Phải có cơ chế bảo vệ luật sư, nhà báo khi hành nghề
(Dân trí) - Việc bị đơn Nguyễn Bích Thủy <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/Mot-luat-su-bi-choang-ngay-tai-toa/2008/4/225759.vip">“choảng” luật sư và đuổi nhà báo ngay tại TAND Hà Nội</a> đang gây bức xúc cho dư luận. Chúng tôi cũng đã liên hệ với những đơn vị chức trách, nhưng rất tiếc chưa có câu trả lời…
Tại sao tòa án lại không có hành động cụ thể khi đương sự hành xử trái pháp luật đối với đối với nhà báo, hành xử trái pháp luật với luật sư? Tiến sĩ, luật sư Trần Đình Triển (ông Triển là người bị bà Thủy dùng guốc đánh tại TAND TP. Hà Nội hôm 1/4) đặt câu hỏi.
Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, mọi hoạt động chính đáng của luật sư và nhà báo đều đưa lại lợi ích cho nhà nước, cho nhân dân và sự đúng đắn của pháp luật thì cần phải được bảo vệ.
Quyền của tòa án là quyền được khởi tố, và sau khi khởi tố thì chuyển cho cơ quan điều tra làm rõ và xét xử. Đối với thẩm phán Trần Thị Hải là không làm tròn trách nhiệm của mình, thể hiện tính thiếu vô tư khách quan. Luật giao quyền cho mình nhưng để xảy ra sự việc thì không đủ tư cách thẩm phán. “Tôi đề nghị với TAND TP. Hà Nội và TAND Tối cao” và các thành phần xem xét tham gia bổ nhiệm thẩm phán, ít nhất cũng cần phải cách chức thẩm phán của bà Trần Thị Hải. Có như vậy thì chấm dứt được những vụ việc tương tự”, ông Triển kiến nghị. |
Trong trường hợp bà Thủy thì chủ tọa phiên tòa Trần Thị Hải phải ra lệnh bắt tạm giữ ngay, vì đây là hành vi phạm pháp quả tang diễn ra ngay tại phiên tòa và đang thuộc thẩm quyền của chủ tọa phiên tòa điều khiển. “Như vậy, tại phiên tòa thì quyền quyết định tối cao là chủ tọa phiên tòa, do đó khi có đủ dấu hiệu thì chủ tọa phiên tòa phải ra lệnh tạm giữ ngay, nhưng ở đây thì bà Trần Thị Hải không lập biên bản, không gọi lực lượng nào cũng như không có hành động cụ thể để cho đương sự tiếp tục “phá rối” tại tòa… đối với nhà báo và luật sư”, ông Triển nhấn mạnh.
Ông Triển cho rằng, hành động của bà Thủy đủ dấu hiệu để khởi tố vụ án, ít nhất là tội gây rối trật tự công cộng; tội xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.
Cũng theo ông Triển, vụ việc xảy ra có sự chứng kiến của luật sư Hằng Nga (đoàn Luật sư Hà Nội). “Luật sư Hằng Nga nguyên là Phó chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội, nay là thành viên của ban kiểm tra của đoàn Luật sư Hà Nội đã chứng kiến toàn bộ việc đó. Với cương vị ở ban kiểm tra thì chị Nga phải có trách nhiệm về việc này để báo cáo với tổ chức”, ông Triển cho biết thêm.
Ông Triển đề nghị, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tư tưởng văn hóa TW… phải có cơ chế để bảo vệ luật sư, bảo vệ các nhà báo hành nghề.
Chiều ngày 2/4, chúng tôi đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ Tư pháp, ông Đinh Trung Tụng và ông Hoàng Thế Liên để nghe ý kiến bình luận về vụ việc, nhưng cả hai chưa thể trả lời. Thứ trưởng Tụng cho biết, mảng luật sư do thứ trưởng Liên phụ trách. Qua điện thoại, ông Liên cho biết cũng chưa nghe thông tin bị đơn “choảng” luật sư, ông hứa sẽ trả lời phóng viên vào lần khác.
Trần Hưng