Ông Võ Văn Thưởng: Sẽ hoàn thiện thể chế để cán bộ không thể tham nhũng
(Dân trí) - Tham nhũng luôn gắn liền với quyền lực. Quyền lực mà không kiểm soát sẽ "sinh ra chuyện". Thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng...
Chiều 27/6, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, trả lời ý kiến của các cử tri liên quan đến vấn đề đất đai, ông Võ Văn Thưởng - Thường trực Ban Bí thư - cho biết trong khai mạc Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư có nói: "Nhiều người giàu lên vì đất, nghèo vì đất, tù tội cũng vì đất".
Hiện nay các vụ khiếu kiện, khiếu nại ở các địa phương 70% liên quan đến đất đai. Cán bộ ở các tỉnh, thành trong thời gian vừa qua bị kỷ luật cũng có một tỷ lệ rất đáng kể liên quan đến đất. Chính sách đất đai chưa ổn định, thường xuyên thay đổi, có những quy định chồng chéo nên kỳ này quyết tâm rất cao là phải sửa.
Theo ông Thưởng, đến năm 2023 sẽ hoàn thành xong việc sửa đổi Luật Đất đai.
"Trong thời gian vừa qua, hình thành việc tài trợ quy hoạch, phân khu, quy hoạch vùng, quy hoạch lĩnh vực. Quy hoạch là công cụ quản lý của Nhà nước, là định hướng để hình dung một địa phương trong tương lai. Tuy nhiên, toàn bộ cái đó mình giao cho doanh nghiệp tài trợ. Các doanh nghiệp vào tài trợ, xí phần, làm nhà ở thương mại, làm nhà ở để bán… sẽ mất cân bằng trong việc tiếp cận đất đai", ông Thưởng nói.
Ông Thưởng cũng cho hay, kỳ này bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đây là chuyện rất lớn bởi thực tế những năm vừa qua khung giá đất không sát với thị trường, luôn thấp hơn, đôi khi chỉ bằng 1/3, hoặc 1/4, 1/5 giá thị trường.
"Cái giá như vậy đối với người dân là thuận lợi khi chuyển nhượng cho con cái làm nhà, làm sổ đỏ. Nhưng khó khi thực hiện giải tỏa đền bù", ông Thưởng cho hay.
Nói về vấn đề phòng chống tham nhũng, ông Võ Văn Thưởng cho biết công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua được mở rộng phạm vi. Từ việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương đến Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng các tỉnh, thành.
Ông Thưởng thông tin, ngày 30/6 tới, Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
"Phải tăng cường công tác lãnh đạo trong phòng chống tiêu cực với tinh thần cao, trên dưới đồng lòng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ", ông Thưởng nhấn mạnh.
Theo ông Thưởng, tham nhũng luôn gắn liền với quyền lực. Quyền lực mà không kiểm soát sẽ sinh ra "chuyện này, chuyện khác". Thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế để cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng. Trong đó, tập trung mạnh việc cán bộ không thể tham nhũng, không dám tham nhũng.
Theo ông Thưởng, việc hoàn thiện thể chế để bịt các lỗ hổng về quy định, về pháp luật. Thời gian vừa qua, có những vụ án tiêu cực, tham nhũng do những sơ hở của pháp luật. Có những sơ hở do nhận thức của quá trình làm luật, nhận thức chưa tới, chưa đầy đủ nhưng cũng không loại trừ việc cố tình cấu kết với nhau để tạo ra sơ hở.
"Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói rằng "không có tham nhũng chính sách". Nhưng mà nói thật với các cô, các bác cử tri, trong những vụ việc xảy ra thời gian vừa qua, cho thấy có một sự câu kết giữa các doanh nghiệp với những thành viên có chức có quyền trong bộ máy", ông Thưởng nói và lấy ví dụ điển hình như phát hiện vụ xe sang biếu tặng là một cách lách luật, trốn thuế, nâng cao hiệu quả lợi nhuận.