“Đập cổ kính xưa” dựng… chùa mới
Di sản văn hóa quốc gia nổi tiếng chùa Trăm Gian thời Lý (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đang lâm vào thảm họa.
Chúng ta có thể nhìn rõ các góc độ, bức ảnh được chụp trước khi có “thảm họa trùng tu”: Gác khánh thâm nghiêm, cổ kính, quyến rũ, vững chãi như thế này. Vì sao họ đập ra để làm mới toàn bộ?
Người ta dỡ trắng, “giải phóng mặt bằng” cả nhà tổ, gác khánh, bỏ toàn bộ cấu kiện cũ, mua gỗ mới, đổ bêtông nền, lát đá - gạch mới toanh, dựng lên một di tích mới trong niềm… “tự hào” của không ít người.
“Đào tận gốc, trốc tận rễ”
Khi chúng tôi có mặt tại chùa Trăm Gian, bà chủ quán bán hàng “lấn chiếm” trọn vẹn di tích gác trống mái cong veo, rêu phong cổ kính trước cửa chùa đon đả: “Các chú lên đi, hôm nay chùa vui lắm. Dỡ toàn bộ nhà tổ và gác khánh, dân đông như hội ấy”.
Dân thôn nườm nượp phá chùa cũ... |
...dựng chùa mới theo đúng nghĩa đen! |
Sơn vẽ làm hỏng các bức phù điêu La Hán, giờ họ lại dỡ lanh tanh bành gác khánh, nhà tổ. Các hiệp thợ ngồi nhấp nhổm ngay trước các “tuyệt phẩm bị tàn sát”, các phù điêu, cấu kiện cổ vứt chỏng chơ. |
Qua lối vào chùa mà người bán hàng chiếm hết không gian đi lại, chúng tôi gặp một đoàn người đông như “dân công hỏa tuyến”. Nhiều cụ áo nâu sồng, răng đen, bỏm bẻm nhai trầu cũng miệt mài chuyền tay nhau từng viên gạch, viên ngói, đoàn người xếp hàng theo những chiếc thang tre, kéo từ dưới đất lên… nóc chùa.
Khu nhà tổ rộng mênh mông giờ bị dỡ toàn bộ. Nền bị bóc lên, khoét sâu xuống, đổ bêtông vĩnh cửu. Các cấu kiện bị dỡ xuống vứt chỏng kềnh, thay mới toàn bộ. Tượng bị khênh đi nơi khác. 100% gỗ mới, ximăng, gạch ngói mới, xây lại cái nhà tổ theo đúng nghĩa đen.
Và, đau thương thay, gác khánh - di tích cổ kính tuyệt mỹ từng làm nao lòng bao người - cũng đã bị “giải phóng mặt bằng tuyệt đối” y như vậy.
Cụ Vinh kể: “Chỉ còn Gác Chuông này có vẻ cổ kính. |
Bởi hơn 15 năm trước, gác chuông này được một bà người Australia tài trợ trùng tu, với điều kiện là: Bà ấy chụp lại ảnh gác trống trước khi “thi công”, đợi lúc xong, nếu các hiệp thợ giữ nguyên được vẻ cổ kính thì mới… cho tiền!”. |
Trong mù mịt cưa đục, bụi gỗ, chúng tôi chen chân vào ngó. Than ôi, nền gạch cũ, với đá tảng xanh chân cột, viền vỉa hè của di tích cũng bị bới 100%, người ta dùng búa tạ đập bỏ những phiến đá rêu phong đi, khênh ra cổng chùa xếp thành núi trắng lốp.
Và gạch, vôi vữa mới được tống vào thay thế. Chủ tịch UBND xã Tiên Phương - ông Vũ Văn Doãn - kể giọng đầy thán phục: “Người ta sang tận Lào, áp tải gỗ lim to về phục vụ đại công trường”. Một lán lớn, lợp tôn xanh, to bằng dăm cái gara ôtô được dựng ngay trong khuôn viên chùa, ở đó chuyên xẻ gỗ, chế tác các hạng mục mới.
Cụ Nguyễn Đức Tuệ - 82 tuổi, người xã Tiên Phương - vừa tự hào khoe năm nay mình “được tuổi”, được tín nhiệm mời leo lên thượng lương, cất nóc cho chính tòa gác khánh này, rồi trầm trồ: “Người ta xẻ một cây gỗ lim ra, vót nó thành 4 cái cột chùa khổng lồ y như chúng ta chẻ tre vót đũa ấy. To tiền lắm, riêng khu này chắc khoảng 3 tỉ đồng rồi nhé”.
Chúng tôi trò chuyện với các hiệp thợ đang thi công, với cụ Tuệ và cụ Vinh (hai người gắn bó đặc biệt với di tích), thì được biết: Khi dỡ ra, ngoài các cột lim bị “tiêu tâm”, rỗng ruột do thời gian, thì hầu hết hạng mục còn tốt. Nhà tổ, gác khánh đều đứng vững, nếu để nguyên thì còn lâu mới hỏng. Sự thật là di tích kể trên vẫn đứng vững cho đến khi “xin” được “tiền dự án”.
