế đứng của đất nước. Ngủ quên trên chiến thắng là một thảm hại, song chưa chiến thắng mà đã ngủ quên còn thảm hại hơn”.

 

Chia sẻ những trải nghiệm

 

Nakagawa luôn mong muốn sự thành công đến với đất nước Việt Nam. Tất cả những công việc mà ông đã, đang và sẽ làm đều thể hiện khát vọng tốt đẹp đó. Cùng với hoạt động tư vấn, quảng bá Việt Nam vào bất cứ dịp nào có thể, trong liên doanh với một công ty ở Việt Nam, Nakagawa đã chọn con đường thành lập một ngôi trường đào tạo nghề mang tên Việt - Nhật. Tháng 9-2009, trường chính thức khai giảng.

 

“Tại sao ông lại chọn lĩnh vực này để đầu tư, trong khi lợi nhuận mà nó mang lại không cao so với những lĩnh vực khác?”, tôi thắc mắc. Nakagawa nhận định: “Một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì giáo dục và đào tạo chính là một trong những vấn đề có tính quyết định. Ở Nhật Bản, đào tạo nghề được cho là một công việc cực kỳ quan trọng, đôi lúc được đặt cao hơn đào tạo đại học. Trong khi đó, ở Việt Nam, tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang trở nên phổ biến. Tham vọng của tôi cùng tập thể HĐQT trường này là sẽ tạo nên những người thợ lành nghề, có kỷ luật tốt và tinh thần trách nhiệm với công việc cao”.
 
Nakagawa rất tin tưởng ông sẽ thành công với hướng đầu tư mới này, không hẳn về lĩnh vực lợi nhuận. “Tôi rất lạc quan và tin tưởng vào công việc mình làm. Vấn đề là làm sao lựa chọn bộ máy nhân sự tốt, có đủ tài và tâm, cùng “chiến đấu” không chỉ vì mục đích lợi nhuận mà cốt yếu là thực hiện được hoài bão và thể hiện bằng hành động cụ thể tình yêu với Việt Nam”- Nakagawa cho biết.

 

Trước khi thành một doanh nhân thành đạt, Nakagawa đã từng bán báo, từng cào tuyết và thức trắng hằng đêm cho công việc với tinh thần không ỷ lại, không đổ lỗi cho bất kỳ ai nếu công việc chưa suôn sẻ. Và, Nakagawa muốn chia sẻ tất cả những trải nghiệm đó của mình với những học trò ở trường dạy nghề Việt - Nhật mà ông và những người đồng cảm đang nỗ lực tạo dựng.

 

Theo Uông Thái Biểu

 Người lao động