Hà Nội:
Phải dựng vành đai xanh, dù có “chạm” tới… đại gia
(Dân trí) - Ứng xử với dự án nằm trong vành đai xanh như thế nào, nên hay không nên xây dựng trục Thăng Long, khai thác 2 bên bờ sông Hồng ra sao… là những vấn đề “nỏng bỏng” nhất tại phiên họp của BCH Đảng bộ Thành phố Hà Nội.
BCH Đảng bộ Thành phố đã dành trọn ngày 8/4 để cho ý kiến đóng góp với đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Không “cắt” dự án, không có vành đai xanh
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, từ đô thị trung tâm (vành đai 4 trở vào) đến đô thị chuỗi dự kiến sẽ có một vành đai xanh với khoảng cách ngắn nhất là 300m. Tuy nhiên, hiện đang có một số dự án được cấp nằm trong vành đai này và bản thân trong nội bộ những người xây dựng đồ án quy hoạch cũng có những ý kiến khác nhau về hướng xử lý.
Góp ý với vấn đề này, Bí thư huyện ủy Từ Liêm Lê Xuân Trường cho rằng, bên cạnh các dự án, 2 bên bờ sông Nhuệ thuộc vành đai xanh cũng đã kín đặc người. Nếu giải phóng toàn bộ sẽ đòi hỏi không ít kinh phí cũng như quỹ đất.
Thêm nữa, theo ông Trường nhiều dự án thuộc khu vực này đã triển khai, nếu “đập đi” cũng là một vấn đề không đơn giản.
Tuy nhiên, ông Vũ Công Quảng, Bí thư quận Đống Đa lập luận, thủ đô rất cần một vành đai xanh tại khu vực trên. Theo ông, nếu nói không có vành đai trên chỉ bởi đã có các dự án là hết sức… vô lý.
Ông Quảng đề nghị, Thành ủy phải có thái độ dứt khoát trong việc rà soát các dự án và những dự án nào ảnh hưởng tới vành đai này phải loại bỏ. Với Bộ Xây dựng, ông cũng đề nghị: “Bộ vì cái chung mà kiên quyết đối với những dự án nằm trong vành đai, dù có chạm vào đại gia hay vào ai đi chăng nữa”.
Hệ thống hành lang xanh nói chung sẽ chiếm 70% tổng diện tích đất tự nhiên
Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Lê Quang Nhuệ cũng đề nghị phải kiên quyết dành một số đất cho công viên, cây xanh. Theo ông Nhuệ, phải làm sao để ra khỏi khu Mỹ Đình phải có chỗ cho các cháu nhỏ vui chơi, chứ không thể xây dựng kín hết đất.
“Nếu chúng ta không làm như vậy, 10 - 15 năm sau con cháu chúng ta sẽ lại phải làm cương quyết”, ông Nhuệ nhấn mạnh.
Chủ tịch UBMT Tổ quốc Thành phố Phạm Xuân Hằng cũng đặt vấn đề về việc di chuyển các dự án thuộc vành đai này và theo ông, nếu không thực hiện như vậy, vành đai xanh sẽ không còn là vành đai xanh nữa.
Chuyển sang một điểm cần xanh khác, Bí thư huyện Thanh Trì Triệu Đình Phúc cho rằng, đã đặt vấn đề thành phố xanh thì không thể “phố hóa” hai bên bờ sông Hồng. Theo ông Phúc, đề án thành phố hai bên sông trước đây đã được tư vấn nhất trí nâng lên nhưng cần phải thực hiện theo hướng giảm bớt công trình xây dựng.
Ông Lê Văn Hoạt, Bí thư huyện Mê Linh cũng chia sẻ: “Khai thác sông Hồng, nhưng phải giảm tải để phát triển không gian theo hướng đô thị sinh thái phục vụ vui chơi giải trí”.
Trục Thăng Long: “lửng lơ” giữa 2 con đường
Một nội dung “mới” khác của đồ án nhận được rất nhiều ý kiến phản biện là trục Thăng Long. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, trục này dài trên 30km (từ đầu đường Hoàng Quốc Việt tới chân núi Ba Vì), trong đó đoạn đầu chỉ mở 60m, nhưng đoạn sau mở tới 350m. Tại đoạn sau sẽ có các bảo tàng, thư viện công trình vui chơi giải trí nằm tại giữa trục…
Ông Toàn cho rằng, trục Thăng Long nhìn trên sơ đồ “có vẻ thừa”, nhưng chỉ sau 5 năm nữa, đô thị Hòa Lạc phát triển sẽ rất cần tới trục Đông - Tây này. “Hòa Lạc sẽ là một đô thị khả thi ngay chứ không như Xuân Hòa, Xuân Mai trước đây”, ông Toàn lập luận.
Tuy nhiên, Bí thư quận Đống Đa Vũ Công Quảng lại đặt vấn đề, tại sao không mở rộng quốc lộ 32 rồi đấu nối trực tiếp với trục Thăng Long. Làm như vậy sẽ bớt được một khoản tiền rất lớn đầu tư vào trục Thăng Long để chuyển sang làm việc khác.
Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình phân tích, đô thị Sơn Tây đã có quốc lộ 32, đô thị Hòa Lạc đã có đường Láng - Hòa Lạc. Nếu trục Thăng Long là trục giao thông thì sẽ là một trục “lửng lơ”, với khoảng cách tới đường 32, đường Láng - Hòa Lạc có chỗ chưa tới 3km.
Thêm nữa, vị trí “bụng cá” của trục này rộng 350m, sau khi trừ phần làm đường 140m thì với trên 200m còn lại không thể làm công trình kẹt giữa… Phó Chủ tịch thành phố đề nghị cần xem lại trục Thăng Long với thái độ hết sức thận trọng, bởi “nhẩm tính” để xây dựng trục này phải cần tới trên 10.000 tỷ đồng.
Sau khi đề nghị làm rõ chức năng của trục Thăng Long, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đề xuất nghiên cứu theo hướng, có thể làm từ bên trong ra tới vành đai 4, còn lại là đường cảnh quan, quy mô nhỏ.
Liên quan đến 5 đô thị vệ tinh, Chủ tịch UBMT Tổ quốc thành phố Phạm Xuân Hằng băn khoăn, trên trục đường 21 có các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai với khoảng cách không lớn - liệu các đô thị này có bị hợp thành một sau ít năm nữa? Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong lại “thắc mắc”, đô thị vệ tinh có chức năng hút dân nội thành và giữ chân dân ngoại thành nhưng liên kết với đô thị vệ tinh Sóc Sơn, ngoài sân bay Nội Bài, không có tuyến đường sắt, xe buýt (các tuyến này chỉ dừng ở Mê Linh). |
Cấn Cường