1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Phá đường dây làm chế độ thương binh giả

Công an Hà Tĩnh vừa triệt phá đường dây làm chế độ thương binh giả, khởi tố 17 bị can, bắt tạm giam 10 bị can chủ yếu là cán bộ xã, hội đồng giám định y khoa, Phòng chính sách thương binh liệt sĩ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh.

Những năm gần đây, tình trạng làm giả chế độ thương binh tại tỉnh Hà Tĩnh ngày càng lan rộng với mức độ nghiêm trọng. Trong nhiều phiên họp HĐND tỉnh, các đại biểu đã chất vấn các ngành chức năng nhưng chưa được giải quyết và trả lời thoả đáng.

Hàng loạt đối tượng có dị tật, không một ngày đi chiến đấu tại chiến trường vẫn nghiễm nhiên trở thành thương binh. Điển hình trường hợp ông Nguyễn Văn Thiêm ở xóm 2, xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh bị dị tật bẩm sinh ở môi và một số vết sẹo khác. Năm 2003, nghe một số đối tượng cò làm chế độ thương binh giả với hy vọng có thêm một khoản tiền chi tiêu hàng tháng nên đã bán đất kiếm 7 triệu đồng để chạy và được xếp loại thương binh Hạng 3 với thương tật 45%.

Phong trào “thương binh hoá” không chỉ dừng lại ở xã Kỳ Liên mà lan rộng ở nhiều nơi trong tỉnh, thậm chí nhiều người coi đó là phương thức đầu tư để “xoá đói giảm nghèo” nên sẵn sàng bỏ ra năm triệu đến hàng chục triệu đồng để chạy được chế độ thương binh; trong đó không ít người bị cò mồi lừa gạt nên “tiền mất, tật mang”.

Trong khi đó, nhiều trường hợp bị thương khi tham gia chiến đấu do không còn giữ được giấy tờ cần thiết để làm chế độ thương binh nên không được hưởng chế độ thương tật gì.

Ông Võ Tá Lệ, ở khối 7 phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh bị thương ở đầu và chân trong một trận chiến quyết tử với quân đội Mỹ ở đồi Sim, Ba Lòng, Quảng Trị; được chữa trị ở bệnh xá dã chiến Nam Đông và an dưỡng ở đoàn 200 - Hương Sơn; đã tiến hành làm hồ sơ và có đồng đội đã tham gia đánh ở trận đó xác nhận nhưng do thủ tục không đầy đủ nên không làm được. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ tiền để trả cho đội ngũ cò nên ông Lệ đành phải mang hồ sơ về.

Sở dĩ các vụ làm giả hồ sơ thương binh trót lọt do có sự tiếp tay, cấu kết của một số cán bộ thoái hoá biến chất ngành lao động - thương binh - xã hội, Hội đồng giám định y khoa với đội ngũ cò để trục lợi bất chính. Bọn cò mồi đã đến gặp từng đối tượng vận động làm hồ sơ, thông qua cán bộ trong ngành thương binh xã hội để hợp pháp hoá hồ sơ và chi tiền cho những kẻ biến chất trong hội đồng giám định y khoa để được xếp hạng.

Giá “chạy” trung bình mỗi trường hợp từ 5-7 triệu đồng và cách tính xếp hạng thương binh được tịnh tiến theo số tiền chạy nhiều hay ít găm trong mỗi hồ sơ.

Qua quá trình điều tra, Ban chuyên án đã làm rõ các tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ, làm môi giới hối lộ, làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức của 17 bị can trong đường dây. Hàng loạt cán bộ của ngành lao động - thương binh và xã hội đã bị khởi tố về tội nhận hối lộ như Lê Bá Dào, Phó trưởng phòng Thương binh liệt sĩ, người có công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh nhận 16 triệu đồng, Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Anh nhận 3,3 triệu đồng. Riêng Phan Sỹ Ân, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Xuyên đã nhận hối lộ 150 triệu đồng của nhiều đối tượng và đưa hối lộ 10 triệu đồng để lo lót các hồ sơ thương binh rởm.

Do được bôi trơn nên hàng loạt hồ sơ "ma" đều được xét duyệt, hợp pháp hoá dễ dàng. Dương Thị Trâm, kế toán Hội đồng giám định Y khoa tỉnh khai đã nhận 16,7 triệu đồng của 15 đối tượng để hối lộ các thành viên Hội đồng giám định gồm Thái Thị Tuyết, Nguyễn Thị Hậu, Lê Đức Hiền nhằm giám định trót lọt cho các trường hợp chạy chế độ.

Các đối tượng “cò” bị cơ quan điều tra khởi tố về tội đưa hối lộ gồm đủ thành phần như lái xe taxi, lao động tự do, làm ruộng, cán bộ công an nghỉ hưu. Riêng bị can Lê Văn Hoà, sinh năm 1962, giáo viên trường tiểu học Phú Gia, huyện Hương Khê bị khởi tố về hành vi làm giả 36 hồ sơ các đối tượng dân công hoả tuyến ở huyện Hương Khê để nhận 7 triệu đồng tiền công.

Điều tra vụ án này, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện hơn 100 thương binh giả, loại ra gần 5.000 đối tượng làm hồ sơ để hưởng chế độ. Tuy nhiên đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, hiện vẫn còn tồn đọng khoảng 6.500 hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người có công, cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh làm rõ nhằm loại bỏ kịp thời những hồ sơ giả và làm rõ trách nhiệm của các đối tượng liên quan.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Hà Tĩnh đang khẩn trương kết luận điều tra vụ án nhằm xử lý nghiêm các bị can trước pháp luật.

Theo Tuấn Anh
Báo Nhân dân