"Phải có 1m2 đất ở mới được làm nhà ở thương mại, một hạn chế rất khó hiểu"
(Dân trí) - Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác. Song theo đại biểu Quốc hội, quy định này đặt ra một hạn chế rất khó hiểu.
Đây là điều khiến một số đại biểu Quốc hội băn khoăn khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 15/1.
Một trong những nội dung lớn được tiếp thu của dự luật này là quy định về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Quy định cần tạo cung nhà ở, giảm giá nhà
Theo đó, dự thảo Luật quy định chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.
Trường hợp đang có quyền sử dụng đất, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp). Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng quy định này đặt ra một hạn chế rất khó hiểu.
"Phải có 1m2 đất ở trong diện tích dự án mới được làm nhà ở thương mại, còn nếu không có mét vuông đất ở nào thì không được. Việc phân biệt giữa hai trường hợp này là không cần thiết, không mang lại lợi ích công cộng nào", ông Đồng đề xuất bỏ quy định này để tạo cung nhà ở, giảm giá nhà.
Chung góc nhìn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nhận định quy định như trên là bất cập. "Đất ở và đất khác thì đất ở là bao nhiêu? Người có 1m2 đất ở trong khi phần không phải đất ở lên nhiều hecta vẫn được làm dự án trong khi các trường hợp khác lại không được hay sao?", ông Hòa đặt vấn đề.
Vị đại biểu này đề nghị trường hợp đang có quyền sử dụng đất, nên cho chuyển đổi mục đích sử dụng để làm nhà ở thương mại kết hợp sản xuất kinh doanh, và Nhà nước thu thuế.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) góp ý cần bổ sung trường hợp đất khác nếu phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Bà kiến nghị Quốc hội xem xét kỹ và biểu quyết riêng điều khoản này hoặc giao cho Chính phủ thí điểm thực hiện trong 5 năm rồi tổng kết, báo cáo Quốc hội.
Phân tích lý do đưa ra quan điểm này, nữ đại biểu cho biết trước đây Nhà nước kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, vận động người dân làm ăn, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Nhiều người dân, doanh nghiệp muốn kinh doanh đã bàn giao nhiều loại đất khác nhau của mình cho Nhà nước, trong đó có cả đất ở, để được thuê lại đất sản xuất, kinh doanh.
Vì thế, theo đại biểu Xuân, khi Nhà nước thay đổi quy hoạch, muốn cải tạo, chỉnh trang đô thị, cần có cơ chế ưu tiên cho họ được cơ hội tiếp tục đầu tư, phát triển trên chính mảnh đất mà họ đã giữ gìn, sản xuất, kinh doanh qua nhiều thế hệ.
Bà cũng cho rằng Nhà nước có đủ cơ sở xác định rõ nguồn gốc đất đai của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vị đại biểu nêu thực tế nhiều địa phương sẽ không đủ nguồn lực để đền bù, giải tỏa cho doanh nghiệp. Bởi theo dự luật, doanh nghiệp đang có quyền sử dụng đất sản xuất, kinh doanh sẽ không được ưu tiên chuyển đổi mục đích sang đất đô thị, đất ở đô thị, đất thương mại dịch vụ, nên cách duy nhất là Nhà nước phải bỏ tiền ra đền bù và thu hồi đất.
"Nếu chỉ tính riêng gần 3.000 doanh nghiệp ở Bình Dương, con số này có thể lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Cả Nhà nước và doanh nghiệp đều thiệt hại, không thể chủ động và buộc chỉ còn cách phải chờ đợi, mà chờ đợi càng lâu, sẽ mất đi nhiều cơ hội phát triển", nữ đại biểu phân tích.
Ngoài ra, nữ đại biểu kiến nghị sớm sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế, tài chính để điều tiết hài hòa lợi ích từ việc cho chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại cho 3 nhóm đối tượng, gồm: Người đang sử dụng đất, nhà đầu tư và Nhà nước.
Việc này để Nhà nước phân phối lại lợi ích tương xứng cho chính người sử dụng đất đó và đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thu hồi đất thực hiện dự án kinh tế - xã hội khi "thật cần thiết"
Góp ý thêm quy định về thu hồi đất, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) dẫn chiếu lại quy định của Hiến pháp 2013, là để thu hồi đất, các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện.
Thứ nhất, phải là trường hợp thật cần thiết. Thứ hai, phải do luật định và thứ ba, phải vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Tuy nhiên, quy định tại Điều 79 và Điều 80 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về nội dung này lại chưa thể hiện rõ tính chất "thật cần thiết".
Theo ông Nghĩa, trên thực tế, có trường hợp thu hồi đất nằm trong 31 trường hợp quy định tại Điều 79 và đáp ứng quy định của Điều 80, nhưng công trình sau đó lại bị bỏ hoang, lãng phí, không đi vào cuộc sống do không thật cần thiết đối với nhân dân, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong Báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cũng nêu cụ thể nhiều trường hợp dự án đất hoang hóa hóa, lãng phí.
Do đó, đại biểu Nghĩa đề nghị xem xét bổ sung cụm từ "thật cần thiết" vào phần mở đầu của Điều 79 dự thảo Luật.