Các cụ có uy tín trước cả làng cả tổng, như cụ Tuệ, vẫn khảng khái nói: Di tích, nhiều dui mè như mới, mộng mẹo còn nguyên. Nhưng vì có điều kiện, nên “nhà chùa” thay mới cho nó đẹp, nó bền. Vì nó… cổ kính quá rồi nên mới phải thay. Cái nền cũng bóc lên, thay đá mới cho nó đẹp. “Đầu tư to tiền lắm, làm mới cho nó bền. Sắp tới, “dự án” còn xây lại cái cổng nữa, hoành tráng lắm chú ạ”.
Cổng xây mới, hành lang đánh véc-ni toàn bộ, phủ sơn công nghiệp lên tranh tượng, giờ là dỡ trắng xây mới 100% nhà tổ và gác khánh. |
Nền móng mới cho gác khánh! |
Di sản “thoát chết” nhờ… kẻ trộm!
Tóc bạc trắng, râu dài, qua tuổi thất thập đã lâu, cụ Đỗ Duy Vinh ngồi lặng lẽ ở ngay trước cửa chùa, trong bóng cây thông cổ thụ vi vút gió. Khách chưa kịp hỏi, cụ đã lắc đầu buồn bã: “Mất hết cổ kính rồi. Tôi đã nói chuyện này với anh Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lương - rồi đấy. Cần một cuộc họp dân để cho những người hiểu biết được nói ra cái điều có lợi cho di tích quốc gia. Chùa đang tốt, thì đem dỡ đi, làm mới, phá ra toàn bộ cả nhà tổ lẫn gác khánh”.
Trước đấy, cái hành lang cũng làm mới, sơn cột bóng nhẫy vécni, đã bị Nhà nước phê bình rồi. Các bức phù điêu La Hán ở hai bên hành lang cũng bị phủ sơn công nghiệp xanh, đỏ, tím, vàng như hàng mã. Báo chí đã viết quá nhiều về chuyện này. Bệ tượng cũng bị đổ bêtông, lát gạch hoa, đá hoa bóng nhẫy.
Chỉ có mấy bức phù điêu “Thập điện diêm vương” bằng gỗ, cổ và tuyệt đẹp thì bị kẻ trộm lấy mất, lưu lạc cả chục năm giời qua hàng vạn kilômét, vừa rồi các đồng chí ở Bộ Công an và Công an Hà Nội phối hợp tìm được, đem về trao trả nhà chùa… thì may thay, nhờ ơn bị “trộm cắp” mà nó không bị sơn sửa, trùng tu!
Ông Vinh nhấn mạnh: Người ta mua việc vào thân để làm gì, như các cụ nói, “xé mắm mút tay, thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ”. Người ở đây, từ trai tráng 40 tuổi đến cụ lão 80 tuổi ở địa phương, quá nhiều người buồn bã, muốn kiến nghị về việc trùng tu xây mới làm “phá hết cổ kính” của di tích.
Đường dẫn lên chùa, dãy cầu thang đá cao vút, rêu phong, người thợ xưa đẽo thủ công vững như bàn thạch. Đang tốt thế, người ta cho thợ vào dùng búa cái táng vỡ tan tành, mua đá mới xẻ bằng máy trắng phau lát vào. Đá cũ ném ngổn ngang trước cửa chùa. “Sau đợt thi công này, là chùa chúng tôi không còn cái nào chưa bị đầu tư mới nữa, tôi bảo nhà chùa mua việc quá, mấy cái bệ thờ cứ đập đi xây lại suốt.
Đợt này, chắc sau khi bị phê bình, họ không dám lát gạch tráng men xanh đỏ cho bệ thờ nữa đâu, chú nhẩy!”, cụ Vinh vuốt râu thở dài. Còn ông Vũ Mạnh Khởi, 35 năm tuổi Đảng, là người am tường văn hóa, nguyên hiệu trưởng một trường cấp 3 ở địa phương thì “dâng” lên chúng tôi một “bản kiến nghị thống thiết”, với thông điệp khẩn cấp bảo vệ di tích quốc gia chùa Trăm Gian trước sự tàn phá của cái gọi là trùng tu tôn tạo suốt hơn chục năm qua. Theo cụ, bản chất vấn đề là cơ quan quản lý di tích, văn hóa đã không làm đầy đủ nhiệm vụ của mình.
Lãnh đạo xã chỉ còn biết… kêu trời
Tại trụ sở UBND xã Tiên Phương, làm việc với chúng tôi, ông Chủ tịch Vũ Văn Doãn hầu như không biết bất cứ thông tin gì liên quan đến đợt “trùng tu” chùa Trăm Gian đang diễn ra. Ông Doãn chỉ biết: Chùa được sửa nhiều lần rồi, nhà chùa rất “năng động” đi xin nguồn từ “cấp trên” và “(chính quyền) địa phương không đi cùng, địa phương không làm việc đấy”. Nhà chùa cũng xin thiết kế, tư vấn, có vẻ bài bản đấy, gỗ lạt họ cũng đi mua đấy. “Cái này các đồng chí muốn biết thì… hỏi nhà chùa”.
