1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Phải có đủ lòng dũng cảm để nói lên sự thật!”

(Dân trí) - Ông Stephen Whittle, chuyên gia báo chí Anh, nguyên Giám đốc biên tập báo BBC nhìn nhận, điều tra báo chí là tổ hợp của qui trình rất thử thách... “Phải có đủ lòng dũng cảm để nói lên sự thật công chúng muốn nghe”, ông nhấn mạnh.

Ông Stephen Whittle phát biểu như vậy tại Hội thảo “Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế về nghiệp vụ báo chí điều tra” diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền ngày 31/3.

Các nhà báo phải tự bảo vệ mình

Nhà báo Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, tính chất điều tra có trong nhiều thể loại, thông tin báo chí, còn thể loại điều tra là thể loại khó nhất.

Ông Lượng cũng dẫn ra một loạt những bài điều tra đã mang lại sự thay đổi trong cuộc sống và chính sách thời gian vừa qua. Đơn cử, phóng sự điều tra của Đài truyền hình Yên Bái năm 2012 đề cập vấn đề một bản vùng cao với rất nhiều thanh niên to khỏe, ruộng tốt, điều kiện sản xuất thuận lợi, nhưng vẫn... nghèo! Mỗi lần có tiền hỗ trợ người nghèo về, cả bản mua gạo, lợn về liên hoan suốt mấy ngày. Khi được phỏng vấn, một thanh niên trong bản nói “rất thật”: “Chúng tôi cứ muốn mãi mãi là... bản nghèo!”. Phóng sự điều tra này đã tác động đến chính sách giảm nghèo, thêm khẳng định việc không thể hỗ trợ bằng... tiền.

Khẳng định “tác động của báo chí lớn lắm”, ông Lượng cũng nói đến sự việc ở một bản tại Bắc Giang, không xa Hà Nội mà các cháu học sinh phải bơi qua hồ để đi học vừa mới được báo chí phản ánh. “Phản ứng” ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã quyết định đầu tư xây 1 tỷ đồng để làm đường... Ngoài ra, một loạt phóng sự điều tra có tiếng vang thời gian qua cũng đã được ông Lượng và các diễn giả đưa ra phân tích.
 
Một cây xăng gian lận tại Hà Nội do báo Dân trí phanh phui (Ảnh: Xuân Ngọc)
Một cây xăng gian lận tại Hà Nội do báo Dân trí phanh phui (Ảnh: Xuân Ngọc)

Đề cập việc báo chí phanh phui các vụ việc tiêu cực, ông Hoàng Hữu Lượng đánh giá cao các bài báo về vụ đất đai ở Đồ Sơn, vụ việc ở trạm cân Dầu Giây... Theo ông Lượng, phóng sự điều tra là thể loại khó, nguy hiểm, cần những phóng viên tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh để đáp ứng yêu cầu đầu tiên là chính xác. Mỗi cơ quan báo chí cũng phải đề ra những quy định để bảo vệ phóng viên. Ông Lượng dẫn chứng về đề tài mãi lộ, trường hợp phóng viên giúp người thân đưa tiền cho cảnh sát giao thông lấy lại xe để có chứng cứ, lẽ ra cần báo cáo Tổng Biên tập trước.

Tương tự, khi làm đề tài mại dâm, ông Lượng đặt vấn đề, nếu không thông báo với Tổng Biên tập, nếu cơ quan chức năng ập vào khi phóng viên đang thâm nhập thực tế, phóng viên sẽ nói thế nào? “Các nhà báo phải tự bảo vệ mình khi làm điều tra”, ông Lượng đúc kết. Cũng theo ông, làm điều tra đang chịu nhiều áp lực nên cần có sự thống nhất trong sáng giữa lãnh đạo tờ báo và phóng viên trong mỗi vụ việc.

Chia sẻ những rủi ro của nhà báo làm điều tra, nhà báo Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm MDI nhấn mạnh việc tách bạch lợi ích công và tư. Theo đó, nếu vì lợi ích công theo bà Thùy, nhà báo sẽ được bảo vệ, còn nếu vì lợi ích tư, vụ lợi sẽ khác. Cũng theo bà Thùy, một số nước trên thế giới đã áp dụng nguyên tắc vì lợi ích công để bảo vệ nhà báo khi họ đối mặt với cáo buộc liên quan đến pháp luật.

Một khía cạnh khác của báo chí điều tra được bà Thùy đề cập là việc hỗ trợ các nhà báo: “Có nhiều phóng viên làm điều tra nói với tôi là họ cô đơn, không ai hỗ trợ”. Từ thực tế này, bà Thùy nhấn mạnh vai trò của quy chế tòa soạn cho hoạt động báo chí điều tra.

Không gài bẫy...

Ông Stephen Whittle, chuyên gia báo chí Anh, nguyên Giám đốc biên tập báo BBC nhìn nhận, điều tra báo chí là tổ hợp của qui trình rất thử thách và mục tiêu của điều tra là phơi bày sự thật, không thêm thắt. “Phải có đủ lòng dũng cảm để nói lên sự thật công chúng muốn nghe”, ông đề cập tiếp.

Để nhập vai làm điều tra phóng viên không thể có những ứng xử vô trách nhiệm, không đúng mực. Thêm nữa, những gì diễn ra có thể mang tính “lừa dối” và phóng viên phải không bị lừa, bảo vệ tính chính xác của bài báo, bảo đảm những quy định pháp luật.

Trong khi đề cập một loạt những qui tắc cho nhập vai điều tra, bên cạnh việc nhấn mạnh việc bảo đảm chứng cứ pháp lý và an toàn, ông Stephen Whittle cũng đề cao “đòi hỏi” tránh kích động, kích thích những hành vi mà phóng viên muốn điều tra. “Phải ghi lại sự thật, chứ không phải làm cho nó xảy ra”, chuyên gia người Anh lập luận.

Cũng theo chuyên gia này, phải xác định, thống nhất lại các cấp biên tập để đảm bảo lợi ích chung và lường trước những viễn cảnh, thách thức xảy ra. Khi đã xác định cáo buộc cần đưa đến cơ quan bị cáo buộc để họ có phản hồi.

Đại diện một số báo trong nước tham gia thảo luận cũng đề cập tới những nguyên tắc rất cụ thể của báo chí điều tra, việc nhập vai khi điều tra tại các tòa soạn của cơ quan mình từ khi phát hiện đề tài cho đến khi đăng tải và hậu đăng tải. Trong các nguyên tắc được nhà báo Đức Hiển, Tổng thư ký báo Pháp luật Thành phố HCM trình bày, cũng nêu lên yêu cầu “Không tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất; không thúc đẩy sự kiện diễn ra hoặc khiến nó diễn ra sớm hơn bình thường”, “không gài bẫy, gợi ý hối lộ”...

Đặc biệt, theo nhà báo Đức Hiển, ngay cả với chứng cứ đúng sự thật, nếu được thu thập bằng cách sai trái, vẫn phải... loại ra. Nhà báo này cũng chia sẻ việc mình đã phải nhận kỷ luật trước cơ quan khi cho đăng bức ảnh do một sĩ quan công an cung cấp khiến người này bị kỉ luật và điều chuyển công việc với tâm trạng tiếc nuối của người làm báo.

Cấn Cường