1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Phá chùa Trăm Gian: “Trách nhiệm có ở các nơi!”

(Dân trí) - Chiều 30/8, Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Phạm Quang Long cho biết, tháo dỡ chùa Trăm Giam trách nhiệm có ở các nơi! Cũng theo ông Long, không thể phục hồi nguyên gốc nhà Tổ, gác Khánh đã phá đi làm mới.

Trách nhiệm phải đợi thanh tra

Trao đổi với báo chí, ông Long cho biết, từ ngày 19/7, nhà sư đã dỡ nhà Tổ, gác Khánh, đồng thời đưa gỗ từ bên ngoài vào chùa để chế tác. “Công việc nhà chùa tự ý làm kéo dài hơn một tháng mà cấp dưới không báo cáo lãnh đạo ngành và thành phố biết thì phải xử lý người có trách nhiệm trực tiếp quản lý”, ông Long nhấn mạnh.
 
Phá chùa Trăm Gian: “Trách nhiệm có ở các nơi!”

Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Phạm Quang Long: "hạng mục bị xâm hại, phá hoại làm hư hỏng mức độ hết sức nghiêm trọng"

Còn về Sở VHTT&DL ông Long cho hay, sở này không từ chối trách nhiệm. Trong văn bản báo cáo thành phố trước đó, ông Long thừa nhận, Sở VH-TT&DL Hà Nội tuy không quản lý trực tiếp di sản nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời khi di tích có dấu hiệu bị đổ do mưa bão, đó là khuyết điểm của Sở.

“Trách nhiệm có ở các nơi! Muốn biết trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân nào thì phải đợi kết luận của thanh tra mới rõ”, ông Long nói về trách nhiệm của việc tháo dỡ những hạng mục ở chùa Trăm Gian.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông thẳng thắn thừa nhận trách nhiệm trực tiếp thuộc về mình.

“Tôi và chủ tịch UBND xã Tiền Phương sẽ chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự việc. Còn mức độ xử lý thế nào đối với tập thể, cá nhân từ xã đến huyện, nhà sư và ban quản lý di tích thì chúng tôi sẽ chấp hành theo kết luận thanh kiểm tra”, Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông thẳng thắn.
Nhiều chi tiết được làm khác hẳn so với nguyên bản

Nhiều chi tiết được làm khác hẳn so với nguyên bản

Trong cuộc họp báo, ông Đông cũng chỉ rõ ban quản lý địa phương đã không kịp thời xử lý sự việc và thiếu trách nhiệm đối với di tích. Còn phía nhà chùa ông Đông cho hay, vị trụ trì thực sự là người rất có tâm với chùa. Tuy nhiên, do nhận thức của nhà chùa và ban quản lý yếu kém nên mới dẫn đến sự việc đáng tiếc.

Cũng tại cuộc họp Chủ tịch xã Tiên Phương Vũ Văn Doãn cho biết, nhà chùa hạ giải nhà Tổ và gác Khánh do hạng mục này đã xuống cấp nghiêm trọng nếu không làm gấp sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. “Làm như thế nào là việc của nhà chùa. Nhưng địa phương cũng chưa thật sự sát sao”, ông Doãn bày tỏ.

Không thể phục hồi chùa như ban đầu

Giám đốc Sở VHTT&DL Phạm Quang Long cho biết, các hạng mục bị xâm hại, phá hoại làm hư hỏng, cụ thể là nhà Tổ, gác Khánh và bệ lên xuống với mức độ hết sức nghiêm trọng nên đã đình chỉ ngay để khôi phục. “Chùa có hàng nghìn chi tiết nên không thể phục hồi nguyên gốc trước đây. Còn kết luận phục dựng lại các hạng mục bị tháo dỡ trong chùa Trăm Gian như nguyên gốc, tôi phải nói rằng câu này chỉ mang định hướng!”, Giám đốc Sở VHTT&DL nói.
 
Khó có thể hình dung được đây là những gì còn lại của chùa Trăm Gian có tuổi đời ngót 1000 năm

Khó có thể hình dung được đây là những gì còn lại của chùa Trăm Gian có tuổi đời ngót 1000 năm

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện bảo tồn di tích cho biết, qua khảo sát thực tế nhiều chi tiết trong chùa Trăm Giam đã bị làm khác hẳn kết cấu trước đây. Do vậy, để phục hồi các chi tiết bị tháo dỡ ở chùa cần phải xác định được hình hài cụ thể nguyên bản.

“Rất may chúng tôi vẫn xác định được dấu vết của cấu trúc cổ khi bị dỡ xuống. Điều đó giúp cho chúng tôi phục dựng lại đúng cấu trúc của công trình theo mẫu nguyên gốc. Thực tế khi phục hồi cũng không thể đúng 100% như ban đầu”, ông Vinh thừa nhận thực tế khi chùa đã bị hạ giải.
 
Một hạng mục ở chùa Trăm Gian được làm mới tinh

Một hạng mục ở chùa Trăm Gian được làm mới tinh

Tuy nhiên, ông Vinh cho biết, sẽ cố gắng phục dựng công trình giống nhất với những gì đã mất. Cũng theo ông Vinh, gác Khánh, nhà Tổ và bậc phía ngoài đã bị xâm hại rất nghiêm trọng.

Không chỉ chùa Trăm Gian bị xâm hại, trong cuộc họp, Giám đốc Sở VHTT&DL Phạm Quang Long cho biết, trên địa bàn thành phố còn có những công trình cổ bị “làm mới” không thương tiếc như một công trình cổ ở Tây Hồ đã bị thay gỗ bằng kết cấu bê tông từ nhiều năm trước.

Quang Phong