Ông Tống Bá Lương, Phó Chủ tịch UBND phụ trách văn xã của địa phương, thì tỏ ra trăn trở hơn với những bất cập quá lớn của công tác trùng tu. Ông cho biết đã nhiều lần đề nghị với “nhà chùa” cung cấp cho người quản lý nhà nước ở địa phương những thông tin liên quan đến dự án trùng tu chùa Trăm Gian hiện nay.
Dự toán thế nào, kinh phí ra sao, có được cơ quan chức năng xét duyệt và đồng ý cho thi công hay không? Việc trùng tu có đảm bảo nguyên tắc tôn trọng di sản cổ kính hay không? “Nhà chùa có nói (ngoài lề) với chúng tôi là Sở VHTTDL Hà Nội là chủ đầu tư dự án kể trên (?).
Tôi đã báo cáo lãnh đạo rồi. Nói thật là cá nhân tôi cũng thấy rất bức xúc, muốn họ tôn trọng chính quyền địa phương một tí. Người ta “làm” như vậy mà không thông qua chính quyền địa phương gì cả. Tôi muốn nhờ anh, với tư cách là nhà báo, anh hỏi “bên sở” một số thông tin giúp nhé. Chúng tôi cần biết công trình này do ai đầu tư, sẽ làm ra sao, ứng xử với di tích quốc gia như thế nào. Cái gì phải ra cái đó, không thể cứ úp úp mở mở mãi được”, ông Lương nhấn mạnh.
“Đúng nguyên tắc bảo tồn, tức là chỉ trùng tu cái gì thật sự hỏng thôi, không thể làm mới như bây giờ được!” - ông Lương bỏ dở câu chuyện. Rồi ông nói sang chuyện khác còn buồn hơn: “Sáng 22.8.2012, tôi cũng vừa tìm gặp, họp các bô lão biết chữ Hán và am tường văn hóa ở địa phương lại để nhờ các cụ sao chép lại các vế đối, các câu chữ hay ho trên cổng chùa lại, vì lo lắm, vì nghe nói “họ” lại sắp sửa “trùng tu” (làm mới?) nốt cái cổng đó. Chứ họ cứ làm “tắt”, cái gì sai, cán bộ có lên hỏi nhà chùa, nhà chùa lại đổ tội cho… “sở”.
Cụ Vinh tiếc rẻ mãi, quay ra thán phục “bà tây trùng tu chùa Trăm Gian”: “Đấy, hồi trùng tu gác chuông, có một “bà tây” thấy nó đổ nát quá đã hứa tài trợ toàn bộ tiền trùng tu, với điều kiện là phải đảm bảo nguyên hình hài, cấu kiện của di tích, không lai căng, không làm mới để hủy hoại di sản. Bà ta nói rõ, nếu vi phạm quy định thì sẽ không cho tiền mà thanh toán đâu nhé. Thế là cuộc cứu di sản đã thành công, mà lại không rơi vào thảm cảnh làm mới bằng mọi giá”.
“Bài toán quản lý và bảo vệ di tích nó dễ dàng thế, mà sao chúng ta không học tập, sao cứ “mua việc” để tốn kém tiền của Nhà nước, để tàn sát di sản, cụ Vinh nhỉ?”, tôi hỏi. Ông Vinh vuốt râu nhìn xa xăm: “Xé mắm mút tay mà chú, thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ…”. Thế rồi, chúng tôi cùng im lặng rất lâu, chỉ có rừng thông chùa Trăm Gian cứ vi vút “lời buồn thiên thu”…
Hai trong số 4 bức “tuyệt phẩm” cổ kính Thập điện Diêm Vương bị kẻ trộm lấy đi, cả chục năm trời sau cơ quan công an mới tìm được, trả về chùa Trăm Gian. Và vì lý do đó, nên “tình cờ” di sản này đã không bị sơn son thếp vàng bằng sơn của Nhật như 18 vị La Hán kế bên. |
Một cách ứng xử với voi đá trong khuôn viên chùa Trăm Gian. |
Còn đây là một cách ứng xử nữa với rồng đá cổng chùa. |
Từ hai phía tả hữu nhìn vào, gác khánh được làm mới 100%. |
Kể cả nền nhà cũng bị đào lên, gạch đá bị đập phá trọn vẹn. |
Những gì còn lại của di tích quốc gia trong cơn lốc trùng tu! |
Các bậc đá dẫn lên chùa Trăm Gian đã được làm mới cách đây vài tháng (năm 2012) |
Dẫu rằng trước đó nó được đẽo thủ công từ thượng cổ, rất đẹp và bền vững |