1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Phá rừng lấy “lộc trời”

Hơn một tháng nay, mỗi ngày có hàng trăm người vào khu rừng đặc dụng A Lin, A Pát, thuộc Khu Bảo tồn Sao La ở xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế tàn phá cây rừng để tìm ấy hạt ươi.

Để đi vào được khu rừng có cây ươi, người dân ở xã A Roàng, A Đớt, Hương Lâm, huyện A Lưới phải mất 2 giờ đi bộ men theo con đường mòn độc đạo. Vì vậy, họ phải khởi hành từ lúc 3-4 giờ sáng mới kịp trở về nhà trong ngày.

 

Cổ thụ bị đốn hạ ngổn ngang

 

Ngay từ sáng sớm, trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua xã A Roàng, có hàng chục xe máy mỗi chiếc chở 2-3 người, phóng vù vù tới khu rừng A Lin, A Pát, nằm sát hầm A Roàng số 2 để tìm hạt cây ươi. Men theo con đường nhỏ chỉ vừa một người đi, xung quanh cây cối um tùm, chúng tôi theo chân những người tìm hạt ươi đến khu rừng A Lin.

 

Phá rừng lấy “lộc trời” - 1

Những cây ươi 20-30 năm tuổi ở Khu Bảo tồn Sao La (Thừa Thiên - Huế) bị đốn hạ nằm ngổn ngang trong rừng

 

Rương - một thanh niên ở xã A Roàng - cho biết hạt ươi dùng để làm thức uống giải khát rất tốt, giá 120.000 đồng/kg. Mỗi chuyến đi ít thì thu được 5-7 kg, nhiều thì vài chục kg nên có nhiều gia đình có tới 4-5 người cùng vào rừng kiếm hạt ươi. Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tốp người, mỗi tốp 7-10 người cùng vào rừng, mang theo bao tải, ba lô, rìu, rựa.

 

Dọc đường, những cây ươi có đường kính 0,7-0,8 m, dài hàng chục mét, bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Dấu rìu chặt vẫn còn tươi rói, lá cây đã bắt đầu héo khô. Sau khi hạ cây, người tìm hạt ươi chỉ lấy hạt rồi vứt bỏ thân cây lại giữa rừng vì gỗ cây ươi không có giá trị kinh tế. 

 

Vắng bóng lực lượng quản lý rừng

 

Sau hơn 2 giờ đi bộ, chúng tôi tìm tới được khu rừng mà người dân hiện vẫn đang khai thác hạt ươi. Tiếng rìu chặt cây, tiếng cây ươi đổ sàn sạt vang cả một khu rừng. Hàng trăm người chia nhau lục tìm không chừa một tấc đất để kiếm “lộc trời”. Sum (30 tuổi), trú thôn AK2, xã A Roàng, cho biết: “Trước đây, người ta dùng cưa máy để hạ cây nhưng nay sợ kiểm lâm nên dùng rìu cho an toàn”.

 

Ông Văn Thân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao La, cho biết việc hạ sát cây ươi cũng đã diễn ra vào những năm trước nhưng người dân vào rừng khai thác hạt ươi rầm rộ và đốn chặt cây bắt đầu từ cuối tháng 7 đến nay. Đây chủ yếu là khu rừng đặc dụng, thuộc vùng lõi của khu bảo tồn. Ban Quản lý Khu Bảo tồn Sao La phối hợp với Trạm Kiểm lâm Tà Lệnh, thuộc Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới đã thu giữ được 1,5 tạ hạt ươi, hiện đang giao cho kiểm lâm xử lý.

 

Theo chúng tôi ghi nhận, số cây ươi lớn, có từ 20-30 năm tuổi, đã bị đốn hạ rất nhiều, nằm sâu trong rừng nhưng ông Thân khẳng định chỉ có lác đác một vài cây bị chặt do lúc đó mùa ươi mới bắt đầu, ban quản lý chưa đi tuần tra nghiêm ngặt (?).

 

Theo ông Thân, Khu Bảo tồn Sao La có 24 người quản lý, được chia thành 4 nhóm tuần tra liên tục trong rừng và chốt chặn những nơi vào rừng. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi trong chuyến đi thực địa thì không gặp bất kỳ người nào đi tuần tra. Hàng trăm người tìm hạt ươi vẫn thản nhiên vào ra rừng mà không bị ai ngăn cản.

 

Theo Quang Nhật

 Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm